Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tạp chí khoa học: ai khoa học, ai kinh doanh?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tạp chí khoa học: ai khoa học, ai kinh doanh?

Hồ Quốc Tuấn (*)

Tạp chí khoa học: ai khoa học, ai kinh doanh?
Việc các cơ quan quản lý ở Việt Nam đang đặt nặng vai trò của công bố trên tạp chí quốc tế trong môi trường khoa học ở nước ta sẽ mở đường để các tổ chức xuất bản nước ngoài hợp tác tạo ra các tạp chí quốc tế. Trong ảnh: Giới thiệu máy công cụ của một trường đại học. Ảnh: KINH LUÂN

(TBKTSG) – Chuyện xuất bản tạp chí khoa học không chỉ là chuyện thuần túy về khoa học, mà còn liên quan tới vấn đề lợi ích, mô hình kinh doanh và những chuyện cũng rất đời thường.

Người đọc trả tiền hay miễn phí

Trước thời kỳ Internet trở nên phổ biến, cụ thể là trước những năm cuối thập niên 1990, xuất bản tạp chí khoa học chủ yếu là theo mô hình người đọc trả tiền (subscription-based hay còn gọi toll-access). Mô hình này vẫn phổ biến cho tới hôm nay, theo đó người đọc phải trả tiền để đọc từng bài trong tạp chí, hoặc mua toàn bộ tạp chí, hoặc sử dụng lại tài liệu trong đó để giảng dạy hay viết sách…

Sự phổ biến của mạng Internet đã khuyến khích sự lan truyền của mô hình đọc miễn phí (open-access) hay còn gọi là mô hình tác giả trả tiền (author-pays). Trước đây có người nhầm tưởng cứ tạp chí theo mô hình đọc miễn phí thì chất lượng thấp, nhưng sự thật không phải như vậy. Mô hình mới chỉ là kết quả của những thay đổi về công nghệ, chính sách tuyên truyền kết quả nghiên cứu khoa học của một số nước và do sự bất cập của mô hình truyền thống.

Với đa số các tạp chí ở cả hai mô hình này, thì vai trò của nhà xuất bản luôn tồn tại như một khâu trung gian, mà vai trò chính là hỗ trợ xuất bản và… thu tiền.

Khi nào môi trường giáo dục hiện tại còn khuyến khích các đại học đi đường tắt để kiếm bài công bố quốc tế, thì những lệch pha và tranh chấp trong hợp tác với nhà khoa học quốc tế sẽ còn tiếp diễn.

Các nhà xuất bản này không đóng góp đáng kể về chất lượng cho tạp chí. Uy tín và chất lượng nội dung của tạp chí phụ thuộc vào ban biên tập, do các học giả lập ra và vận hành. Thường người bình duyệt và tác giả có bài đăng đều không được trả lương hay nhuận bút, người nộp bài cho tạp chí thậm chí còn phải trả tiền (nhiều tạp chí theo mô hình truyền thống vẫn thu phí nộp bài, còn tạp chí theo dạng open-access thì chẳng những đòi phí nộp bài mà khi bài được đăng rồi thì đòi tiền đăng bài có khi lên đến vài ngàn đô la).

Nói chung là cả người bình duyệt và người nộp bài đều gần như là làm việc vất vả không có thù lao, nhưng công việc này có thể được tính vào hoạt động “phục vụ khoa học” cho các trường và được dùng để thương lượng lương, thăng tiến và giảm giờ dạy, tăng thời gian cho nghiên cứu. Do đó họ chỉ chọn nộp bài hoặc làm bình duyệt cho những tạp chí có uy tín, có quan hệ với mình. Như vậy, nếu ban biên tập không có quan hệ đủ tốt, không đủ uy tín, và đặc biệt là với các tạp chí mới, họ sẽ không có những người bình duyệt giỏi và những bài nghiên cứu của những tác giả giỏi. Tạp chí đó sẽ trở nên tầm thường hoặc là một tạp chí kém.

Nhà xuất bản: người thu tiền xuất sắc

Tuy không đóng góp đáng kể vào chất lượng tạp chí, các nhà xuất bản lại là những người… thu tiền xuất sắc từ các tạp chí khoa học này. Ước tính của một số nhà phân tích tài chính theo dõi lĩnh vực xuất bản cho rằng xuất bản tạp chí khoa học có lợi nhuận lớn, có khi lợi nhuận biên dao động từ 30-40%, cao hơn nhiều lần so với xuất bản ấn phẩm luật và các ấn phẩm hỗ trợ giảng dạy (chỉ dao động từ khoảng 5-7% đến dưới 20%).

Các hiệp hội, trường đại học và tổ chức nghiên cứu thường chọn nhà xuất bản cho tạp chí của mình, và để nhà xuất bản làm công việc “bếp núc”. Điều này cũng đồng nghĩa phải trao quyền kiếm tiền cho nhà xuất bản, vì các tổ chức này không có đủ nguồn lực và thời gian để tự làm chuyện đó. Với công nghệ tự xuất bản như hiện nay thì việc này có thể sẽ thay đổi, nhưng cũng còn lâu và có thể khó trở nên phổ biến trong một số ngành, bởi vì vẫn phải tốn thời gian và nhân lực để tự xuất bản, tự quảng bá, điều mà đa phần các nhà khoa học không muốn phí phạm. Tóm lại, người nắm quyền làm chuyện “bếp núc”, cũng sẽ nắm chuyện kiếm tiền.

Cách kiếm tiền từ trong mô hình truyền thống – người đọc trả tiền – rất đơn giản mà cũng rất “tham lam”. Trong một bài viết cho tờ Guardian năm 2012, tác giả George Monbiot làm một so sánh thú vị. Trong khi những tờ báo của Rupert Murdoch, chỉ tính phí 1 bảng để được đọc tờ Times và Sunday Times trong 24 giờ muốn đọc bao nhiêu bài tùy ý, thì các tạp chí của Elsevier tính phí 31,5 đô la Mỹ để đọc một bài báo của họ, Springer tính 34,95 euro và Wiley-Blackwell tính 42 đô la Mỹ. Đọc 10 bài thì trả 10 lần khoản tiền đó. Muốn sử dụng những bài viết đó để đưa vào tài liệu giảng dạy, ra đề thi, trích lại trong sách mình viết thì trả phí khác nữa. Bên cạnh người đọc vãng lai, các thư viện đại học buộc phải đăng ký các tạp chí khoa học cho trường và phải trả những khoản tiền đăng ký rất lớn.

Với mô hình open-access, dù người đọc miễn phí nhưng các nhà xuất vẫn bắt tác giả trả nhiều tiền để đăng bài, thường là vài ngàn đô la cho một bài (trong ngành tài chính – kế toán của người viết). Khoản tiền này đến chủ yếu sẽ được trả bởi các cơ quan tài trợ nghiên cứu cho công trình khoa học (chẳng hạn ở Anh thì hiện tại Research Councils UK và Wellcome Trust trả tiền đăng open-access cho những nghiên cứu do họ tài trợ) hoặc quỹ nghiên cứu của trường đại học. Thế là thay vì thư viện dùng tiền từ ngân sách hay tiền riêng của đại học để đăng ký tạp chí, thì bây giờ nhà nước hoặc các quỹ nghiên cứu lại đưa tiền cho nhà khoa học đi nộp cho tạp chí, đâu lại vào đấy.

Đó là ở đây ta mới nói tới mô hình kiếm tiền những nhà xuất bản nổi tiếng thế giới, và được coi là đàng hoàng. Trên thế giới còn tồn tại nhiều tạp chí theo mô hình open-access được các nhà xuất bản “không đàng hoàng” mở ra để trục lợi từ những nhà khoa học cần “đăng bài quốc tế”, và sẵn sàng trả tiền để được đăng bài. Jeffrey Beall của Đại học Colorado Denver gọi đây là những nhà xuất bản và các tạp chí khoa học có tính lừa đảo (predatory scholarly open-access publishers) và duy trì một danh sách về những đối tượng này trên trang blog Scholarly Open Access. Dù giới khoa học được cảnh báo không nên làm việc với các tạp chí này, việc cái danh sách trên trang của Jeffrey Beall ngày càng dài ra cho thấy những tổ chức này phải rất “ăn nên làm ra”.

Vị khoa học hay lợi danh

Việc các cơ quan quản lý ở Việt Nam đang đặt nặng vai trò của công bố trên tạp chí quốc tế trong môi trường khoa học ở nước ta sẽ mở đường để các tổ chức xuất bản nước ngoài hợp tác tạo ra các tạp chí quốc tế. Chất lượng như thế nào sẽ tùy thuộc vào các nhà khoa học ngồi vào ban biên tập. Nhưng những chuyện “bếp núc” đằng sau mô hình hoạt động của một tạp chí sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những tranh chấp lợi ích, hoặc những hành vi cơ hội, tìm kiếm danh hoặc lợi.

Cần nhìn nhận lại môi trường ở Việt Nam hiện nay xem đang thiếu cái gì để có thể đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh của việc đăng bài/xuất bản tạp chí quốc tế, hạn chế những hành vi cơ hội vì danh và lợi dưới cái vỏ bọc vì khoa học.

Có lẽ, khi nào môi trường giáo dục hiện tại còn khuyến khích các đại học đi đường tắt để kiếm bài công bố quốc tế, thì những lệch pha và tranh chấp trong hợp tác với nhà khoa học quốc tế sẽ còn tiếp diễn.

Đọc thêm:

NXB Springer: ĐH Tôn Đức Thắng không liên quan đến APJCEN

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới