Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vụ tiêu hủy gián đất: Có chăng sự nhầm lẫn?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vụ tiêu hủy gián đất: Có chăng sự nhầm lẫn?

Hoàng Xuân

Vụ tiêu hủy gián đất: Có chăng sự nhầm lẫn?
Ngay tại TPHCM, dân chơi chim, cá cảnh vẫn nuôi, bán giống và chỉ nhau cách nuôi gián đất để làm thức ăn cho chim, cá. Ảnh Uyên Viễn

(TBKTSG) – Diễn tiến vụ xử lý con gián đất vừa qua cho thấy sự lúng túng của các cơ quan chức năng đồng thời bộc lộ sự lạc hậu trong các quy định pháp luật hiện hành. Điểm thiếu này nếu không bổ sung kịp thời sẽ dẫn đến nhiều tình huống oan uổng và thiệt hại cho nông dân.

Pháp luật không quy định

Theo điều 23 Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 16/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24-3-2004 về giống vật nuôi, “Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu giống vật nuôi có trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh”. Khoản 2 điều này quy định: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giống vật nuôi chưa có trong Danh mục giống vật nuôi (…)  hoặc trong các trường hợp đặc biệt khác phải được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Thủy sản cho phép”.

Nhưng pháp lệnh đã đặt con gián đất ra ngoài vòng quy định. Theo điều 3 của pháp lệnh, về giải thích từ ngữ: Trong pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: (…) Giống vật nuôi bao gồm các giống gia súc, gia cầm, ong, tằm, động vật thủy sản (…)”.

Như vậy con gián đất, hay dế, hay bọ cạp, con sâu gạo, trùn chỉ… và một số côn trùng khác đang được nuôi kinh doanh trong dân chưa hề được nhắc tới trong pháp lệnh này. Có thể ở thời điểm biên soạn, những người làm luật chưa dự phòng đến lúc người dân sẽ nhân nuôi thương phẩm các loại côn trùng nói trên.

Trong các danh mục bổ sung giống vật nuôi sau đó người viết cũng chưa tìm thấy văn bản nào nhắc đến tên các loài côn trùng và sinh vật nói trên, dù chúng đã và đang được nuôi khá rộng rãi trong dân.

Vậy mà, trước thực tế “gián Trung Quốc nhập về Việt Nam” (!) được nhiều báo lên tiếng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) lại tỏ ra lúng túng. Theo phản ánh trên báo chí, bộ phải mất một thời gian mới ra được văn bản hành chính gửi xuống sở yêu cầu xử lý.

Bên cạnh đó, con gián đất có phải là loài động vật ngoại lai xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại hay không?

Gián đất không có tên trong danh mục loài ngoại lai xâm hại

Diễn tiến vụ việc

Giữa tháng 8 năm ngoái, ông Nguyễn Đình Nguyên và ông Phạm Văn Hùng ở huyện Lương Tài, Bắc Ninh xin nuôi gián đất (thổ miết trùng) và được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cấp phép. Sau đó, gia đình ông đã mua gián đất từ Trung Quốc về nuôi, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kiểm tra và chấp thuận cho nuôi thí nghiệm từ khi trong trứng tới khi thu hoạch. Đến giữa tháng 3 năm nay, sau khi có “lệnh” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu xử lý vi phạm tự ý nhập khẩu và nhân nuôi gián đất, sở đã đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh ra lệnh tiêu hủy số gián đất này ngay lúc đó. Hai lý do được đưa ra để yêu cầu tiêu hủy gián đất là vì chúng là sinh vật ngoại lai và chưa được cấp phép.

Đến 20-3, toàn bộ số gián đất nuôi trong nhà các hộ trên đã được đốt bỏ “không sót một con”. 

Ông Nguyên cho biết ông đang xúc tiến kiện Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh đòi bồi thường số tiền gần 2 tỉ đồng mà ông đã đầu tư để nuôi gián đất (gồm cả chuồng trại).

Theo giải thích tại khoản 19 điều 3 Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12, loài ngoại lai xâm hại được hiểu là các loài sinh vật lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Do đó, chúng thuộc đối tượng bị cấm nhập khẩu và phát triển.

Tuy nhiên, việc kết luận một loài là sinh vật ngoại lai xâm hại đòi hỏi phải có kết quả khảo nghiệm của cơ quan chức năng (theo Pháp lệnh giống vật nuôi đã dẫn cũng như Luật Đa dạng sinh học đang đề cập).

Trong khi đó, PGS.TS. Trương Xuân Lam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng thừa nhận chưa có trong tay con gián đất nào để nghiên cứu và khảo nghiệm.
Thực tế ở nước ta, gián đất được nuôi phổ biến.

Theo nhiều tài liệu về Đông y Việt Nam, con gián đất còn có nhiều tên khác như địa miết, thổ miết trùng, bá kỵ trùng. Thầy thuốc Đông y cho biết chúng dễ dàng bắt gặp ở những căn nhà tre, gỗ cũ bỏ hoang, dưới chân tủ bàn nơi ẩm tối, có nhiều nơi ở nước ta và các nước khác vùng khí hậu nhiệt đới. Trong một số thang thuốc Đông y hay có con thổ miết trùng này.

Chúng tôi cũng nhiều lần bắt gặp con này sống nhiều dưới lớp đất ẩm trong vườn nhà, nhiều khi đào đất lên được cả ổ, gà rất thích ăn. Kinh nghiệm dân gian này chưa được nghiên cứu và kết luận, nhưng đã cho thấy con gián đất là loài đã sống từ lâu trên nhiều vùng ở nước ta và chưa thấy có hiện tượng lấn chiếm nơi sinh sống hoặc có hại cho các loài sinh vật bản địa nào được cơ quan chức năng hay cơ quan quản lý nhà nước cảnh báo.

Có sự nhầm lẫn giữa gián đất và gián nhà

Tại sao, vụ nuôi gián đất ở một số nơi còn chưa rõ về kết quả nghiên cứu khoa học lẫn quy định pháp lý lại bị đem ra xử kiên quyết và nhanh chóng như vừa qua?

Khi lần lại thông tin trên báo chí, người viết nhận ra đã có sự nhầm lẫn hết sức tai hại giữa con gián đất và con gián nhà.

Con gián đất được nhận dạng “màu đen, không biết bay, bò nhanh, đặc biệt chỉ nhỏ bằng móng tay út” và được sử dụng trong nhiều bài thuốc Đông y. Gián nhà dễ nhận ra hơn nhiều, to gấp nhiều lần, màu đồng đậm và có râu dài, dân gian còn gọi là gián đỏ.

Điều đáng quân tâm là Bộ NN-PTNT cũng nhầm lẫn hai loại này. Trong văn bản ngày 7-3-2014 của Bộ NN-PTNT gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc nuôi gián đất có viết: “Gián là loại côn trùng gây hại cho xã hội, là trung gian truyền nhiều bệnh nguy hiểm như dịch tả, tiêu chảy, là thủ phạm gặm nhấm, hư hỏng các vật dụng sách vở, quần áo… Hàng năm, trong danh mục thuốc diệt côn trùng của Bộ Y tế cũng đã có quy định cụ thể các loại thuốc để tiêu diệt gián. Do vậy, đây là loài Việt Nam đang tiêu diệt, không có lý gì chúng ta lại nhập về nuôi”.

Văn bản nói trên còn cho thấy những người ký văn bản thiếu thực tế. Ngay tại TPHCM, dân chơi chim, cá cảnh vẫn nuôi, bán giống và chỉ nhau cách nuôi gián đất để làm thức ăn cho chim, cá. Ở khu Cây Gõ gián đất bán lon cho người nuôi chim – cá, khoảng 70.000 -80.000 đồng/lon. Dễ hơn thì chỉ cần uống dừa xong quăng trái dừa rỗng vô góc vườn chỗ ẩm, vài tháng sau trong mỗi trái sẽ có hơn chục con gián đất.

Trên Internet có khá nhiều diễn đàn chỉ cho nhau cách nuôi gián đất. Ở TPHCM cũng có những người dân mưu sinh bằng nghề bắt gián đất bán cho người nuôi chim, cá cảnh, đặc biệt dân chơi chào mào lửa phải cho chào mào ăn gián đất mới lên màu lông đẹp được.

Vấn đề hiện nay là kiểm soát dịch bệnh và đầu ra của con gián đất. Nếu có một thị trường tốt, việc nuôi gián đất có thể mở thêm một hướng mới cho nông dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới