Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xây thư viện để làm gì?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xây thư viện để làm gì?

Lê Hữu Huy (*)

Xây thư viện để làm gì?
Góc thiếu nhi ở thư viện quốc gia Singapore. Ảnh Internet

(TBKTSG) – Mười năm sau khi giành được quyền tự chủ chính quyền từ tay thực dân Anh, tính từ năm 1959-1969 thu nhập đầu người Singapore tăng gấp đôi và tổng thu nhập quốc dân (GNP) tăng gấp 2,5 lần. Sự thịnh vượng của đảo quốc Sư tử đã bắt đầu ló dạng với các công trình công cộng như đường sá, trường học, bệnh viện, nhà ở, cầu cảng, sân bay, các ngành công nghiệp và dự trữ ngoại tệ… Tuy nhiên, với vị Thủ tướng trẻ Lý Quang Diệu, lúc đó 47 tuổi, thì sự giàu có về vật chất không quan trọng bằng những tiến bộ đáng kể về nguồn nhân lực.

Trong thông điệp đầu năm 1970 với người dân Singapore, ông nói: “Cách đây 10 năm, chúng ta còn là những cá nhân lo toan cho bản thân hay gia đình thì nay đã có gắn kết xã hội. Chúng ta đã học cách suy nghĩ và hành động như một cộng đồng để bảo vệ và phát triển các lợi ích nhóm (group interests). Chúng ta đã đào tạo và giáo dục thế hệ trẻ và nâng cao năng lực của họ trong việc tận dụng những công cụ của công nghệ hiện đại để tạo nên sự thịnh vượng”.

Nhưng ông lại cảnh báo người dân Singapore về những nguy cơ khói bụi ảnh hưởng đến môi trường sống do hậu quả của quá trình đô thị hóa, đặc biệt những hành vi cá nhân ảnh hưởng đến cộng đồng như việc mở radio lớn quá mức: “Bạn thích loại nhạc này nhưng cũng phải điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe vì người hàng xóm của mình có thể thích thứ khác. Và cuộc sống của chúng ta không thể chỉ đơn thuần là ăn uống, xem ti vi hay phim ảnh”.

Và rồi sau một chuyến đi thăm và gặp gỡ 10 hộ gia đình ở khu dân cư Queenstown, đô thị vệ tinh đầu tiên của Singapore, ông cho biết chỉ có hai gia đình có sách báo và tranh ảnh. Ông ưu tư: “Ở trường học, chúng ta cố gắng dạy học sinh âm nhạc, hội họa, nghệ thuật để sau này lớn lên các em sẽ biết làm nhiều việc chứ không chỉ đơn thuần là nhấn nút, nhìn ngó hay nghe ngóng. Điều này tuyệt đối quan trọng bởi vì như thế chúng ta mới có một xã hội sáng tạo và giàu trí tưởng tượng. Muốn tiến bộ thì trí óc con người phải có óc sáng tạo, có khả năng tự tạo ra cái mới (self-generating) chứ không thể thụ động giải trí bằng máy móc”.

Với quan điểm đó, Chính phủ Singapore đã quyết định xây dựng một thư viện ngoại ô đầu tiên ở Queenstown và đích thân Thủ tướng Lý đã đến cắt băng khánh thành vào một ngày đẹp trời cuối tháng 4-1970. Ông Lý nhấn mạnh một trong những dấu hiệu của một xã hội có giáo dục (educated) là số lượng sách được người dân đọc. “Sau hơn 10 năm phổ cập giáo dục tiểu học bắt buộc, giờ đây chúng ta đã có một xã hội biết đọc (literate). Nhưng một xã hội biết đọc không có nghĩa là một xã hội có giáo dục. Một thử thách đối với người có giáo dục là khả năng tiếp tục đọc sách và học hỏi trong suốt cuộc đời mình”.

Ông Lý cho biết ngoài Queenstown, chính phủ sẽ xây thêm nhiều thư viện nữa trên khắp đảo quốc Singapore. Điều này sẽ cho phép người dân Singapore tiếp cận bất cứ loại sách nào mà họ không có đủ tiền mua và điều quan trọng là thư viện sẽ trở thành những thánh đường bình yên (sanctuary of peace) giúp người dân tập trung và làm việc tốt hơn, nhất là những nơi mà những hàng xóm láng giềng chưa biết điều với nhau: “Khác với những nước có khí hậu ôn đới, các ngôi nhà của chúng ta đều phải mở cửa sổ và phải hứng lấy tiếng ồn và như vậy thư viện sẽ giúp cho người Singapore đến đó thư giãn thay vì nghe đài, ngồi coi ti vi, đánh mạt chược, nghe nhạc hifi hay trò chuyện ồn ào”.

Ông tin rằng nhờ có thư viện, cùng với những biện pháp quản lý đô thị khác, thành phố sẽ bớt tiếng ồn và người Singapore sẽ dần dần điều chỉnh hành vi, biết tôn trọng sự riêng tư của người khác…

Quan điểm nói trên của vị cha già lập quốc họ Lý có thể không có gì mới với các nhà làm giáo dục hay đã được bậc lãnh đạo nhiều nước phát biểu đây đó, nhưng những quyết tâm của ông đã biến thành hiện thực và ngày nay Singapore là một trong những quốc gia có tỷ lệ thư viện tính trên đầu người nhất nhì thế giới. Mặc dù đất đai hạn chế trên hòn đảo trên dưới 600 ki lô mét vuông lúc chưa lấn biển, Chính phủ Singapore đã dành quỹ đất để xây thư viện và cho đến nay, chưa tính hệ thống thư viện của bốn trường đại học công lập, đã có gần 30 thư viện công cộng nằm trên khắp đảo quốc Singapore.

Cho dù giờ đây nhà nhà đã nối mạng Internet, Cục Thư viện Quốc gia Singapore từ năm 2005 cho đến nay đã xây dựng và lưu trữ hơn 3 triệu đầu sách điện tử nhưng người dân vẫn thích đến thư viện đọc sách in. Vào mùa thi, thư viện Singapore lúc nào cũng đông đúc vì học sinh đến đây kiếm chỗ học bài. Doanh nhân mới khởi nghiệp như tôi cách đây 10 năm chưa có nhiều tiền mua sách cũng vô thư viện tìm ý tưởng hay tư liệu về kinh doanh. Và đúng như tầm nhìn của Lý Quang Diệu cách đây 40 năm, giờ đây người Singapore đến thư viện không chỉ để đọc sách, sạc pin điện thoại hay máy tính, truy cập Internet…, mà còn để nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng sự bình yên.

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn – Vietnam Global Network, Singapore

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới