Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nới tỷ giá, tiền đồng lại đi lên thay vì giảm, vì sao?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nới tỷ giá, tiền đồng lại đi lên thay vì giảm, vì sao?

T.Thu

Nới tỷ giá, tiền đồng lại đi lên thay vì giảm, vì sao?
Tỷ giá đồng/đô la Mỹ liên tục giảm trong hơn một tuần qua. Ảnh TL

(TBKTSG Online) – Tỷ giá đồng/đô la Mỹ hôm nay 14-7 xuống thấp hơn cả thời điểm trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 1% cách đây gần một tháng. Như vậy, mục tiêu nới tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu dường như chưa thực hiện được.

Tại Ngân hàng Vietcombank, hôm 14-7, tỷ giá đồng/đô la Mỹ (bán ra) niêm yết ở mức 21.200 đồng đổi được 1 đô la Mỹ. Tại Ngân hàng Eximbank và Ngân hàng ACB, tỷ giá đồng/đô la Mỹ được niêm yết với mức 21.220.

Vào những ngày trước khi NHNN chính thức điều chỉnh tỷ giá tăng 1%, tức trước ngày 19-6, tỷ giá đồng/đô la Mỹ được nhiều ngân hàng niêm yết ở mức kịch trần 21.246.

Như vậy, so với thời điểm 19-6, giá trị đồng Việt Nam đã tăng thêm chứ không giảm như dự tính.

Theo một giám đốc phụ trách kinh doanh ngoại tệ của một ngân hàng nước ngoài tại TPHCM, có thể do căng thẳng biển Đông với Trung Quốc, doanh nghiệp xuất khẩu có nhu cầu đa dạng hóa thị trường, và do đó NHNN tăng tỷ giá 1% để hàng hóa xuất khẩu có giá cả cạnh tranh.

Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá tăng 1% của NHNN được thực hiện gần cuối tháng 6 và cũng là cuối quí 2 – thời điểm doanh nghiệp cần đô la Mỹ để thanh toán tiền hàng, và nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng có nhu cầu mua đô la Mỹ để chuyển một phần lợi nhuận về nước. Với nhu cầu tăng cao cùng với việc điều chỉnh của NHNN, tỷ giá được các ngân hàng niêm yết tăng lên mức 21.340 – 21.380 đồng/đô la Mỹ từ ngày 19-6. 

Tuy nhiên, từ đầu tháng 7-2014 đến nay, tỷ giá đồng/đô la Mỹ đã liên tiếp giảm xuống vì nhu cầu đô la Mỹ giảm trong khi nguồn cung dồi dào, đặc biệt nhờ nguồn cung đô la Mỹ từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và tài trợ ODA.

Và hiện tỷ giá đồng/đô la Mỹ còn xuống mức thấp hơn cả trước khi NHNN điều chỉnh tỷ giá, vậy liệu mục tiêu của NHNN là hỗ trợ xuất khẩu có thực hiện được không? Theo chuyên gia này, việc tỷ giá đồng/đô la Mỹ giảm như hiện nay chỉ mang tính chất tạm thời khi cung – cầu chênh lệch và cần một thời gian nữa mới có thể biết được liệu việc điều chỉnh tỷ giá có thực sự hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hay không.

Theo chuyên gia này, cần phải chờ đợi đến hai tuần cuối tháng 7 mới biết liệu NHNN có can thiệp nữa hay không, vì nhu cầu mua ngoại tệ của doanh nghiệp thường tăng vào cuối tháng. Đến khi ấy, nếu nhu cầu tăng lên, và nguồn cung đô la Mỹ giảm đi thì tỷ giá sẽ ổn định trở lại.

Tuy nhiên, đến thời điểm đó, nếu nguồn cung vẫn tiếp tục dồi dào và tỷ giá tiếp tục giảm, có khả năng NHNN sẽ có nhiều biện pháp để can thiệp nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Ví dụ, NHNN có thể đẩy tỷ giá mua của mình lên trên mức hiện tại 21.100 đồng/đô la Mỹ, để thị trường nhận thấy mức mới này là mức thấp nhất mà thị trường giao dịch; nếu dưới mức đó NHNN sẽ tăng lượng đô la Mỹ mua vào để tăng dự trữ ngoại hối và để hỗ trợ tỷ giá. Tuy nhiên, hiện giờ NHNN đang để thị trường tự điều chỉnh, và chỉ can thiệp khi cần, chuyên gia này cho biết. 

Với biên độ tỷ giá có thể tăng hay giảm tối đa 1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần mà hiện nay các ngân hàng hiện được phép áp dụng là 21.458 đồng/đô la Mỹ, sàn là 21.034 đồng/đô la Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới