Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Học phí tăng, chất lượng có tăng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Học phí tăng, chất lượng có tăng?

Phạm Thị Ly

Học phí tăng, chất lượng có tăng?
Để tự chủ về tài chính, các trường công cần trở nên năng động hơn, hoạt động theo tinh thần doanh nghiệp nhiều hơn. Trong ảnh: Chế tạo tàu đệm khí tại Đại học Bách khoa TPHCM. Ảnh: Kinh Luân

(TBKTSG) – Trong bối cảnh bức xúc và rối ren về chất lượng giáo dục đại học và tình trạng cử nhân thất nghiệp, đề án thí điểm giao quyền tự chủ cho các trường ĐH công lập, bao gồm tự chủ tài chính, đáng lẽ phải làm cho mọi người vui mừng, bởi lẽ tự chủ là điều kiện tiên quyết cho sự năng động và hiệu quả của trường đại học, thì lại gây ra nhiều lo lắng cho công luận.

Chủ trương đúng đắn

Nghị định 49/NĐ-CP ngày 14-5-2010 đã đưa ra lộ trình tăng học phí từ năm 2010-2014 với mức tăng tối đa từ 340.000 đồng/tháng lên tới 800.000 đồng/tháng ở các trường công lập, tức vào khoảng 13-32 triệu đồng cho toàn bộ chương trình cử nhân.

So với trường tư, học phí dao động từ 20-600 triệu, thì mức thu học phí ở trường công vẫn rất thấp, mặc dù so sánh này không chính xác (phải cộng cả phần bao cấp của Nhà nước qua đất đai, hạ tầng và kinh phí được cấp vào học phí trường công, thì mới có thể so sánh với học phí ngoài công lập).

Trong bối cảnh đại chúng hóa giáo dục và chi phí cho giáo dục đại học ngày càng tốn kém, không một nhà nước nào có thể tiếp tục bao cấp cho giáo dục đại học như cái thời giáo dục đại học là đặc quyền của một thiểu số tinh hoa như xưa nữa. Vì vậy, giáo dục đại học đang được xem là một hàng hóa công đặc biệt và xu hướng tất yếu sẽ là “người dùng trả tiền”. Thí điểm tự chủ tài chính ở một số trường để tiến tới mở rộng chính sách tự chủ tài chính trong toàn hệ thống, là một bước đi phù hợp với quy luật.

Trong vài thập niên sắp tới, nguồn tài chính của các trường đại học công cũng như tư vẫn phải chủ yếu dựa vào nguồn học phí. Học phí chắc chắn sẽ phải tăng và các trường sẽ phải phụ thuộc vào sinh viên nhiều hơn, bởi vì Nhà nước sẽ phải giảm dần bao cấp với các trường công và tập trung nguồn lực cho những mục tiêu chiến lược của quốc gia, và bù đắp những khiếm khuyết của thị trường (ví dụ như đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học xã hội…).

Xu thế thế giới

Liên quan vấn đề này, có hai xu hướng đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới: học phí tăng và các trường đang bị thúc đẩy trở nên ngày càng giống với các doanh nghiệp.

Ở Mỹ, học phí đã tăng hơn ba lần (sau khi điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát) trong vòng ba thập kỷ qua và tỷ lệ tăng càng lúc càng cao, theo collegeboard.org. Trường công có mức tăng nhanh hơn trường tư phi lợi nhuận (27% mỗi năm năm so với 14%). Nhiều nước châu Âu như Anh, Đức, Pháp trước đây gần như miễn phí hoặc có mức học phí cực thấp ở các trường đại học công lập, nay có mức tăng rất đáng kể: năm 2010, Anh cho phép tăng học phí gấp ba lần, và mặc dù kèm theo tín dụng sinh viên, số người học đại học lập tức giảm 9%. Năm 2005, Đức cho phép các trường tự quyết định mức học phí. Từ năm 1997, Trung Quốc không còn miễn phí giáo dục đại học như trước. Nga, Ấn Độ và Uganda thực hiện chế độ song đôi: miễn phí cho sinh viên giỏi bằng nguồn ngân sách, và thu học phí của những người có thành tích thấp hơn và có khả năng chi trả.

Đẩy mạnh tự chủ về tài chính nghĩa là Nhà nước đòi hỏi các trường công phải thay đổi lối tư duy và cách xử sự của mình, theo hướng trở nên năng động hơn, hoạt động theo tinh thần doanh nghiệp nhiều hơn. Các trường sẽ phải tính toán hiệu quả, và được hưởng thành quả tùy theo hiệu quả đó. Thay vì ngồi chờ nguồn ngân sách được cấp và tự giới hạn mình trong phạm vi ấy, các trường sẽ phải chủ động cải thiện chất lượng để có thể thu hút sinh viên và tồn tại được trong một môi trường cạnh tranh. Nói cách khác, cơ chế tự chủ tài chính sẽ tạo ra động lực đổi mới và tạo ra cho các trường một khuôn khổ pháp lý phù hợp để thực hiện những đổi mới ấy.

Vì vậy cần khẳng định chủ trương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường về mọi mặt mà trước hết là về mặt tài chính, là một chủ trương thực sự đúng đắn và phù hợp với xu hướng quản trị hệ thống trên toàn thế giới.

Rằng hay thì thật là hay…

Tuy nhiên, quyền tự chủ chỉ là điều kiện cần, thậm chí, điều kiện tiên quyết cho việc đổi mới chất lượng, nhưng tuyệt nhiên không phải là điều kiện đủ. Tự chủ không tự động dẫn đến chất lượng. Trái lại, tự chủ còn có thể dẫn đến tùy tiện, vô nguyên tắc, buông lỏng chất lượng, biến công thành tư, gây ra những hậu quả không chỉ sinh viên mà là toàn xã hội phải gánh chịu; nếu như nó không đi kèm với một cơ chế lành mạnh bảo đảm cho trách nhiệm giải trình của nhà trường trước người học và xã hội.

Tự chủ về tài chính là một phần quan trọng, nhưng nếu tách rời với tự chủ về nhân sự và chuyên môn, thì nó không còn ý nghĩa nữa. Thứ trưởng Bùi Văn Ga trong bài trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong đã trấn an dư luận rằng “Đặc biệt, việc mở ngành phải nằm trong khuôn khổ quy định của pháp luật hiện hành và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kiểm tra chặt chẽ” cho thấy dường như tự chủ đang được hiểu chủ yếu là tự định mức thu học phí và mức chi cho mọi hoạt động, không còn bị khống chế bởi các quy định chặt chẽ của Bộ Tài chính như trước đây.

Về nhân sự, Thứ trưởng nói: “Bộ sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tự chủ của các trường. Ngoài ra, các trường còn có hội đồng trường, có quyền lực đủ mạnh, theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học. Nay, mọi việc sẽ không phải do một mình ông hiệu trưởng quyết định mà có hẳn một hội đồng kiểm tra, giám sát, đề xuất mục tiêu chiến lược. Bên cạnh hội đồng trường còn có công tác thanh tra, giám sát của các bộ, ngành có liên quan được tăng cường”.

Tuy nhiên, chừng nào hội đồng trường chưa được trao quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm hiệu trưởng, thì chừng đó nó không thể thực thi trọn vẹn chức năng của mình như một cơ quan quyền lực cao nhất của nhà trường. Tất cả các loại hội đồng kiểm tra, thanh tra, giám sát của các loại bộ ngành sẽ chỉ đặt ra thêm áp lực nhằm hạn chế mức độ tự chủ của các trường mà không đảm bảo được trách nhiệm giải trình thực sự của nhà trường trước xã hội và trước công chúng.

Đối trọng của tự chủ là minh bạch về trách nhiệm giải trình. Cơ chế tốt nhất bảo đảm cho trách nhiệm giải trình không phải là sự can thiệp của cơ quan quản lý, mà là các tổ chức kiểm định độc lập và đòi hỏi công khai về năng lực hoạt động và kết quả mà nhà trường đạt được. Không chỉ những số liệu về giảng viên, về học phí, về cơ sở vật chất cần được công khai, mà báo cáo tự đánh giá, báo cáo thường niên, kết quả kiểm định chất lượng cũng phải được công khai trên trang web của các trường.

Vai trò của chính sách

Trong bối cảnh giao quyền tự chủ tài chính cho tất cả các trường công lập, thì điều rất cần được đặt ra, là phải nhận thức lại vai trò cốt yếu của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Ba vai trò chủ yếu sẽ là: (i) Xây dựng chiến lược và phân bổ nguồn lực cho các mục tiêu chiến lược, trên cơ sở khắc phục và bù đắp những khiếm khuyết của thị trường; (ii) Xây dựng chính sách để hỗ trợ cho các trường phát triển đúng hướng; (iii) Giám sát chất lượng giáo dục và kết quả sử dụng nguồn lực công của các trường, thông qua thúc đẩy những cơ chế nhằm đảm bảo sự minh bạch về trách nhiệm giải trình của các trường.

Trong những vai trò ấy, có hai nội dung cần lưu ý, một là đầu tư cho những ngành học, những lĩnh vực rất cần cho sự phát triển của xã hội nhưng thị trường không có đủ động lực để đáp ứng; hai là có một chính sách phù hợp để bảo đảm cơ hội công bằng trong việc tiếp cận giáo dục đại học, cụ thể là các chính sách cho vay và hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Trong thực tế, hiện nay dư nợ cho vay sinh viên là 35.000 tỉ đồng, một con số rất lớn, nhưng chưa hề có một nghiên cứu nào đánh giá hiệu quả của các chương trình tín dụng này. Trợ cấp không phải chỉ để giúp đối tượng thu nhập thấp có cơ hội bình đẳng, mà còn để khuyến khích sinh viên theo học những ngành mà lợi ích cận biên của xã hội lớn hơn lợi ích của cá nhân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới