Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có nên buộc DN đăng ký ngành nghề khi thành lập?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có nên buộc DN đăng ký ngành nghề khi thành lập?

Tư Hoàng

Có nên buộc DN đăng ký ngành nghề khi thành lập?
Luật DN sửa đổi thu hút sự quan tâm của nhiều giới. Ảnh TH

(TBKTSG Online) – Việc đơn giản hóa thành lập doanh nghiệp bằng cách không yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận kinh doanh đã gặp phản biện của luật sư tại cuộc thảo luận về dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày (10/4).

Ban soạn thảo cho biết Luật Doanh nghiệp mới sẽ tiếp tục thuận lợi hóa thủ tục đăng ký kinh doanh thông qua việc áp dụng thống nhất các thủ tục của Luật Doanh nghiệp về thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần, phần vốn góp đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Một thay đổi lớn của Luật là sẽ tách biệt việc đăng ký thành lập doanh nghiệp và việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp như yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định.

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ không ghi ngành nghề, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nghĩa là doanh nghiệp có quyền kinh doanh mọi ngành nghề pháp luật không cấm thay vì chỉ được kinh doanh những gì đã đăng ký.

Quyền Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung giải thích, không yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh “là bước tiến lớn đối với doanh nghiệp”.

Ông giải thích, hiện nay doanh nghiệp được kinh doanh những gì pháp luật không cấm, nhưng phải đăng ký và ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trường hợp không được ghi là không hợp pháp và bị xử phạt hành chính thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều này tạo cho nhà đầu tư nhiểu rủi ro là không đăng ký thì không được kinh doanh, nhà cung cấp hoặc mua hàng ký hợp đồng mà không nằm trong khuôn khổ được đăng ký nếu có tranh chấp rất dễ bị tuyên bố vô hiệu.

Hơn nữa, trên thực tế khi đăng ký nhiều nghề không có trong danh mục của nhà nước, các doanh nghiệp phải “đi lên đi xuống, trình đi trình lại” cho cơ quan quản lý và phải xin ý kiến các bộ hàng tháng và thậm chí không đăng ký được phải ghi thành nghề khác.

Tuy nhiên, theo luật sư Đinh Nhật Quang, Văn phòng Luật sư Leadcoi, các điều kiện kinh doanh sẽ giúp sàng lọc các nhà đầu tư, để loại bỏ các nhà đầu tư thiếu năng lực khi tiến hành công việc kinh doanh trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

Việc gắn kết giữa thành lập doanh nghiệp và điều kiện kinh doanh không gây khó khăn và tốn kém không cần thiết cho nhà đầu tư có năng lực, ngược lại, các điều kiện kinh doanh là rào cản giúp các nhà đầu tư chưa đủ năng lực tiết kiệm chi phí, ít nhất là chi phí đăng ký doanh nghiệp, chi phí duy trì doanh nghiệp sau đăng ký, và chi phí thuế môn bài, chi phí giải thể…Rào cản này còn giúp các cơ quan nhà nước không phải “hậu kiểm” đối với các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo ông Quang, cái đáng phải sửa đổi đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ phải liên tục, thường xuyên cập nhật các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh để bổ sung hoặc loại bỏ các giẩy phép con, các điều kiện kinh doanh không cần thiết cho các nhà đầu tư.

Luật sư Quang đề nghị Chính phủ ban hành hệ thống mã ngành nghề kinh doanh có điều kiện và sẽ được cập nhật, sửa đổi thường xuyên để phù hợp với môi trường kinh doanh trong từng giai đoạn cụ thể. Hệ thống này sẽ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư tránh được rủi ro và sai lầm đáng tiếc trong việc đăng ký kinh doanh như trường hợp của nhà đầu tư Nguyễn Đình Nguyên đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cấp giấy đăng ký kinh doanh nuôi gián đất thời gian qua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới