Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thời đại của sự xao lãng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thời đại của sự xao lãng?

Dương Trọng Huế

(TBKTSG) –  Gần đây, nhiều người tò mò và quan tâm đến việc tòa án châu Âu ra phán quyết yêu cầu các hãng tìm kiếm thông tin trên mạng Internet như Google phải xóa thông tin cá nhân theo đề nghị của người dân châu Âu.

Thực ra, sự kiện này cũng chỉ là một điểm nhấn thêm cho một thực tế là Google giờ đây không chỉ là một trang web tìm kiếm đơn thuần mà ngày càng tác động đến nhiều khía cạnh trong đời sống chúng ta, từ chuyện tạp nham trong bàn nhậu cho đến các vấn đề văn hóa xã hội khác.

“Gúc” từ bàn nhậu đến giấc ngủ

Một anh bạn gần đây hay than phiền là đi nhậu giờ kém vui hơn hồi xưa. Nguyên nhân chỉ tại Google. Ảnh bảo cái hồi mà Google với điện thoại thông minh chưa phổ biến thì sau vài chầu lai rai, bạn bè ngồi cù cưa tranh luận một vài câu hỏi nào đó rất sôi nổi. Càng có nhiều dự đoán và bình luận thì cuộc nhậu càng rôm rả. Bây giờ cuộc nhậu đã kém vui hơn nhiều vì cứ có câu hỏi nào gây tranh cãi là các bạn anh lại lấy điện thoại thông minh ra hỏi “bác Gúc”. Thành ra là cụt cả hứng, ít còn đề tài gì là bí ẩn để mà tranh cãi cù nhằng nữa. Mà nhậu không có tranh cãi thì nó nhạt miệng lắm.

Một anh bạn khác làm giáo viên thì cho rằng công việc dạy học giờ có nhiều thách thức cho giáo viên hơn vì sinh viên được trang bị đủ thứ thiết bị kỹ thuật số có nối mạng. Mỗi khi vào lớp học, họ lôi các thiết bị này ra để ngổn ngang trên bàn học, cứ cái gì giáo viên nói không hiểu là gõ vào Google. Rồi các bài đọc về nhà thì cũng được sinh viên dùng Google để tìm tóm tắt đọc cho nhanh. Thành ra, các thảo luận trong lớp cũng không sâu như anh mong đợi.

Hôm trước nữa, một cô bạn kể buổi tối cô thường lướt mạng cả tiếng đồng hồ. Nhưng để đọc một bài báo dài đòi hỏi suy tư đầu óc một chút thì cô hay bỏ nửa chừng, nhảy qua đọc tin tức khác. Rồi thì khi quan tâm đến cái gì đó liên quan, cô lại “gúc”. Mà đã “gúc” thì lại lòi ra cái gì đó hay hay nên cô cứ mải mê hàng giờ với các loại tin tức vụn vặt này kia đến tận lúc đi ngủ. Thói quen đọc sách giờ cũng vì thế mà mai một dần.

Các cô cậu học trò thường truyền nhau câu nói vui “Dân ta phải biết sử ta, cái gì không biết thì tra Google”. Dù chưa có nghiên cứu khoa học nào về mối quan hệ nhân quả giữa việc tiếp cận dễ dàng với thông tin từ công cụ tìm kiếm Google và thái độ hành vi của học sinh đối với một số môn học xã hội ở ta, sự phổ biến của câu nói trên cũng chỉ ra một hiện tượng đáng suy ngẫm.

Cuộc sống ít tư duy

Con người từ xưa đã luôn mong muốn làm chủ được nguồn kiến thức nhân loại rộng lớn. Từ thời trị vì xa xưa của hoàng đế Ptolemy, một thư viện cổ đã được xây dựng trong ngọn hải đăng Alexandria. Mỗi khi thuyền bè các thương nhân đến, họ thường được hỏi là có mang theo cuốn sách nào không. Nếu có, các cuốn sách sẽ được mượn để chép lại và lưu trữ vào thư viện trước khi trao trả lại cho các thương nhân.

Ngày nay, chúng ta không phải lưu trữ kiến thức một cách thủ công như vậy nữa. Với công nghệ sách báo, tin tức điện tử hiện đại, Google như mở một cánh cửa đến với thế giới bách khoa toàn thư vậy. Và Google cứ thế chiếm dần không gian và thời gian trong cuộc sống chúng ta. Nó cấy vào trong ta thói quen tìm kiếm thông tin nhanh theo kiểu “fast food” và cùng với đó là sự thay đổi các thói quen khác như sự tập trung, tư duy phản biện và cả thái độ hành vi học tập.

Nicholas Carr, tác giả của cuốn sách “Internet đã làm gì với đầu óc chúng ta?” viết về trải nghiệm của bản thân, “dường như những gì mà mạng Internet đang làm là băm nhỏ khả năng tập trung và suy ngẫm của tôi.

Đầu óc tôi giờ đây mong đợi thu thập các thông tin theo cái cách mà Internet phân phối”. Nói cách khác, kỷ nguyên số dường như cũng mở đường cho thời đại của sự xao lãng, mất tập trung của con người.

Quả thật, đôi khi chúng ta có vẻ như quá tin tưởng và lệ thuộc vào Internet và Google. Nhớ có lần một người bạn gửi cho mấy bức ảnh chụp một cái thực đơn quán ăn mà chủ quán đã dùng Google dịch thuật các món ăn từ tiếng Việt sang tiếng Anh rồi đưa y chang vào thực đơn. Các món ăn như “dê hấp sả” được ghi bên dưới dòng chữ “Interesting social goat”, “dê tái chanh” thì được chuyển ngữ thành “finance goat”, rồi “gà ác” thành “evil chicken”. Không biết các vị khách nước ngoài sẽ hiểu mấy món này thế nào.

Đến đây thì lại đụng đến câu hỏi mà giới học thuật và nghiên cứu truyền thông đã tranh luận khá sôi nổi mà chưa ngã ngũ trong những năm gần đây “liệu Google làm chúng ta thông minh hơn hay là ngu đi?”. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng được đồng thuận là dù trong lĩnh vực nào của cuộc sống, việc tin tưởng và phụ thuộc quá nhiều vào một công cụ hay một lý thuyết nào đó mà không có tư duy suy xét thì chưa biết chừng lợi bất cập hại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới