Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ai tín nhiệm ai?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ai tín nhiệm ai?

Nguyễn Vân Cầm

(TBKTSG) – Đề tài tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 sắp tới đã làm nóng dư luận trong tuần qua.

Thoạt tiên các ý kiến tập trung vào quy trình “tạm dừng”. Bởi việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm được quy định rất chặt chẽ và chi tiết tại Nghị quyết 35 của Quốc hội và đã được triển khai vào năm ngoái nên giờ đây nếu muốn tạm dừng thì về nguyên tắc phải do Quốc hội quyết định. Chỉ có Quốc hội tại một phiên họp toàn thể, thông qua thảo luận, góp ý mới có thể sửa đổi Nghị quyết 35 bằng một nghị quyết mới. Sửa như thế nào, tạm dừng để bổ sung, điều chỉnh hay thay đổi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm… tất cả những vấn đề này phải do toàn thể đại biểu Quốc hội quyết định bằng lá phiếu của các đại biểu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay thậm chí Chủ tịch Quốc hội cũng không có thẩm quyền trong vấn đề này. Trước đó, trong một bản tin đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, phóng viên đã trích lời một đại biểu cho rằng: “Việc tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tới, nếu thông qua hình thức gửi văn bản xin ý kiến các đại biểu Quốc hội cũng không phù hợp với quy định: “Quốc hội hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số””.

Tuy nhiên, xét cho cùng, đây cũng chỉ là vấn đề thủ tục. Và trong thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này cũng đã nói rõ hơn (đúng quy trình hơn) so với phát biểu trước đó của các thành viên trong ủy ban. Thông báo cho rằng mặc dù việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm vào đầu năm 2013 “đạt kết quả tốt, được cử tri, nhân dân đồng tình, ủng hộ” nhưng “cũng còn gặp một số vấn đề hạn chế, vướng mắc”. Đó là cơ sở để sửa đổi Nghị quyết 35 và “Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chủ trương và giao các cơ quan có liên quan nghiên cứu, chuẩn bị nội dung, tài liệu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 4-2014 trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định”.

Vấn đề đặt ra là việc lấy phiếu tín nhiệm vì sao lại vướng mắc? Có người nói vì việc lấy phiếu tín nhiệm không phân biệt được cán bộ ở nhánh hành pháp, tư pháp và lập pháp nên khi tiến hành lấy phiếu chung thì không công bằng, không phản ánh đúng thực tế năng lực của cán bộ lãnh đạo. Lập luận này cho rằng bên hành pháp tiếp xúc với người dân, với công luận nhiều hơn nên rõ ràng việc đánh giá sẽ bị “xét nét”, “khắt khe” hơn bên lập pháp hay tư pháp.

Có người nói vì việc lấy phiếu tín nhiệm phân ra thành ba mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” nên người ghi phiếu cũng khó lòng cân nhắc ghi sao cho chính xác để khỏi mang tiếng hình thức.

Nhưng sâu xa hơn, việc lấy phiếu tín nhiệm bị cho là còn “hạn chế, vướng mắc” chủ yếu là do cách cơ cấu các đại biểu, đa phần là đại biểu kiêm nhiệm. Một khi là đại biểu kiêm nhiệm, họ chỉ dành chừng 30% thời gian và công sức cho nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, 70% thời gian và công sức còn lại họ phải tập trung vào các nhiệm vụ chính tại các ngành hành pháp, tư pháp với những mối quan hệ với chính những người họ sẽ lấy phiếu tín nhiệm.

Một Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư “chí công vô tư” với công việc, có nghĩa sẽ từ chối thẳng thừng các đề xuất từ địa phương đưa lên những dự án thuộc loại “cho bằng chị bằng em” như cảng biển, sân bay, đường cao tốc… sẽ không được lòng các đại biểu là lãnh đạo các địa phương có dự án bị từ chối. Ngược lại ông bộ trưởng tìm cách để địa phương nào cũng có vài ba dự án đầu tư công bất kể hiệu quả sẽ được lòng mọi người và được phiếu tín nhiệm cao. Trong trường hợp này, lá phiếu không còn là thước đo khách quan năng lực của cán bộ lãnh đạo một ngành nữa.

Như vậy, có lẽ việc tạm dừng để điều chỉnh không quan trọng, không căn cơ bằng việc nhìn lâu dài để làm sao tách người đại biểu khỏi những vai trò họ phải kiêm nhiệm. Một khi họ chỉ đại diện cho lợi ích của cử tri đã bầu họ hay cử tri của cả nước, lúc đó việc lấy phiếu tín nhiệm mới thực chất và không còn những băn khoăn, so bì giữa người làm việc thật và người chỉ “lên tiếng tại hội trường”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới