Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ASIAD giá bao nhiêu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ASIAD giá bao nhiêu?

Huỳnh Hoa

ASIAD giá bao nhiêu?
Quảng bá cho Asiad Quảng Châu 2010 trên tàu lửa nối Hồng Kông-Quảng Châu. Ảnh Wikipedia

(TBKTSG Online) – Không ai hoài nghi rằng, nếu tổ chức thành công Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 18 vào năm 2019 thì Việt Nam sẽ có cơ hội “nâng cao vị thế” trên trường quốc tế. Nhưng cái giá phải trả cho điều đó như thế nào.

Cho đến nay chưa ai biết việc tổ chức ASIAD 18 Hà Nội năm 2019 sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền của ngân sách quốc gia, ngoài con số 3.100 tỷ đồng, tương đương 150 triệu đô la Mỹ, mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra trước Quốc hội mới đây (con số mà cả Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư đều không công nhận). Có người bảo 150 triệu đô là quá ít, nhưng ít hay nhiều thì có lẽ cần tham khảo số liệu của các thành phố lân cận đã từng đăng cai ASIAD.

Chỉ vài tháng nữa, tại thành phố Incheon (Hàn Quốc) sẽ tưng bừng diễn ra ASIAD 17 năm 2014. Để tổ chức ngày hội này, theo số liệu chưa chính thức, Incheon đã phải chi ra gần 2,9 tỉ đô la Mỹ.

Trước đó, khi đứng ra đăng ký đăng cai ASIAD 17, chính quyền thành phố Incheon đưa ra mức ngân sách dự kiến là 1,62 tỉ đô la Mỹ; trong đó Chính phủ Hàn Quốc sẽ đóng góp 19% từ ngân sách quốc gia, chính quyền thành phố Incheon đóng góp 78,9% từ ngân sách địa phương, chỉ có 2,1% là được huy động ngoài ngân sách, nói theo kiểu Việt Nam là “xã hội hóa”.

Thế nhưng, đến nay Đại hội chưa diễn ra mà số tiền mà Hàn Quốc thực chi đã cao gấp đôi số dự toán (2,9 tỉ đô la), gây một gánh nặng lên ngân sách thành phố Incheon. Năm 2007, khi Incheon giành được quyền đăng cai ASIAD 17, nợ công của chính quyền thành phố là 1.400 tỉ won; đến năm 2012, nợ công đã tăng gấp đôi, lên 3.000 tỉ won, tương đương 2,66 tỉ đô la Mỹ. Tình trạng tài chính căng thẳng đến nỗi ngày 1-4-2012, lần đầu tiên chính quyền Incheon không có đến 2 tỉ won để trả lương đúng hạn cho 6.000 công chức, giáo viên, cảnh sát, buộc Seoul phải ra tay hỗ trợ khẩn cấp.

Đã có nhiều tiếng nói của các tổ chức xã hội Hàn Quốc kêu gọi chính quyền Incheon chấm dứt việc tổ chức ASIAD 17, trả lại quyền đăng cai cho Hội đồng Olympic châu Á (OCA). Bất đắc dĩ, ngày 30-6-2013, Incheon và OCA phải đi tới một thỏa thuận cắt giảm chi phí, theo đó chỉ có 2.025 trong số 15.000 vận động viên tham dự ASIAD 17 được nước chủ nhà đài thọ chi phí ăn ở, đi lại trong thời gian đại hội; gần 13.000 vận động viên và quan khách còn lại phải tự túc. Sự kiện chưa có tiền lệ này đã làm sứt mẻ đáng kể hình ảnh của thành phố đăng cai ngay trước khi Đại hội khai mạc.

Trước Incheon, ASIAD 16 được tổ chức tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. ASIAD Quảng Châu 2010 được coi là “hoành tráng” nhất nhưng về mặt tài chính cũng là kỳ đại hội “đội giá” lớn nhất.

Ngày 11-3-2005, ít lâu sau khi giành được quyền đăng cai tổ chức ASIAD, chính quyền Quảng Châu đưa ra con số dự toán là 2 tỉ nhân dân tệ (NDT), tương đương 300 triệu đô la Mỹ. Đến tháng 3-2009, giám đốc tiếp thị của Ban Tổ chức ASIAD Quảng Châu than thở, do khủng hoảng tài chính nên phần tài trợ của doanh nghiệp rất hẻo, chính quyền phải chi ra ít nhất là 420 triệu đô la Mỹ. Nhưng con số thực chi không dừng ở đó; ngày 13-10-2010, ngay khi ASIAD 16 đang diễn ra, Thị trưởng Quảng Châu Wan Qingliang tiết lộ trong một cuộc họp báo rằng chi phí tổ chức ASIAD đã lên tới 122,6 tỉ NDT, tương đương 17 tỉ đô la Mỹ, hơn 60 lần so với dự toán ban đầu!

Trước Quảng Châu, Qatar cũng đã phải tiêu tốn 2,8 tỉ đô la Mỹ để tổ chức ASIAD 15 năm 2006.

Ngày 7-6-2011 Hà Nội giành được quyền đăng cai tổ chức ASIAD 18 sau khi đánh bại Surabaya (Indonesia) với số phiếu 29-14 trong cuộc bỏ phiếu kín của OCA. Ứng cử viên thứ ba, thành phố Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Arab, đã rút tên vào phút cuối. Trước đó nữa, các ứng viên nặng ký như Hồng Kông, New Delhi (Ấn Độ), Kuala Lumpur (Malaysia), Đài Bắc… đều rút tên sau khi cân nhắc được và mất. Hồng Kông rút tên vì ngày 14-1-2011 Ủy ban Tài chính của chính quyền đặc khu Hồng Kông bác bỏ dự toán ngân sách và người dân không tán thành việc tổ chức ASIAD; New Delhi đăng ký ngày 2-8-2010 nhưng sau đó rút tên vì chính phủ Ấn Độ vướng vào vụ lùm xùm tham nhũng khi tổ chức Đại hội Thể thao Khối Thịnh vượng chung năm 2010; Kuala Lumpur đăng ký vào tháng 1-2010 nhưng đến tháng 9-2010 thì rút lui vì “những hạn chế tài chính” và Đài Bắc cũng vậy.  Xem ra, các thành phố nói trên đã có sự tính toán rất kỹ khi định đứng ra tổ chức cuộc chơi tầm châu lục như vậy.

Với nền kinh tế đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, liệu Việt Nam có nên tiếp tục đầu tư cho sự kiện này không? Xem gương những thành phố đi trước – đều là những đại đô thị có trình độ phát triển cao, cơ sở hạ tầng sẵn có tốt hơn rất nhiều so với thủ đô Hà Nội – thì chắc chắn số tiền phải chi cho việc tổ chức ASIAD 18 sẽ không phải là 3.100 tỉ đồng như dự tính lạc quan của Bộ Văn hóa – Thể thao –Du lịch. Cái giá cuối cùng là bao nhiêu thì chưa ai nói trước được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới