Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nếu Flappy Bird muốn bay tại Việt Nam?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nếu Flappy Bird muốn bay tại Việt Nam?

Mã Giang

(TBKTSG Online) – Giả dụ muốn đưa trò chơi Flappy Bird hay các trò chơi điện tử nhất là loại trò chơi có tương tác lên mạng tại Việt Nam, doanh nghiệp phát hành cần nghiên cứu kỹ Nghị định 72 (đã ban hành) cũng như đóng góp tích cực vào dự thảo thông tư quy định chi tiết về Nghị định này mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến.

Cuối năm 2013, khi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành CNTT-TT góp ý cho một số thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên mạng, dư luận khá “trầm lắng”. Chỉ đến đầu năm 2014, khi sự kiện trò chơi Flappy Bird gây ồn ào trên mạng cả trong và ngoài nước, nhiều người trong ngành mới để ý đến những vấn đề pháp lý quy định về vấn đề này.

Dự thảo thông tư đối với hoạt động quản lý trò chơi điện tử trên mạng quy định doanh nghiệp cung cấp game phải đảm bảo nhiều điều kiện như có vốn pháp định trên 10 tỉ đồng, có ít nhất một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý, và đặc biệt phải lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân của người chơi trong thời gian tối thiểu hai năm gồm họ tên, số điện thoại, số, ngày cấp, nơi cấp CMTND.

Theo một số chuyên gia, việc yêu cầu có ít nhất một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam là không đúng với xu thế “điện toán đám mây” (cloud computing), tức dần dần mọi doanh nghiệp trên thế giới đều đưa máy chủ lên “mây” cả chứ họ không quan tâm máy chủ đang thật sự nằm ở đâu. Tuy nhiên, ban soạn thảo cho rằng việc kiểm soát thông tin người chơi là cần thiết cho công tác kiểm soát, quản lý.

Dự thảo cũng quy định rất chi tiết, ví dụ với game dành cho người dưới 18 tuổi phải “không có hành động giết người tàn ác, thú tính, không có hình ảnh đầu rơi, máu chảy, không có cảnh chết chóc thảm khốc, không có hình ảnh, hoạt động khiêu dâm dung tục”. Trong hội nghị lấy ý kiến các Sở TT-TT địa phương, các doanh nghiệp ICT về dự thảo thông tư diễn ra tháng 12-2013, một số đại diện doanh nghiệp sản xuất, phân phối game băn khoăn, làm thế nào để xác định được tính chất của hành vi là “tàn ác, thảm khốc”. Trả lời câu hỏi này, đại diện Bộ TT-TT cho biết, việc này sẽ do một hội đồng thẩm định xem xét.

Một số ý kiến ban đầu cũng cho rằng việc phân loại trò chơi theo độ tuổi cũng như bắt đăng thông tin khuyến cáo “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” ở phía trên màn hình trang chủ trò chơi, trang diễn đàn của trò chơi là điều đáng ghi nhận của thông tư này để ngăn ngừa tình trạng chơi “thâu đêm suốt sáng” của một số game thủ hiện nay.

Cùng với dự thảo thông tư trên, Bộ TT-TT đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định chi tiết về trang thông tin điện tử và mạng xã hội (MXH).

Một quy định mới đối với việc quản lý mạng MXH là thay vì các doanh nghiệp đăng ký sẽ phải chuyển sang hình thức cấp phép, với các yêu cầu về điều kiện tài chính, biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Quy định MXH phải lưu trữ tối thiểu năm năm thông tin hoạt động sử dụng mạng xã hội đã khiến một số đại diện các công ty VC Corp, FPT Online, VTC thắc mắc, cho rằng thời gian lưu trữ như vậy là quá lâu, gây lãng phí tài nguyên của doanh nghiệp và tài nguyên chung. Tuy nhiên, đại diện ban soạn thảo thông tư vẫn cho rằng quy định lưu trữ thông tin như vậy là cần thiết. Quy định lưu trữ thông tin cá nhân của người tham gia MXH (họ tên, số CMTND, địa chỉ) hay việc kết nối, xác thực thông tin dữ liệu với hệ thống dữ liệu quốc gia cũng khiến các doanh nghiệp băn khoăn về vấn đề thực thi do Việt Nam chưa có hệ thống dữ liệu này.

Về vấn đề xử phạt, đại diện doanh nghiệp cũng bày tỏ lo lắng trước quy định mạng xã hội, trang tin điện tử hoặc trò chơi điện tử trên mạng đều có thể bị thu hồi giấy phép nếu bị xử phạt vi phạm hành chính từ phạt tiền trở lên liên tiếp hai lần trong 12 tháng liên tục. Theo các doanh nghiệp, vi phạm hành chính có nhiều dạng và mức độ khác nhau nên nếu căn cứ quy định này thì các nhà cung cấp dịch vụ gặp rất nhiều nguy cơ bị thu hồi giấy phép, trong khi mỗi lần bị thu hồi phải 12 tháng sau mới được xét cấp lại. Theo đề xuất của doanh nghiệp, ban soạn thảo cần quy định rõ vi phạm hành chính ở mức độ nghiêm trọng thì mới xem xét đến việc thu hồi giấy phép. Đề xuất này đã được đại diện ban soạn thảo ghi nhận.

Như vậy, sau khi ban hành Nghị định 72, Bộ TT-TT mới ban hành được Thông tư số 23/2013/TT-BTTTT, ngày 31-12-2013, quy định quản lý điểm truy nhập Internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Thông tư mới này cũng nhận được những ý kiến góp ý của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và đại lý. Theo đó, quy định phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng được xem như việc tái sinh một loại giấy phép con của ngành TT-TT, khiến đại lý Internet phải qua một “cửa ải” nữa trước khi nhận giấy đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, quy định cơ sở cung cấp dịch vụ Internet phải đáp ứng yêu cầu diện tích tối thiểu trên 50m2 (đối với đô thị loại I, II, III), 40m2 (đô thị loại IV) và 30m2 với khu vực còn lại cũng được cho là thiếu khả thi. “Chả lẽ cán bộ Sở TT-TT hoặc của UBND quận, huyện được Sở TT-TT ủy quyền phải đi cầm thước đo từng căn phòng của đại lý? Nếu diện tích thiếu 1-2 m2 thì sẽ xử lý làm sao?”, đại diện một doanh nghiệp thắc mắc.

Theo đại diện Bộ TT-TT, trong thời gian lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo thông tư, các doanh nghiệp, địa phương chưa tích cực chuyển ý kiến của mình, khiến thông tư ban hành rồi vẫn gặp phải thắc mắc như trường hợp Thông tư 23 nói trên.

Hiện Bộ TT-TT đang chuẩn bị triển khai 7 thông tư hướng dẫn về quản lý kế nối Internet; Kết nối CSP với doanh nghiệp di động; Sử dụng tài nguyên internet; Quản lý mạng xã  hội và trang thông tin điện tử tổng hợp; Trò chơi trực tuyến; Cung cấp thông tin qua biên giới; Đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng di động; Các quy chuẩn kỹ thuật về An toàn thông tin. Ngoài ra, Bộ Công an sẽ xây dựng thông tư về An ninh thông tin, còn Bộ Thương mại sẽ xây dựng thông tư về Phí và lệ phí cấp phép, giấy chứng nhận.

Nhiều chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng để đảm bảo quyền lợi của mình và cân bằng với lợi ích của các bên liên quan, phù hợp với quy định hiện hành và yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia đóng góp ý kiến để các thông tư sau khi được ban hành sẽ sâu sát và phù hợp nhất với thực tiễn.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới