Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Định vị Việt Nam theo hướng nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Định vị Việt Nam theo hướng nào?

Nguyễn Lâm Viên (*)

"Các nhà sản xuất hãy chứng minh cho người dân thấy và tin hàng Việt Nam hội đủ các yếu tố an toàn, chất lượng và đậm đà bản sắc dân tộc."

(TBKTSG) – Quan sát thị trường mấy năm nay, tôi nhận thấy Việt Nam chưa định vị rõ mình sẽ đi theo hướng nào là chính: công nghiệp hay nông nghiệp, hay thương mại – dịch vụ? Chúng tôi là lớp doanh nhân có nhiều năm gắn bó với sự chuyển động của thị trường trong nước từ lúc mới mở cửa nhưng tới giờ vẫn thấy lo.

Chúng tôi cũng nhận thấy nhiều người trong lớp doanh nhân trẻ mới khởi nghiệp đang lúng túng không biết phải rẽ về hướng nào! Thiết nghĩ định vị đất nước đi theo hướng nào nếu chỉ phó mặc cho doanh nghiệp và người dân thì sẽ chẳng tới đâu vì quá tầm của họ.

Nhìn về lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cũng không khỏi lo lắng.

Xem thử ta đang có bao nhiêu sản phẩm có lợi thế cạnh tranh? Gạo tuy được tiếng là có sản lượng nhất nhì thế giới nhưng phẩm chất dinh dưỡng trong hạt gạo vẫn còn kém gạo Campuchia (vì họ làm ít mùa, sử dụng ít phân bón, chất lượng giống thì ngang bằng với Thái Lan). Nhìn sang các loại trái cây và hàng tiêu dùng cũng dễ thấy ta đang không cạnh tranh nổi với Thái Lan.

Thị trường Việt Nam mở cửa hoàn toàn và cơ hội cạnh tranh được chia đều cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, nhưng hạn chế của chúng ta là chưa có khả năng phòng vệ tốt. Giả sử trong thời gian tới doanh nghiệp trong nước tiếp cận được các cơ hội trong lĩnh vực nông nghiệp thì nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể xắn quần lội ruộng, băng đồng tiếp cận với nhà nông. Và nếu ta không đủ sức cạnh tranh ở trong nước thì làm sao đủ khả năng cạnh tranh trên sân của họ?

Một lần, tôi tình cờ phát hiện sản phẩm phở ăn liền đóng gói của một doanh nghiệp Nhật Bản đang được tiêu thụ tại thị trường nước này nhưng mang thương hiệu Việt Nam với hai chữ “Xin chào”! Sản phẩm được ghi rõ hàm lượng chất dinh dưỡng trong bánh phở, không có chất bảo quản, chất cấm sử dụng… Cầm trên tay gói phở “Xin chào”, tôi không chỉ bị bất ngờ mà còn suy nghĩ mãi về sự nhạy bén của họ khi biết khai thác “kho báu” của người khác, mà cụ thể ở đây là của Việt Nam. Có thể không chỉ là thương hiệu “Xin chào”, doanh nghiệp Nhật này có khả năng đã đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ với những tên gọi thân thiện khác của người Việt Nam.

Rõ ràng đây là một bàn thua! Nhưng từ những bàn thua như vậy, liệu chúng ta đã có thể phát huy chất xám, sức sáng tạo, liên kết để cùng nhau bảo vệ kho tàng của người Việt khi còn chưa bị mất sạch?

Muốn định vị một Việt Nam đủ sức cạnh tranh không thể thiếu tinh thần đại đoàn kết, tinh thần dân tộc, sự kết nối sức mạnh tập thể và đồng lòng hỗ trợ nhiều ưu đãi về vốn vay, về thuế cho các nhà sản xuất trong nước.

Song song đó, các nhà sản xuất hãy chứng minh cho người dân thấy và tin hàng Việt Nam hội đủ các yếu tố an toàn, chất lượng và có bản sắc riêng, nếu không, sẽ đến một ngày nào đó, dân mình lại yêu lấy sản phẩm ngoại quốc được sản xuất ngay tại nước mình.

UYÊN VIỄN ghi

(*) Tổng giám đốc Công ty Vinamit

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới