Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nước Anh trước nguy cơ rút khỏi EU: Đâm lao có dám theo lao?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nước Anh trước nguy cơ rút khỏi EU: Đâm lao có dám theo lao?

Quang Dũng

Nước Anh trước nguy cơ rút khỏi EU: Đâm lao có dám theo lao?
Ông Jean-Claude Juncker (phải) và Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: EPA

(TBKTSG) – Thất bại trong việc ngăn cản ông Jean-Claude Juncker lên làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu, chính phủ của Thủ tướng David Cameron đẩy nước Anh đến trước nguy cơ rút khỏi Liên hiệp châu Âu.

Không lùi bước

Ông David Cameron đã cố gắng đến cùng. Bị cô lập trong cuộc họp thượng đỉnh EU cuối tuần trước, vị Thủ tướng Anh thậm chí đã triệu tập một cuộc thượng đỉnh mini với các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Hà Lan. Tiếp đó, ông cho đăng một thông cáo trên các tờ báo lớn ở châu Âu nhằm thuyết phục châu Âu lắng nghe nước Anh. Tất cả đều thất bại. Bất chấp sự phản đối quyết liệt từ Chính phủ Anh, ông Jean-Claude Juncker của đảng Nhân dân châu Âu (EPP), người bị miêu tả như là một mối đe dọa với quyền lực của London, vẫn sẽ được bầu làm Chủ tịch mới của Ủy ban châu Âu.

Đó là một thất bại rõ ràng với ông Cameron. Nhưng ông chưa chịu thua. Đầu tuần này, ông tiếp tục cuộc chiến của mình, bằng một bài phát biểu trước Quốc hội và một bài báo đăng trên tờ Daily Mail, đưa ra những thông điệp cứng rắn: “Đôi khi, cần chuẩn bị thua một trận đánh để thắng cả một cuộc chiến” và “những ai ở châu Âu nghĩ rằng tôi đã lùi bước hay nhượng bộ thì đã nhầm to. Người dân Anh Quốc và các đối tác châu Âu, cần biết rõ điều đó về tôi”.

Tự bẫy

Cuộc chiến của ông Ủy ban châu Âu là rất rõ ràng: nước Anh sẽ ở lại hay rút lui khỏi Liên hiệp châu Âu?
Thực tế, ông David Cameron không phải người cổ vũ mạnh nhất cho việc nước Anh rút khỏi Liên hiệp châu Âu. Tuy nhiên, những bước đi chính trị sai lầm trong ngắn hạn đang khiến ông Cameron rơi vào cái bẫy do chính mình đặt ra.

Cho đến cách đây 18 tháng, kịch bản nước Anh rời khỏi EU vẫn là không khả thi. Nhưng vào tháng 1-2013, nhằm xoa dịu bầu không khí bi quan về châu Âu (eurosceptism) trong nước, ông Cameron đã hứa sẽ tiến hành trưng cầu dân ý vào năm 2017 về việc rút nước Anh khỏi EU. Lời hứa này đã phản tác dụng khi, lợi dụng không khí tranh luận lên cao trong nước Anh về chủ đề này, đảng Vương quốc Anh độc lập (UKIP) vốn là đảng muốn rút nước Anh khỏi EU nhất, đã chiến thắng trong cuộc bầu cử châu Âu cuối tháng 5 trên toàn quốc.

Sai lầm thứ hai của ông David Cameron là việc rút khỏi liên minh đảng EPP trong Nghị viện châu Âu để làm hài lòng cánh bài châu Âu trong nội bộ đảng Bảo thủ Anh. Kết quả là sau khi liên minh các đảng trung-hữu châu Âu này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử châu Âu, chính phủ của ông Cameron không còn tiếng nói nào trong việc đề cử ứng cử viên của đảng này vào vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Người đó, chính là ông Jean-Claude Juncker.

Roger Liddle, cố vấn châu Âu của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, phân tích: “Về cơ bản, ông Cameron không sai khi đấu tranh cho quyền lực của London. Nhưng ông ấy không có chiến lược để đạt được mục tiêu. Khi tuyên bố sẽ trưng cầu dân ý, ông Cameron nghĩ rằng lời hứa này sẽ chấm dứt những bất đồng trong nội bộ đảng Bảo thủ và buộc các nước khác ở châu Âu phải liên kết với nước Anh. Nhưng điều đó lại chỉ khiến làn sóng bài châu Âu lên cao hơn bao giờ hết ở nước Anh, trong khi các nước châu Âu thì không muốn bị nước Anh dí súng vào thái dương”.

Nguy cơ hay thực tế?

Nhưng liệu “Brexit” (British exit) đang sắp thành sự thực?

Điều này còn gây tranh cãi, ngay chính trong nội bộ nước Anh. Ed Miliband, thủ lĩnh Công đảng đối lập, lên án ông Cameron “đang đẩy nước Anh ra khỏi châu Âu”. John Cridland, nhân vật đứng đầu giới chủ doanh nghiệp Anh, cảnh báo: “EU là thị trường xuất khẩu chính của nước Anh và là tương lai của nền kinh tế Anh”. Dân chúng Anh cũng không hẳn là quá quyết liệt với chuyện rời EU. Hai cuộc thăm dò chớp nhoáng sau thất bại của ông Cameron trước ông Juncker cho hai kết quả trái ngược: một hơi nghiêng về Brexit, một theo hướng ngược lại.

Điều quan trọng, như nhiều nhà phân tích, là những bất đồng giữa London và Brussels, dù rất lớn nhưng không phải là không thể vượt qua. Hồi tháng 3-2014, ông Cameron đã nêu ra bảy điểm mà London yêu cầu Brussels cải cách. Trong bảy yêu cầu đó, không hề có chuyện nước Anh đòi đàm phán lại các hiệp ước châu Âu. Thủ tướng Anh chỉ tập trung vào các điều sau: tăng cường sự kiểm soát của Nghị viện các quốc gia thành viên đối với các quyết định của châu Âu; “giải phóng” các doanh nghiệp khỏi gánh nặng hành chính; đẩy nhanh hiệp định đối tác thương mại tự do với Mỹ. Cuối cùng, là “quan tâm một cách nghiêm túc” đối với mục tiêu “xây dựng một liên minh không ngừng chặt chẽ” được ghi trong Hiệp ước Roma của EU. Chừng đó yêu cầu từ London, không phải quá phi lý.

Vấn đề cốt lõi, là London và Brussels cần ngồi lại để nói chuyện với nhau. Lo ngại thực sự của London nằm ở chuyện đội ngũ lãnh đạo mới của Ủy ban châu Âu ở Brussels, do ông Juncker đứng đầu, sẽ càng siết chặt hơn các quy định về giao dịch tài chính, đặc biệt là sau khi đã ra đời Hiệp ước Ngân sách. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế tự do của một trung tâm tài chính hàng đầu thế giới như London. Để trấn an London, đêm Chủ nhật (29-6), đích thân ông Juncker đã chủ động gọi điện cho ông Cameron và cam kết sẽ tìm ra một thỏa thuận công bằng với nước Anh. Liên hiệp châu Âu hiển nhiên không bao giờ muốn mất đi một thành viên có tầm ảnh hưởng quan trọng như Vương quốc Anh.

Cuối cùng, kịch bản nước Anh rời EU sẽ chỉ được thực hiện với một chữ “nếu”: ông David Cameron tái cử Thủ tướng Anh vào năm 2015. Điều này thì không ai dám chắc.

40 năm bất đồng London-Brussels

1973: Vương quốc Anh gia nhập cộng đồng kinh tế châu Âu.

1975: Trưng cầu dân ý về việc gia nhập. 67% đồng ý sau khi tái đàm phán một số quyền lợi.

1984: Thủ tướng Margaret Thatcher quyết định giảm đóng góp của Anh Quốc cho ngân sách châu Âu.

1993: Thủ tướng John Major đạt được miễn trừ về điều khoản xã hội của Hiệp ước Maastricht (Anh không tham gia).

1994: Thủ tướng John Major ngăn chặn việc bầu ông Jean-Luc Dehaene vào chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

1997: Thủ tướng Major giành quyền miễn trừ về Hiệp ước Schengen (Anh không tham gia Schengen).

2004: Thủ tướng Tony Blair ngăn cản ông Guy Verhofstadt ứng cử Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

2011: Thủ tướng David Cameron ngăn cản cải cách các hiệp định do các nước eurozone đề xuất nhằm thắt chặt kỷ luật ngân sách trong nội bộ EU.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới