Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Y đức chỉ có từ môn văn?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Y đức chỉ có từ môn văn?

Nguyễn Vinh

Y đức chỉ có từ môn văn?
Người làm ngành y không chỉ cần khả năng chuyên môn mà còn cần khả năng tri giác tốt. Ảnh: N. Vinh

(TBKTSG Online) – Cuộc tranh cãi có nên đưa môn văn làm môn thi đầu vào cho ngành y hay không đang vào hồi sôi nổi. Có cảm giác phe chống lẫn phe bảo vệ, bên nào cũng có lý lẽ riêng. Nhưng…

Đề xuất được các quan chức ngành y nước ta đặt ra trong thời điểm này với mục tiêu rõ ràng là nâng cao kỹ năng và đạo đức người làm nghề y, cho thấy chính quan chức ngành y tế cũng nhận ra y đức nói chung đang “có vấn đề”.

Nếu mục tiêu đào tạo ngôn ngữ cho sinh viên ngành y để làm tốt hơn các công việc đơn giản như viết đúng chính tả, chữ nghĩa rõ ràng khi kê toa, biết trình bày mạch lạc rõ ràng với người bệnh… thì rõ ràng, rất cần thiết. Sẽ ít đi những bác sĩ viết toa thuốc láu tới mức dân gian có thành ngữ “chữ bác sĩ” và không còn những bác sĩ không biết cách diễn giải bệnh sao cho bệnh nhân có thể hiểu đúng thông điệp của mình… Nhưng cần hiểu, đó là những kỹ năng cơ bản của một người có trình độ văn hóa phổ thông, còn nếu sinh viên trường y vẫn còn yếu các kỹ năng này thì chỉ nên tăng cường huấn luyện trong quá trình học tập.

Vậy thì tại sao để vào trường y học sinh cần thi môn văn? Vì từ thời cổ đại ở phương Tây, người ta đã coi y học là một ngành gắn với khoa học xã hội và nhân văn, từ đó mới có khái niệm y thuật, thậm chí, y đạo, y đức, kiến thức y khoa thì gọi là y văn. Đó là lý do mà Michel Foucault, một nhà tư tưởng quan trọng của Pháp trong thế kỷ XX đã cố gắng tô đậm cái gạch nối giữa y khoa với các lãnh vực khác.

Foucault cho rằng, bác sĩ cần có một “cái nhìn chăm chú”, tức, khả năng tri giác bên cạnh năng lực chuyên môn. Với ông, sẽ thất bại nếu một bác sĩ yếu kém về khả năng quan sát. “Bay lượn trên tất cả những nỗ lực của tư duy lâm sàng muốn định nghĩa các phương pháp cũng như tiêu chuẩn khoa học của nó là một huyền thoại lớn về một cái nhìn chăm chú trong suốt, mà nó cũng chính là ngôn ngữ trong suốt: một con mắt biết nói. Con mắt này sẽ rà quét khắp chốn trong bệnh viện, thu vào, nhặt nhạnh từng sự kiện đơn lẻ xảy ra trong bệnh viện; và khi con mắt này đã thấy, và thấy càng ngày càng rõ ràng hơn, nó sẽ chuyển thành lời – lời phát biểu và lời sư phạm”, ông viết.

Nói thì trừu tượng vậy, nhưng có thể hiểu đơn giản là, một bác sĩ giỏi không chỉ thành thạo ở khả năng thực hành chuyên môn, mà còn cần có cái nhìn nhân cảm về con người, có thể “nhìn bên ngoài con người mà thấy được những yếu tố bên trong”.

Thực tế cho thấy, nếu chỉ có chuyên môn mổ xẻ mà thiếu đạo đức, một bác sĩ có thể trở thành kẻ sát nhân công khai, nếu chỉ giỏi về thuốc men, một dược sĩ có thể nuôi bệnh để bán thuốc, nếu chỉ là người đọc được kết quả siêu âm chẩn đoán các bệnh nan y mà thiếu khả năng thấu hiểu nhân tâm, thì một bác sĩ có thể đọc bệnh án cho bệnh nhân lạnh lùng chẳng khác gì người đọc bản án tử hình trước cọc bắn…

Tri thức các ngành khoa học xã hội có thể giải quyết được những điều trên.

Nhưng cũng không nên rơi vào trạng thái chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Thật dễ mắc sai lầm khi quá sa đà vào việc “giáo dục đạo đức” hay “dạy văn” chiếm quá nhiều thời gian trong học trình đào tạo, làm ảnh hưởng đến nghiên cứu chuyên môn, chuyên sâu. Xã hội cũng không cần lắm những bác sĩ biết đọc tiểu thuyết, thậm chí bác sĩ biết làm thơ… nhưng ấm ớ chuyên môn và đã quá thừa những bác sĩ thuộc lời thề Hippocrates như kinh nhật tụng nhưng kém cỏi khi thực hành lâm sàng trên tính mạng người khác…

Cũng như những nghề khác, ngoài ý thức tự thân và tích lũy trong quá trình đào tạo, thì y đức hay phẩm giá của một bác sĩ phụ thuộc rất lớn vào cơ chế và không gian hành nghề. Đã có những người thi vào ngành y với trái tim trong sáng, mong muốn được làm cái nghề cứu người, nhưng khi làm nghề thì lại dễ dàng bị tha hóa, mất kiểm soát. Đã có những bác sĩ trẻ mới ra trường với trái tim háo hức nhiệt tâm nhưng qua thời gian, cơ chế những cỗ máy bệnh viện đã biến họ thành những kẻ thực dụng, mai một phẩm giá… Sự tha hóa trong nghề y, phần lớn không xảy ra trong quy trình đào tạo của nhà trường, mà trong những ao nước đục của thực tế, nơi đó đòi hỏi ai muốn tồn tại được thì phải có khả năng “thả câu”, vô cảm, coi rẻ con người… như bao kẻ khác.

Việc trở lại với nhận thức y học như một ngành nhân văn là cần thiết để phục hồi một mảng học thuật trong đào tạo. Nhưng cơ chế đào tạo là một phần, nhưng quan trọng hơn, phải là cơ chế làm nghề, điều kiện hành nghề phải đảm bảo tạo ra những tha lực tích cực về chuyên môn, đặt trên cơ sở là sự tôn trọng con người thì mới nuôi dưỡng những giá trị đạo đức, lý tưởng nghề nghiệp chân chính có đất sống, đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Ngành nào cũng vậy, không chỉ riêng câu chuyện của ngành y.

Xem thêm:

Qua đường dây nóng, dân than phiền thái độ cán bộ y tế

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới