Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

NXB Springer: ĐH Tôn Đức Thắng không liên quan đến APJCEN

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

NXB Springer: ĐH Tôn Đức Thắng không liên quan đến APJCEN

Nguyễn Vũ

NXB Springer: ĐH Tôn Đức Thắng không liên quan đến APJCEN(TBKTSG Online) – Chủ sở hữu của tạp chí  Asian-Pacific Journal of Computational Engineering (APJCEN) do GS Nguyễn Đăng Hưng làm Tổng biên tập là nhà xuất bản Springer, đại diện NXB này khẳng định trong một thư điện tử gởi cho TBKTSG Online.

Ông Renate Bayaz, Giám đốc truyền thông của NXB Srpinger cũng cho biết trong hợp đồng thành lập tạp chí này, trường Đại học Tôn Đức Thắng không hề được nhắc đến.

Thư của ông Bayaz là nhằm trả lời câu hỏi của TBKTSG Online rằng ai là chủ sở hữu, hay nói theo ngôn ngữ quen thuộc của Việt Nam, ai là cơ quan chủ quản của tạp chí APJCEN.

Đây là câu hỏi then chốt trong vụ kiện do trường ĐH Tôn Đức Thắng khởi xướng đối với GS Nguyễn Đăng Hưng, trong đó ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng GS Hưng đã không hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tạp chí APJCEN cho trường và “đã có dấu hiệu gian dối khi tự ý thỏa thuận về việc Nhà xuất bản Springer và ban biên tập sẽ là các nhà sáng lập song hành của tạp chí, gạt bỏ đi vai trò sáng lập của trường ĐH Tôn Đức Thắng”.

Theo tường thuật của các báo, nội dung đơn kiện còn cho biết sau khi trường ĐH Tôn Đức Thắng và ông Hưng thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn vào tháng 3/2014 thì ông Hưng đã dùng tên một trường đại học khác thay thế trường ĐH Tôn Đức Thắng trong vai trò là đối tác chính của tạp chí APJCEN.

Chính vì thế trường ĐH Tôn Đức Thắng đã khởi kiện và “yêu cầu ông Hưng phải hoàn trả toàn bộ kinh phí mà trường đã đầu tư cho ông và cộng sự có liên quan để thực hiện việc xây dựng tạp chí APJCEN là 461.364.522 đồng”.

Trong lá thư nói trên của NXB Springer, ông Bayaz kể GS Nguyễn Đăng Hưng, lúc đó là cố vấn cho trường ĐH Tôn Đức Thắng cùng TS Lê Văn Út, giảng viên ĐH Tôn Đức Thắng và lúc đó là trợ lý cho GS Hưng đã tiếp xúc với Springer và đưa ra đề án thành lập tạp chí APJCEN.

Theo thỏa thuận xuất bản được ký giữa hai bên thì APCEN là tạp chí thuộc dạng “truy cập mở” (open access) – tức người đăng bài sẽ trả tiền. Theo trang chủ của tạp chí thì phí đăng bài vào khoảng 1.400 đô la Mỹ nhưng những nhà nghiên cứu từ các nước nghèo như Việt Nam thì được miễn khoản tiền này. Và trong thỏa thuận không hề nhắc đến trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Trong một email gởi TBKTSG Online, GS Nguyễn Đăng Hưng cũng khẳng định: “Theo thông lệ, những tờ báo khoa học lớn đều trực thuộc các nhà xuất bản lớn. APJCEN tuy mới ra nhưng cũng thuộc loại này. Một hợp đồng đã được ký kết giữa Ban biên tập (BBT, Editorial Board) mà tôi là đại diện và Springer trước khi tờ báo ra đời. Đây chính là hợp đồng sáng lập và những người ký tên đương nhiên là những nhà sáng lập. Không ai khác có thể tự xưng hay nhảy vào đòi được quyền sáng lập”.

Trong khi đó đại diện trường ĐH Tôn Đức Thắng từ chối trả lời phỏng vấn vì cho biết tòa đang thụ lý.

Như vậy có thể thấy vụ kiện giữa trường ĐH Tôn Đức Thắng và GS Nguyễn Đăng Hưng sẽ chỉ xoay quanh vấn đề liệu giữa hai bên có ai vi phạm hợp đồng lao động hay không mà thôi. Chuyện tranh chấp quyền sở hữu hay quyền định đoạt tạp chí APJCEN không được đặt ra.
 

Xuất bản tạp chí khoa học: dễ mà không dễ

Hiện chủ yếu có hai mô hình xuất bản các tạp chí khoa học. Mô hình ra tạp chí, nhận bài viết, áp dụng cơ chế bình duyệt, đăng bài, in báo rồi bán và thu tiền người đọc tồn tại từ xưa đến nay. Khách hàng chủ yếu của các tạp chí loại này là thư viện các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, các nơi này trả những khoản tiền khổng lồ hàng năm để mua tạp chí cho giảng viên và sinh viên đọc. Có tạp chí, tiền mua hàng năm lên đến vài chục ngàn đô la; có nhà xuất bản, ép người ta mua cả cụm, kể cả những tạp chí không muốn mua. Tiền mua tạp chí kiểu này ở Harvard lên đến 3,75 triệu đô la vào năm 2012.

Mô hình này đang bị giới nghiên cứu phê phán vì giới xuất bản lạm dụng chất xám của giới nghiên cứu (viết bài, biên tập, bình duyệt và đọc bài, trích dẫn rồi viết tiếp bài khác) để kiếm lãi khổng lồ như Elsevier năm 2011 lãi 1,1 tỉ đô la Mỹ, tỷ suất lợi nhuận lên đến 36%. Phê phán mang tính thuyết phục nhất là mô hình này hạn chế độ mở của các công trình nghiên cứu, thư viện các trường nghèo xem như chịu, không có tiền mua.

Từ đó nảy sinh ra mô hình mới, gọi là “tiếp cận mở” (Open Access). Trong mô hình này, các công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí có ấn bản điện tử, ai cũng vào đọc được. Đặc điểm quan trọng nhất của Open Access là người có bài đăng báo phải trả tiền cho tạp chí, có nơi lấy phí đến 3.000 – 4.000 đô la mỗi bài muốn đăng, thật ra cũng là tiền trích từ kinh phí nghiên cứu.

Từ nhu cầu muốn có bài “đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế” lại đẻ ra hàng loạt tạp chí do các nhà xuất bản hay tổ chức muốn “thương mại hóa” cơ chế Open Access, chào mời các nhà nghiên cứu đăng bài trên báo của họ. Bất kể chất lượng bài viết, các tạp chí này sẵn sàng đăng tải miễn sao có thu được tiền. Thậm chí đã có người bỏ công ra soạn danh sách các nhà xuất bản và tạp chí loại này để cảnh báo mọi người không nên bị lợi dụng.

Ở các nước việc ra đời các tạp chí rất dễ dàng. Với các nhà xuất bản thì cơ sở hạ tầng để xuất bản thêm một tờ tạp chí là đã có sẵn. Bởi vậy, vấn đề quan trọng để thu hút người đăng bài, thu hút người đọc, người trích dẫn là uy tín của những người đứng ra làm tờ tạp chí và tên tuổi của nhà xuất bản đứng đằng sau (ngoài ra còn có những chỉ số đo lường quan trọng khác như chỉ số trích dẫn ISI).

Thế nhưng ở các nước chuộng bằng cấp rồi chuộng “công trình khoa học được phổ biến trên các tạp chí quốc tế” như ở Việt Nam, các loại tạp chí “thương mại hóa” vẫn có đất sống.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới