Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng chậm công bố báo cáo vì nợ xấu quá cao?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng chậm công bố báo cáo vì nợ xấu quá cao?

Hồng Phúc

Ngân hàng chậm công bố báo cáo vì nợ xấu quá cao?
Giao dịch tại ngân hàng ACB. (Ảnh: Kinh Luân)

(TBKTSG Online) – Kết quả kinh doanh hợp nhất nửa đầu năm 2014 có soát xét của các nhà băng vừa công bố cho thấy, chỉ số lợi nhuận nhìn chung không quá thấp nhưng nợ xấu tăng mạnh, tiềm ẩn nhiều lo lắng.

Nhìn vào báo cáo của các ngân hàng đã công bố, có thể thấy điểm nổi bật trong nửa đầu năm nay là các ngân hàng đều có nợ xấu tăng mạnh và số tiền phải trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng theo.

ACB đã trích 354 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế cho dự phòng rủi ro nợ xấu, tỷ lệ trích lập tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ 2013.

Có việc này bởi nợ xấu của ACB đã tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã tăng từ mức 3% tổng dư nợ cuối năm 2013 lên 3,6% tại thời điểm ngày 30-6-2014, tương đương 4.037 tỉ đồng. Trong số nợ này, nợ có khả năng mất vốn (nợ xấu nhóm 5) là 2.616 tỉ đồng, tăng hơn 23% so với cuối 2013, chiếm 64,8% tổng số nợ xấu. Khoản nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) cũng đã tăng 22% so với đầu năm.

Nợ xấu của Sacombank đến ngày 30-6 ở mức 1,5% trên tổng dư nợ, tăng nhẹ so với mức 1,48% cuối 2013. Nhưng dự phòng rủi ro 6 tháng được trích tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước, với 308 tỉ đồng.

Vietcombank có tổng cộng hơn 9 nghìn tỉ đồng nợ xấu, chiếm 3,09% trên tổng dư nợ, trong đó riêng nợ có khả năng mất vốn là 4.765 tỉ đồng, tăng 70,7% trong vòng 6 tháng. Con số này tăng mạnh so với mức 2,73% cuối năm 2013. Và theo quy định, Vietcombank sẽ tiếp tục phải bán nợ cho VAMC thời gian tới.

Nợ xấu của Vietinbank  tại thời điểm 30-6 là 9.575 tỉ đồng, tăng tới hơn 2,4 lần so với cuối năm 2013. Dự phòng rủi ro nợ xấu của Vietinbank phải trích lập cũng đã tăng khá mạnh, trên 30%.

Điều này gây bất ngờ lớn cho thị trường bởi suốt thời gian dài trước 2014, nợ xấu của Vietinbank được công khai chỉ là 1% và lãnh đạo ngân hàng đã tỏ ra tự tin về chất lượng tài sản của ngân hàng. Đầu năm 2014, sau khi đại hội đồng cổ đông của Vietinbank thông qua việc thay ban lãnh đạo, trong đó có vị trí chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc, các số liệu của Vietinbank được điều chỉnh rất mạnh và bớt đẹp hơn. Điều đó được thị trường đánh giá ban lãnh đạo mới đã muốn công khai tình hình sức khỏe của ngân hàng ở mức chính xác hơn.

Ngân hàng Quân đội (MB) thời điểm 30-6 có 2.915 tỉ đồng nợ xấu, tăng gần 770 tỉ đồng so với đầu năm và chiếm 3,1% trên tổng dư nợ. Cuối 2013, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 2,46%. Chi phí dự phòng trong 6 tháng tăng gần 18%. Điều này có nghĩa MB cũng sẽ bán nợ xấu cho VAMC thời gian tới.

Eximbank cũng là ngân hàng gây sốc bởi công khai các số liệu kém tươi sáng hơn nhiều kỳ vọng của thị trường. Thời điểm 30-6, ngân hàng có 2.364 tỉ đồng nợ xấu, chiếm 2,94% trên tổng dư nợ, suýt soát mốc “nguy hiểm” mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra (các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở nên phải bán nợ cho VAMC) trong khi đó, ở cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của Eximbank xấp xỉ 2% với 1.652 tỉ đồng.

Dự phòng rủi ro phải trích lập của Eximbank trong 6 tháng theo đó phải tăng mạnh tới hơn 88% so với cùng kỳ.

Ngoài điểm đáng chú ý nhất là nợ xấu,các chỉ tiêu chung và lợi nhuận của các ngân hàng nhìn tổng thể không quá thấp. Thậm chí một số nhà băng có tỷ lệ lợi nhuận 6 tháng cao hơn kế hoạch đã đặt ra.

Một số ý kiến bình luận rằng, việc các ngân hàng bắt đầu hé lộ các số liệu kém tích cực hơn về tình hình kinh doanh là dấu hiệu tốt. Nó cho thấy các ngân hàng đã trung thực hơn với thị trường, cổ đông và thừa nhận những khó khăn của mình dù họ đã cố gắng xoay xở hai năm qua.

Nhìn rộng hơn, Ngân hàng Nhà nước với các chính sách gần đây cũng gây sức ép khiến các ngân hàng phải minh bạch và thực chất hơn. Nhưng cũng có một số ý kiến trong giới ngân hàng cho rằng đây chỉ là một phần của bức tranh ngân hàng.

Một điểm khác thường, là các ngân hàng dường như trì hoãn việc công khai kết quả kinh doanh. Theo quy định, hạn chót các ngân hàng phải công bố báo cáo tài chính có soát xét là 45 ngày sau khi kết thúc quí 2 nhưng đến hôm nay 15-8, trên trang web của các ngân hàng vẫn vắng bóng báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất có soát xét 6 tháng đầu năm. Chỉ mới có chưa đầy 1/3 số ngân hàng niêm yết và đại chúng công bố báo cáo.

1. Lợi nhuận các ngân hàng qua 6 tháng đầu năm:

Ngân hàng

Lợi nhuận sau thuế (tỉ đồng)

Tăng/giảm so cùng kỳ (%)

Vietcombank

2.230

↑ 12,5

ACB

573

↓ 20

Eximbank

515

↓ 11,4

MB

1.338

↓ 1,6

Vietinbank

3.024

↓ 2,98


2. Tăng trưởng tín dụng:
MB: tăng trưởng tín dụng 7,9% so với cuối năm 2013
Techcombank: tín dụng tăng 5,33% so với cuối 2013, tương đương trên 74 nghìn tỉ đồng.
Vietcombank: tín dụng tăng 6,6%.
Vietinbank: tín dụng tăng 0,45%.
VIB: tín dụng tăng 36.235 tỉ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2013.

Mời đọc thêm:

Hết tháng 7 tín dụng mới tăng được 3,68%

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới