Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một thế hệ tú tài mới như thế nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một thế hệ tú tài mới như thế nào?

Danh Đức

Một thế hệ tú tài mới như thế nào?
Một thế hệ "tú tài" mới. Ảnh VTC

(TBKTSG) – “Năm đầu tiên thi tốt nghiệp tự chọn”, cái tít tin chính của tờ Tuổi Trẻ sáng thứ Hai 2-6-2014 vừa qua ắt hẳn không chỉ để đánh dấu một điểm mốc mới của chuỗi cải cách liên tục của ngành giáo dục trong góc độ sửa đổi thể thức thi tốt nghiệp mà thôi – e rằng nếu chỉ thế, dăm ba năm nữa sẽ lại thêm một cái tít to đùng kiểu đó nữa.

Năm nay, các thí sinh sẽ thi hai môn bắt buộc là toán và ngữ văn cùng hai môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý và ngoại ngữ. Vấn đề gây băn khoăn từ khi thể thức thi này được công bố và hôm nay lại phải xới lại là: Thi môn nào, dạy và học môn ấy, vậy cái trái sẽ hái hàng năm từ đây sẽ là gì, sẽ đóng góp gì cho sự vận hành tốt hơn của xã hội, nền kinh tế?

Tạm lấy thí dụ hai tỉnh Gia Lai và Quảng Bình được nêu sáng 2-6 trên trang web Tuyển sinh 247. Năm nay, tỉnh Gia Lai có 13.155 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp phổ thông, trong đó hệ THPT có 11.854 thí sinh, hệ GDTX có 1.301 thí sinh; số thí sinh người dân tộc thiểu số là 2.911 thí sinh. Thứ tự môn thi được chọn ở Gia Lai là hóa (6.299 thí sinh), địa (5.486 thí sinh), sinh(5.653 thí sinh), lý (5.242 thí sinh), sử (1.784 thí sinh), ít nhất là tiếng Anh với chỉ 1.846 thí sinh.

Còn tại tỉnh Quảng Bình, 10.765 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có 10.272 thí sinh hệ THPT, hệ GDTX là 493. Thứ tự môn thi được chọn ở Quảng Bình là hóa (5.391 thí sinh), lý (4.396 thí sinh), sinh (3.505 thí sinh) chọn môn, sử (1.561 thí sinh), ít nhất là môn tiếng Anh với chỉ 1.175 thí sinh.

Có thể tạm yên tâm khi thấy các môn khoa học tự nhiên như hóa, sinh, lý được chọn nhiều nhất (ở Gia Lai), hóa, lý, sinh (ở Quảng Bình), tức các chìa khóa cơ bản vào giấc mơ “công nghiệp hóa”, vẫn được chọn nhiều nhất – khoan nói đến dạy, học và thực hành như thế nào. Thế nhưng, chọn lựa thi ngoại ngữ ở hai tỉnh này lại khiến băn khoăn không ít. Ở Gia Lai, tỷ lệ thí sinh chọn môn tiếng Anh là 15,5%, còn ở Quảng Bình là 11,4%.

Tiêu biểu nhất cho sự thiếu chuẩn bị dạy/học môn tiếng Anh là chi tiết trường THCS và THPT Bắc Sơn (huyện Tuyên Hóa), dù chỉ có một thí sinh dự thi môn ngoại ngữ là em Cao Nữ Phương Thảo nhưng tỉnh cũng thành lập riêng một hội đồng thi.

Nếu xem ngoại ngữ cũng là một trong những chìa khóa hội nhập vào trong điều gọi là “thế giới phẳng”, thì e rằng ở hai tỉnh “ví dụ bất chợt” này, nhân lực cho bất cứ sự phân công lao động nào, tỷ như tiếp nhận đầu tư nước ngoài, cũng có phần thiếu kỹ năng hội nhập – không chỉ để giao tiếp tối thiểu mà còn để tham khảo tài liệu cần thiết trực tiếp không qua Google Translate! Thế nhưng, hai tỉnh trên chưa phải là “mù ngoại ngữ” nhất, có những tỉnh như Điện Biên vỏn vẹn chỉ có 128 thí sinh, Bắc Kạn 140 thí sinh, Cao Bằng có 170 thí sinh đăng ký thi môn tiếng Anh! Thấp nhất cả nước là Lai Châu với 19 thí sinh chọn thi tiếng Anh (Dân Trí)!

Tất nhiên, cũng có những tỉnh thành có số thí sinh chọn môn ngoại ngữ tương đối nhiều, như Hà Nội: tổng số học sinh đăng ký thi là 76.153 em, trong đó 20.041 em chọn môn tiếng Anh; 104 em chọn môn tiếng Nhật, 39 em chọn môn tiếng Đức, 26 em chọn môn tiếng Nga, và 25 em chọn môn tiếng Trung. Nhưng sự phân hóa quá đỗi trong chọn lựa môn ngoại ngữ (thông dụng nhất là tiếng Anh) sẽ tác động như thế nào đến nguồn nhân lực ở những tỉnh “thiểu số ngoại ngữ”?

Bên cạnh băn khoăn về hội nhập trên, việc hơn 90% thí sinh “né” môn lịch sử lại là một băn khoăn khác, tạm gọi là băn khoăn cho điều luôn được quan tâm nhất là “bản sắc văn hóa” con người Việt Nam. Khi mà ở Hà Nội chỉ có 6.753 thí sinh (8,8%) chọn thi lịch sử, Đà Nẵng 770 (trên tổng số thí sinh 11.928, tức chỉ 6,4%), Nghệ An 2.288 (trên tổng số 36.606 thí sinh, tức 6,2%), TPHCM và Thừa Thiên – Huế chưa được 6% trên tổng số thí sinh chọn môn sử, e rằng việc dạy và học Quốc sử như đang chứng kiến liêu có sẽ/ đang dẫn đến một sự nhạt nhòa tình cảm dân tộc? Khi tinh thần quốc gia (nationalisme) nhạt hơn tinh thần quốc tế (internationalisme) ngay từ trong cái nôi giáo dục và môn Quốc sử, thì đó là một vận hội hay một thách thức?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới