Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mấy ngàn một ổ bánh mì?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mấy ngàn một ổ bánh mì?

Liên Tử

(TBKTSG) – Bánh mì baguette hiện đang được bán với giá “phổ quát” trong các chuỗi tiệm bánh lớn với mức trên dưới 12.000 đồng/ổ cho dù chất lượng không hẳn đồng đều. Có hiệu bán baguette đến từ một lò “tây” lớn; có hiệu mang tên “tây” song bánh mì không “tây” lắm do các chủ nhân sáng lập là người châu Á; có hiệu chẳng mang mác “tây” gì cả, cũng bán giá tương đương nhưng chẳng phải là “bánh tây” như cách gọi ở ngoài Bắc, khi mà ổ bánh chưa thơm phức hương lúa mì, vỏ bánh chưa giòn tan, ruột bánh không mềm mại… Bánh mì baguette ở siêu thị rẻ hơn, khoảng 6.000-8.000 đồng/ổ tùy nơi.

Thật ra, bánh mì baguette cũng mới trở lại Việt Nam hơn hai chục năm thôi với “lò” Cora (nay là Big C) ở ngã ba Vũng Tàu, sau một thời gian dài tuyệt tích. Ký ức về những ổ bánh mì “tổ” của những năm cuối thập niên 1970, luộm thuộm hình hài, không chỉ vô vị mà còn đậm mùi mốc, dai như giẻ rách…

Cảnh những chuyến xe đò từ Vũng Tàu về lại Sài Gòn ghé Cora Biên Hòa để du khách rồng rắn xếp hàng mua bánh mì chính là ý nghĩa to tát của sự trở lại của bánh mì đúng như tên gọi của nó. Sẽ không quá đáng khi nói rằng Cora đã khôi phục nghề bánh mì ở xứ này khi tái xác định thế nào là một ổ bánh mì baguette. Từ đó, các lò lớn nhỏ cũng hí hoáy treo bảng “baguette” cho dù vẫn chỉ là bánh mì ổ, bình quân 2.000-3.000 đồng/ổ nhỏ, còn ổ lớn cũng 10.000 đồng/ổ.

Cho dù có trở lại, song bánh mì vẫn chỉ là một bữa sáng hay một món “cơm tay cầm” cho qua bữa. Bánh mì không tài nào thay được cơm, cũng chưa chắc thay được bún. Cơm muối mè, chà bông, thậm chí nước tương, chao cũng được; bún kèm theo vài miếng đậu hũ chiên cũng thành bữa “bún đậu”, chớ chẳng mấy người nhai bánh mì trừ cơm.

Ấy thế mà, do đi chợ đều đều ở một siêu thị bên quận 7, nên từ ba, bốn tháng nay người nội trợ này được chứng kiến một thay đổi rõ rệt trong danh mục của người mua sắm ở đây. Từ 7 giờ sáng đã có những đợt chờ mẻ bánh mới cách nhau nửa giờ, cao điểm là giấc 4-5 giờ chiều. Tối thiểu cũng mua hai ổ, thường thì bốn ổ.

Có người chỉ cách: “Mua bánh mì về bỏ trong ngăn đá, khi ăn lấy ra bỏ lò vi sóng 1 phút, rồi cho vào lò nướng bánh 2 phút”. Đứng chờ bánh ra lò, không ít người chia sẻ: “Mua bánh mì về, khỏi phải nấu cơm!”. Một thực tế có thể kiểm nghiệm hàng ngày và nơi chính gia đình mình. Điều gì đã tạo nên một thói quen mới ở đây?

Giá cả và chất lượng. Đúng thế, cũng giòn, thơm, tất nhiên chưa phải là ngon chuẩn “tây” thực sự, nhưng giá một ổ 180 gam chỉ 3.500 đồng, đem về nhà một ổ chia làm đôi, làm ba cũng đủ bữa. Đây chính là chìa khóa của bài toán vật giá gia đình. Cứ phải nấu cơm làm chi với giá điện, giá nước cứ tăng miết, trong khi cũng không thiếu món có thể ăn với bánh mì thay cơm. Với giá 3.500 đồng/ổ đó, có người gọi đùa là “ổ baguette cứu tế”. Có lẽ cách so sánh đó không quá đáng nếu cùng trải qua thời khắc đợi mẻ bánh mới, ai nấy đều vui vẻ khi dành được mấy ổ ra quầy tính tiền rồi về cho kịp bữa cả nhà.

Thú thật, vì ít khi thấy những bộ mặt hớn hở khi mua sắm, nên càng nhận ra tín hiệu hài lòng đó của tha nhân.
Thế nhưng, những ngày vui qua mau. Sau mấy tháng “khai trương”, nay giá bán bánh ở siêu thị đó đã lên 4.500 đồng/ổ mà hương vị lại không như xưa. Một lời khuyên: hãy thay túi nhựa đựng bánh mì bằng túi giấy, vừa thân thiện môi trường, vừa không khiến bánh nóng “đổ mồ hôi”, đâm ra ỉu xìu!

Bình ổn giá, mỗi ngành nghề đều có thể tự làm, sao cho giá cả hợp lý, chính là góp phần ổn định xã hội, ổn định sức mua và thị trường, bắt đầu là ngành bánh mì. Mấy ngàn một ổ bánh mì, xin được phép hỏi lại các ông chủ lò lớn?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới