Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm ở đâu sự thật về món nợ của Diệp Bạch Dương?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm ở đâu sự thật về món nợ của Diệp Bạch Dương?

Nguyễn Vũ

(TBKTSG Online) – Tin công ty Diệp Bạch Dương nợ ngân hàng Agribank 3.700 tỉ đồng gây xôn xao dư luận nhưng chỉ là dư luận… trên báo chí.

Tìm ở đâu sự thật về món nợ của Diệp Bạch Dương?
Thông tin về dư nợ của công ty Diệp Bạch Dương đã có cách đây hai tháng nhưng nay lại xuất hiện như thể đây là một tin nóng hổi. Ảnh minh họa.

Dân trong ngành bất động sản và ngân hàng nếu có ngạc nhiên thì chỉ ngạc nhiên vì không hiểu tại sao thông tin về chuyện dư nợ của công ty Diệp Bạch Dương tại ngân hàng Agribank đã được Kiểm toán Nhà nước công bố cách đây hơn 2 tháng, giờ công bố lại một lần nữa. Họ cũng không hiểu tại sao báo chí cách đây hai tháng đã đưa nội dung này vào bài viết nay lại giựt lên làm tít như thể đây là một tin nóng hổi.

Nên nhớ các con số nợ 3.700 tỉ đồng (gốc: 2.967,7 tỉ đồng, lãi: 732,3 tỉ đồng) là tính đến ngày 31-12-2012. Từ đó đến nay đã hơn một năm rưỡi trôi qua, món nợ này đâu còn giữ nguyên như thế nữa.

Nếu báo chí làm đúng vai trò, thay mặt người đọc, đi kiểm chứng thông tin và giải thích các câu chuyện đằng sau các con số thì việc đầu tiên các báo phải làm là tiếp xúc với Agribank và công ty Diệp Bạch Dương để hỏi thêm về các con số này. Có lẽ nhiều báo đã làm động tác đó nhưng có lẽ không có báo nào thành công vì ngoài thông tin từ Kiểm toán Nhà nước không thấy thêm gì mới. Phóng viên do TBKTSG Online cử đi tiếp xúc với Agribank và công ty Diệp Bạch Dương cũng bó tay, không tìm được câu trả lời.

Ở các nước khác, nếu có chuyện tương tự xảy ra, báo chí chuyên nghiệp sẽ tìm được thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Giả dụ Agribank hay Diệp Bạch Dương là công ty niêm yết hay chỉ cần là công ty đại chúng thì mọi thông tin phải công khai minh bạch rộng rãi. Còn nếu Agribank là doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước, họ càng có nghĩa vụ phải thông tin rộng rãi hoạt động kinh doanh cho công chúng.

Quan trọng hơn vì uy tín làm ăn, vì tìm kiếm cơ hội nói cho rõ tình hình công nợ, chắc chắn những doanh nghiệp như Agribank hay Diệp Bạch Dương sẽ phải tiếp xúc với báo chí, chủ động tổ chức họp báo hay gặp các báo họ tin là trung thực, nghiêm túc để trình bày, để kể câu chuyện về các con số này.

Ở các nước, không bao giờ doanh nghiệp chịu để hình thành một khoảng trống thông tin vì lời đồn sẽ có hại muôn phần so với thông tin chính thức. Thông tin chính thức dù bất lợi nhưng được chủ động đưa ra thì lúc nào cũng hay hơn là thông tin rò rỉ qua các kênh không chính thức.

Đáng tiếc, ở nước ta, nhìn từ góc độ báo chí, việc độc lập điều tra những đề tài như thế này hầu như hiếm khi xảy ra. 

Lý do thì có nhiều nhưng "tiên trách kỷ", phải nói lỗi một phần do báo chí đã đánh mất lòng tin của nhiều người, nhiều giới đến độ họ thà chịu khoảng trống thông tin, để mặc lời đồn chứ không dám tiếp xúc với báo chí nữa. Bởi với nhiều tờ báo, tin là những gì mang tính giật gân, câu được khách vào đọc chứ tin không còn mang tính cung cấp thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng đến cho mọi người nữa rồi. Báo chí nhiều lúc chỉ là nơi ghi lại mọi chuyện hóng được như một mạng xã hội tràn ngập thông tin thượng vàng hạ cám chứ không phải là bộ lọc thông tin cho người đọc nữa rồi.

Nếu tìm thông tin từng đăng trên các báo về công ty Diệp Bạch Dương thì người ta chỉ tìm thấy nhiều nhất là thông tin về việc chủ nhân công ty này, bà Dương Thị Bạch Diệp mua xe Rolls Royce với những tít đại loại như “Chiếc Rolls Royce của bà Bạch Diệp: Biển số 7777 có giá bằng 2 cái sân tennis”; “Chiếc Rolls Royce biển 7777 của bà Dương Thị Bạch Diệp giờ ở đâu?”; “Khi quý bà Việt chơi xe: Rolls-Royce 1,5 triệu USD”

Sau đó là chuyện bà Diệp kiện các báo, lần này là các tít: “Bà Dương Thị Bạch Diệp bức xúc vì bị gán là nữ đại gia "chơi trội"”; “Bà Dương Thị Bạch Diệp yêu cầu Yahoo xin lỗi công khai”

Hầu như không có thông tin gì về hoạt động kinh doanh của một công ty địa ốc lớn, dư nợ ở một ngân hàng chiếm đến 12% vốn điều lệ của ngân hàng này và không biết còn dư nợ nào khác ở ngân hàng nào khác.

Câu chuyện món nợ của Diệp Bạch Dương chỉ là một trong muôn vàn câu chuyện khác trong đó báo chí dần dần đánh mất vai trò của mình; người đọc đi tìm thông tin nơi khác bởi báo chí không còn là kênh thông tin giúp họ hiểu được chuyện gì đang xảy ra quanh họ.

Đã có thời người của công chúng, cho dù đó là quan chức hay doanh nhân, xem báo chí như tấm gương phản chiếu, làm điều gì sai trái họ cũng phải e dè, sợ tấm gương đó rọi cái sai ra ánh sáng. Nay hầu như sự e dè này không còn nữa vì một khi báo chí không nghiêm túc với chính mình, chỉ chạy theo những hấp dẫn bề nổi, chạy theo xì-căng-đan thì tấm gương nhòe đi, chức năng rọi ánh sáng vào xem như tắt ngúm.

Dần dần cả doanh nghiệp, lẫn quan chức, lẫn giới văn nghệ sĩ bỗng phát hiện ra: không có báo chí, họ càng sống khỏe, không bị giám sát, không chịu sự ràng buộc. Họ bỗng nhận ra, trong thế giới thông tin hiện nay một khi báo chí chẳng khác gì mạng xã hội thì cái micro họ đang cầm nhiều lúc còn phát ra thứ tiếng vang hơn, lớn hơn, xa hơn báo chí nữa. Kết quả là nhiễu thông tin hiện đang là hiện tượng phổ biến.

Đó mới là thách thức lớn nhất hiện nay của báo chí chứ không phải sự chuyển hướng từ báo in qua báo mạng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới