Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Từ thương nhân đến lao động nước ngoài: ai để mắt?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ thương nhân đến lao động nước ngoài: ai để mắt?

Thiên Di

(TBKTSG) – Mới hôm 24-6 vừa qua, báo Thừa Thiên – Huế đã phải kêu lên: “Khai thác địa long bán sang Trung Quốc: Cần được ngăn chặn ngay”. Báo này báo động “sau khi khai thác cạn kiệt “địa long” (giun biển) ở các vùng biển Phú Lộc, Phú Vang (Thừa Thiên – Huế), một nhóm người đến từ Bình Định tiếp tục di chuyển đến vùng biển Quảng Công (Quảng Điền) để tiếp tục đào bới “thần dược” của biển. “Địa long” được thương lái thu gom bán sang Trung Quốc một cách ồ ạt …

Ông Nguyễn Đính, Chủ tịch UBND xã Quảng Công, cho biết: “Việc khai thác ồ ạt giun biển ở các bãi bồi vùng ven phá, ven biển chắc chắn ảnh hưởng đến 130 héc ta vùng nuôi trồng thủy sản của xã cũng như cạn kiệt nguồn tài nguyên của địa phương”… Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Thừa Thiên – Huế, Quảng Điền là vùng phân bố khá lớn loài giun biển. Việc khai thác giun biển ồ ạt, số lượng lớn và tự phát như thế sẽ ảnh hưởng đến tài nguyên đất, nước cũng như đa dạng sinh học. Sau khi khai thác xong để lại lỗ, hang nhiều trên bờ bãi về lâu dài sẽ gây xáo trộn, ô nhiễm môi trường cục bộ, ảnh hưởng vùng sinh thái bên cạnh, chủ yếu là các vùng nuôi trồng thủy sản. Đó là chưa nói đến có thể gây xung đột vì lợi ích kinh tế của người dân địa phương với người vùng khác đến khai thác…”. Bà Trần Thị Lệ, một thương nhân đến từ Bình Định, cho hay: “Nhiều lúc lượng hàng kham hiếm, thương lái Trung Quốc hối thúc chúng tôi thu gom gấp, số lượng bao nhiêu, giá cả thế nào họ đều chấp nhận cả”.

Những tin như trên không phải là đầu tiên và cũng không phải là lần cuối cùng, và đó mới chính là vấn đề cho dù vẫn chỉ một kịch bản: thương lái từ bên kia biên giới thoải mái rong ruổi từ Bắc chí Nam, một nhóm chân rết bản địa đứng ra làm bộ hạ, tung tiền ra tạo nên những làn sóng thu mua những mặt hàng “lạ” xưa nay hiếm thấy mua bán, kích thích sự ham muốn “trúng mánh” và đồng tiền dễ kiếm bằng những đợt hút hàng/tăng giá, rồi cuối cùng hô biến, để lại những thảm họa tàn phá cây trồng, rừng, vật nuôi… và cả những xáo trộn xã hội hoặc nguy cơ “đạo quân thứ năm” !

Những lỗ hổng đó phải chăng do quy chế đi lại, tạm trú, buôn bán làm ăn… của những thương nhân đó là thông thoáng hơn quy định chung đối với người nước ngoài nói chung hay do một sự buông thả đã thành thói quen trong việc quản lý an ninh quốc gia? Không chỉ tràn lan ở tầm vĩ mô mà cả vi mô, khi mà nay ở Trà Vinh hay ở Vũng Áng, hàng ngàn lao động Trung Quốc tràn vào theo các dự án đầu tư nước ngoài hoặc dự án mà nhà thầu Trung Quốc trúng thầu. Những dự án ưu đãi trên mức bình thường như Formosa liệu có được xét duyệt qua lăng kính an ninh quốc gia hay không hoặc giả đã có, song chưa được cân nhắc đủ? Như đã từng thấy vào năm 2010 qua vụ các tỉnh biên giới Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương… đã cho 10 doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng với tổng diện tích 264.000 héc ta, mà nay vẫn còn phải giải quyết hậu quả. Trả lời báo Đất Việt 18-6-2014, Thiếu tướng Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, cho biết ủy ban đã đề nghị Chính phủ rà soát và báo cáo chi tiết. Cụ thể đối với các dự án “nhạy cảm” liên quan đến vấn đề biên giới ở Nghệ An, Kon Tum… thì Chính phủ đã thu hồi, khoảng 53.000 héc ta.

Trong tình hình sôi sục những o ép làm càn đe dọa chủ quyền đất nước, thiết tưởng ý thức bảo vệ an ninh quốc gia cần được chú ý hơn bao giờ hết. Tất nhiên, bảo vệ an ninh quốc gia không chỉ là trên lĩnh vực quân sự, mà phải để mắt, xem xét cả trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa… từ vĩ mô đến vi mô.

Cũng như pha cà phê, nếu cái phin có lỗ lớn quá mức bình thường hay gập ghềnh không chặt, nước tồ tồ chảy xuống sẽ là một tách nước dão, còn nếu phin chặt sẽ đích thị là cà phê. Trong thời buổi lòng dân đầy những ái ngại, thiết tưởng cần tránh tạo thêm bức xúc để phải giải thích mà người dân vẫn chưa thông, như trường hợp Trà Vinh nay hô là do không tuyển được lao động trong nước!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới