Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chờ Ngân hàng Nhà nước lên tiếng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chờ Ngân hàng Nhà nước lên tiếng?

Hải Lý

Chờ Ngân hàng Nhà nước lên tiếng?
Bản thân các ngân hàng đang mong muốn NHNN có tuyên bố chính thức để người gửi tiền an tâm là mở tài khoản, gửi tiền vào ngân hàng, vào bất cứ ngân hàng nào, là an toàn. Ảnh: Tuệ Doanh.

(TBKTSG) – Quí 4-2012, khi thị trường chứng khoán giảm sâu, trào lưu bán khống trỗi dậy. Lúc bấy giờ bị thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) phát hiện, một số công ty chứng khoán “phủi tay”, nói rằng hành động bán khống, thậm chí lấy cổ phiếu trên tài khoản của nhà đầu tư mà nhà đầu tư không hề biết để bán, là hành động đơn phương của cá nhân. Một số công ty chứng khoán đã sa thải những nhân viên bán khống và thế là coi như hết trách nhiệm với khách hàng.

Với tư cách cơ quan quản lý thị trường, SSC không chấp nhận cách lập luận “chạy tội” như thế, bèn tuyên bố sẽ rút giấy phép môi giới ngay lập tức bất cứ công ty chứng khoán nào nếu ở đó xảy ra bán khống, không cần biết nhân viên bán khống là ai. Công ty chứng khoán phải chịu trách nhiệm về hành động của nhân viên của mình. Từ tuyên bố này, bán khống ngay lập tức xẹp xuống như quả bóng xì hơi và từ đó đến nay nó hầu như vắng bóng trên thị trường.

Tuần trước, liên quan đến vụ án Huyền Như, trả lời phỏng vấn một tờ báo mạng, người đứng đầu VietinBank nói tiền cá nhân, doanh nghiệp gửi qua nhân vật này không hề được cập nhật vào hệ thống VietinBank. Ông cũng nhấn mạnh “sẽ sa thải nhanh bất cứ cá nhân nào vi phạm”.

Ở đây có ba vấn đề. Thứ nhất, quá dễ để cho nghỉ việc những người làm sai, quan trọng là hậu quả những người đó để lại giải quyết thế nào? Công ty chứng khoán không thể “phủi tay” với nhân viên bán khống, còn ngân hàng có thể “phủi tay” với nhân viên sai phạm, hóa ra ngân hàng không an toàn bằng công ty chứng khoán?

Thứ hai, tiền gửi không được cập nhật vào hệ thống ngân hàng, vậy nó đi đâu? Nếu Huyền Như đã lấy số tiền này, thì cô ta cần gì phải lập lệnh chi giả, lệnh chuyển tiền giả, chữ ký giả, con dấu giả… để chiếm đoạt tiền trên tài khoản khách hàng sau đó nữa?

Thứ ba, ai chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý các hồ sơ giả, các lệnh chi giả để Huyền Như rút tiền? Họ là ai? Họ có phải cán bộ, nhân viên VietinBank không? Chẳng lẽ khách hàng gửi tiền lại là người tiếp nhận những hồ sơ giả đó?

Ngoài ra cũng cần phải thấy rõ khi đã mở tài khoản ở VietinBank, hầu hết tiền của cá nhân, doanh nghiệp liên quan trong vụ Huyền Như đều được chuyển đến VietinBank theo đường chuyển khoản, tức giao dịch điện tử giữa các ngân hàng, không phải người gửi vác hàng bao tải tiền mặt đến nộp (vì toàn gửi hàng tỉ đồng). Các giao dịch này được thực hiện qua hệ thống thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tất cả các giao dịch chuyển tiền đi đều có code (mã số) riêng. Bên gửi, bên nhận có thể kiểm tra mã số riêng để đối chiếu. Muốn biết chính xác tiền có vào tài khoản của khách hàng ở ngân hàng nơi nhận, chỉ cần rà soát lại các mã số chuyển tiền.

Quá trình mở tài khoản, gửi tiền vào rồi tiền bị lừa, bị rút ra như trên đang dấy lên những lo ngại từ phía người gửi và cả từ phía các ngân hàng. Thông thường khi đến một ngân hàng mở tài khoản, cá nhân và doanh nghiệp tiếp xúc với nhân viên ngân hàng. Từ nay nhằm đảm bảo an toàn, người gửi tiền sẽ phải hỏi nhân viên tiếp xúc để chắc chắn anh/chị là người của ngân hàng chứ? Anh/chị sẽ không bị sa thải trong tương lai chứ? Tiền tôi gửi vào tài khoản đã được cập nhật vào hệ thống ngân hàng chưa? Ngân hàng có giao cho tôi giấy tờ, chứng từ gì đảm bảo tiền đã vào hệ thống không?

Các ngân hàng mà chúng tôi tham vấn ý kiến khẳng định khi khách hàng mở tài khoản, gửi tiền vào tài khoản, tiền phải được cập nhật vào hệ thống và khi giao dịch chuyển tiền, hay làm bất cứ động thái nào với tài khoản, chủ tài khoản phải đích thân có mặt với chứng minh nhân dân. Nay không ít khách hàng lo lắng và các ngân hàng bỗng dưng mất thêm thời gian, công sức để giải thích và đảm bảo với khách hàng tiền gửi vào tài khoản của họ sẽ không bị mất. “Chúng tôi bị ảnh hưởng vì lòng tin của khách hàng bị lung lay dù chúng tôi làm đúng quy trình, quy định” – tổng giám đốc một ngân hàng nói – “Nếu vấn đề tiền gửi vào tài khoản mà không được cập nhật vào hệ thống, nó đi đâu, không được làm rõ, thì sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho các ngân hàng”. Dư luận đang chờ đợi đại diện của NHNN, cơ quan quản lý ngành ngân hàng, lên tiếng. Riêng những nỗ lực của phóng viên TBKTSG để phỏng vấn lãnh đạo VietinBank đã không thành công. Số tiền hơn 4.000 tỉ đồng bị Huyền Như chiếm đoạt là số tiền lớn nhất trong một vụ án từ trước đến nay. Bản thân các ngân hàng đang mong muốn NHNN có tuyên bố chính thức để người gửi tiền an tâm là mở tài khoản, gửi tiền vào ngân hàng, vào bất cứ ngân hàng nào, là an toàn. Nên nhớ ngân hàng cho vay luôn yêu cầu khách hàng phải có tài sản thế chấp. Còn nếu vay tín chấp phải có xác nhận của phường, xã, chính quyền địa phương nơi ở, hoặc nơi công tác về khả năng hoàn trả. Tuy nhiên, khi gửi tiền vào ngân hàng, cá nhân và doanh nghiệp đều gửi tín chấp. Nhận lại, ngân hàng giao cho họ sổ tiết kiệm hoặc hợp đồng, tờ giấy xác nhận tài khoản. Rất cần một tiếng nói của NHNN để đảm bảo giá trị của những chứng từ này, để khẳng định uy tín nói chung của ngành ngân hàng. Đầu tuần này, đại diện Viện Kiểm sát đã kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấn chỉnh lại hoạt động của VietinBank bởi đã không làm tốt công tác quản lý cán bộ nhân viên, làm ảnh hưởng xấu đến ngân hàng và hoạt động tiền tệ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới