Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm chuồng để khỏi mất bò, kỳ cuối: Quản lý rủi ro thế nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm chuồng để khỏi mất bò, kỳ cuối: Quản lý rủi ro thế nào?

Nguyễn Hữu Long

(TBKTSG)-Quản lý rủi ro chuyên nghiệp cần được triển khai thành những hoạt động mang tính hệ thống, bao quát, được duy trì thường xuyên ở mọi cấp độ, được giao cho một bộ phận chuyên trách đảm nhiệm, và được thực hiện theo một quy trình xuyên suốt.

>>>Làm chuồng để khỏi mất bò, kỳ 1

>>>Làm chuồng để khỏi mất bò, kỳ 2

Phương pháp

Tùy theo quy mô và đặc thù doanh nghiệp, có thể “biên chế” chính thức một bộ phận quản lý rủi ro gồm những chuyên gia có kinh nghiệm hay ít nhất cũng phải có một chức danh chịu trách nhiệm chính thức về quản lý rủi ro trong doanh nghiệp. Chức năng, cơ cấu, thành phần của bộ phận quản lý rủi ro phụ thuộc vào chiến lược và chính sách quản lý rủi ro của doanh nghiệp, theo đó doanh nghiệp đề ra những cách thức, đường hướng chính về quản lý rủi ro trong dài hạn nhằm góp phần đảm bảo việc hoàn thành các mục tiêu, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ phận quản lý rủi ro thực hiện nhiều nhiệm vụ, nhưng cần tập trung vào ba chức năng chính: nhận diện rủi ro, phân tích rủi ro và ứng phó với rủi ro.

Nhận diện rủi ro: Là quá trình thu thập thông tin, dữ liệu và phân tích các nhân tố có thể tác động tiêu cực đến việc hoàn thành các mục tiêu, bao gồm các nhân tố bên trong lẫn bên ngoài, vĩ mô lẫn vi mô. Kết quả phân tích phải đưa ra được một danh sách các yếu tố rủi ro trọng yếu ở mỗi lĩnh vực, được cập nhật theo định kỳ và khi có những biến động lớn. Có thể sử dụng các công cụ phân tích như động não (brain storming), phỏng vấn (interviewing), phân tích căn nguyên (root cause analysis), mục kiểm (checklist), phân tích mạnh-yếu-cơ hội-nguy cơ (SWOT analysis)… song song với những công cụ khác được sử dụng trong quá trình hoạch định chiến lược. Doanh nghiệp cần tạo lập và thường xuyên cập nhật một hệ thống thông tin, dữ liệu để phục vụ cho công tác phân tích.

Phân tích rủi ro: Là quá trình phân tích để đánh giá một rủi ro đã được nhận diện ở các khía cạnh chính: căn nguyên của rủi ro, xác suất và các điều kiện xảy ra rủi ro, phạm vi và đối tượng bị ảnh hưởng, mức độ tác động của rủi ro, các yếu tố làm thay đổi mức độ tác động…

Ứng phó rủi ro: Là quá trình lựa chọn cách thức ứng phó với rủi ro, có thể bao gồm các giải pháp nhằm: (i) né tránh rủi ro (từ bỏ hoạt động có rủi ro); (ii) ngăn chặn rủi ro (triệt tiêu căn nguyên gây ra rủi ro); (iii) làm giảm khả năng xảy ra rủi ro (tác động vào nguyên nhân); (iv) triệt tiêu tác động tiêu cực (bảo vệ an toàn tuyệt đối cho đối tượng chịu tác động); (v) giảm thiểu tác động tiêu cực (che chắn, bảo vệ phần nào đối tượng chịu tác động); (vi) chia sẻ rủi ro (chuyển bớt rủi ro cho bên khác và chấp nhận bớt đi cơ hội, lợi nhuận của mình); (vii) chuyển giao rủi ro (mua bảo hiểm, sử dụng công cụ phái sinh); (viii) chấp nhận rủi ro và chuẩn bị nguồn lực để khắc phục hậu quả.

Quy trình

Hoạt động quản lý rủi ro thường đi theo trình tự các bước: (1) xem xét các mục tiêu và các yếu tố ảnh hưởng đến việc hoàn thành các mục tiêu; (2) nhận diện rủi ro thuộc các yếu tố trên (3) phân tích, đánh giá các rủi ro; (4) lập kế hoạch ứng phó với rủi ro; (5) triển khai thực hiện kế hoạch xuống các bộ phận; (6) kiểm soát, đánh giá, điều chỉnh kế hoạch; (7) tổng kết, đánh giá, báo cáo.

Nguyên tắc

Quản lý rủi ro phải đảm bảo các nguyên tắc chính: (1) phải tạo ra giá trị (chi phí cho quản lý rủi ro phải thấp hơn lợi ích mang lại); (2) là một phần không tách rời của quá trình hoạt động của doanh nghiệp (mọi hoạt động đều phải tính đến rủi ro); (3) gắn liền với việc ra quyết định (mọi quyết định quan trọng đều phải cân nhắc yếu tố quản lý rủi ro); (4) có tính hệ thống và thực hiện theo một quy trình xuyên suốt (không phải xử lý sự vụ theo cách ngẫu hứng, tùy tiện); (5) thường xuyên được đánh giá và cải tiến (hoạt động quản lý rủi ro phải được thường xuyên đánh giá để cải tiến).

Có thể nói, hiện tại chỉ có các tổ chức tài chính, ngân hàng là quan tâm đến hoạt động quản lý rủi ro (mặc dù vẫn chưa đủ) trong khi hầu hết các doanh nghiệp khác chưa hề chú trọng đến hoạt động này. Để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững (như cách mà các doanh nghiệp thường chia sẻ), doanh nghiệp không thể chỉ “chấp nhận rủi ro” theo cách thụ động và liều lĩnh mà phải tiến tới quản lý rủi ro một cách chủ động và khôn ngoan.

“Làm chuồng để khỏi mất bò” không hề là một triết lý xa lạ hay cao siêu, mà là một thực tế sinh động, dễ trải nghiệm, dễ cảm nhận trong môi trường kinh doanh hiện nay ở Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới