Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Từ vụ tràn bùn đỏ, lựa chọn phát triển nào cho Tây Nguyên?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ vụ tràn bùn đỏ, lựa chọn phát triển nào cho Tây Nguyên?

Đặng Hoàng Giang

Từ vụ tràn bùn đỏ, lựa chọn phát triển nào cho Tây Nguyên?
Các xe đào và xe ben đang chở đất để đắp thêm phần đập nhằm ngăn bùn tràn hôm 8-10-2014. Ảnh: Nguồn báo Nhân Dân

(TBKTSG) – Sự cố tràn bùn đỏ ở nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) báo hiệu những rủi ro khôn lường của dự án khai thác bauxite Tây Nguyên. Đối với các cơ quan hữu quan, việc đánh giá lại tính khả thi của dự án là đòi hỏi cấp bách hiện nay.

Tuy nhiên, từ góc nhìn vĩ mô, vấn đề đặt ra không chỉ là nên khai thác bauxite như thế nào mà còn là nên phát triển Tây Nguyên theo hướng nào trong điều kiện mới? Vì khai thác bauxite, xét cho cùng, là biểu hiện cụ thể của một định hướng phát triển kiểu cũ – một định hướng đang cần được tư duy lại hơn bao giờ hết.

Một số đặc điểm của "mái nhà Đông Dương"

Tây Nguyên là một vùng đất vừa quan trọng vừa độc đáo trong hệ thống lãnh thổ của Việt Nam.

Về địa chính trị, do tọa lạc ở ngã ba Đông Dương, mọi diễn biến xuất phát từ Tây Nguyên đều có thể tác động trực tiếp tới cấu trúc an ninh – chính trị của ba nước Việt Nam, Campuchia, Lào. Do đó, giới quân sự thực dân đã sử dụng khái niệm “mái nhà Đông Dương” để xác nhận tầm ảnh hưởng quyết định của Tây Nguyên đối với một địa bàn rộng lớn của Đông Nam Á lục địa.

Về địa sinh thái, hầu hết lãnh thổ Tây Nguyên thuộc phần đỉnh của dãy Trường Sơn Nam, là nơi phát nguyên của nhiều hệ thống sông lớn chảy xuống vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Nam Lào, Đông Bắc Campuchia. Ngoài ra, do sự qui định của điều kiện khí hậu và địa hình, trên vùng Tây Nguyên đã hình thành những hệ sinh thái nhiệt đới rất đặc trưng của vùng đầu nguồn, có chức năng cung cấp và điều chỉnh vật chất, năng lượng cho các cảnh quan sinh thái trung lưu và hạ lưu. Vì thế, mọi tác động tự nhiên hay nhân tác trên lãnh thổ Tây Nguyên đều ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường sinh thái lẫn môi trường xã hội ở các vùng lân cận.

Tây Nguyên cũng là vùng hết sức giàu có về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên đất đỏ bazan, tài nguyên rừng, tài nguyên nước và tài nguyên khí hậu. Trước 1975, nguồn tài nguyên này mênh mông, trùng điệp thuộc quyền sở hữu thiêng liêng của các Làng – vốn là đơn vị xã hội cơ bản và duy nhất ở Tây Nguyên. Các Làng cổ truyền, thuộc nhiều dân tộc khác nhau, với đời sống văn hóa đa dạng, là chủ thể đích thực của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên độc đáo – cái mà về sau sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Tính đặc thù của Tây Nguyên

Toàn bộ các đặc điểm vừa nêu đã phản ánh tính đặc thù của Tây Nguyên, làm cho Tây Nguyên trở nên khác biệt so với phần còn lại của cả nước. Vậy, tính đặc thù của Tây Nguyên là gì? Có phải là sự giàu có về tài nguyên như quan niệm phổ biến lâu nay?

Thực ra, với Tây Nguyên, các lợi thế rõ rệt về tài nguyên chỉ là phần nổi, phần thứ yếu của một tảng băng. Phần chìm mới là phần đặc trưng nhất của nó: sự chi phối sâu sắc, quyết định, toàn diện của Tây Nguyên đối với các vùng ngoại vi. Ở đây, cụm từ ”mái nhà” đã lột tả một cách đầy đủ và sinh động tính đặc thù của Tây Nguyên: nơi xuất phát, che chở, điều tiết, giữ nhịp cho cuộc sống của toàn bộ sinh thể tồn tại dưới mái nhà ấy, cụ thể là toàn bộ khu vực Nam Đông Dương. Trên lãnh thổ Việt Nam, không có vùng đất nào mà tầm ảnh hưởng đối với ngoại vi lại bao quát cả trên tầng mặt lẫn bề sâu như vậy. Cho nên, công tác qui hoạch Tây Nguyên không thể bó hẹp trong phạm vi một vùng cụ thể mà phải đứng trên một tầm nhìn rộng lớn, gồm cả nước và cả vùng tam giác Đông Dương.

Mặt khác, để tương ứng với chức năng mái nhà của Tây Nguyên, ý niệm về sự phát triển cần được hiểu theo một nghĩa đặc biệt. Phát triển không hẳn là khai thác, bóc lột tài nguyên theo chiều rộng. Ngược lại, phát triển có nghĩa là khai thác vốn tài nguyên hiện hữu theo chiều sâu để bảo vệ, duy trì chức năng mái nhà của Tây Nguyên. Trong điều kiện ấy, Tây Nguyên không hưởng lợi từ con đường bóc lột mà từ sự giàu có, đa dạng tài nguyên của một vùng dự trữ đúng nghĩa. Giá trị của sự giàu có này sẽ được cụ thể hóa thông qua các công cụ phát triển: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái nhân văn … Nói theo cách của J. Dournes, đó là một con đường phát triển vừa sang trọng, bền vững, vừa phù hợp với “cơ địa” của Tây Nguyên(1).

Con đường Tây Nguyên đã và đang đi

Sau 1975, trong bối cảnh đất nước thời hậu chiến, khi đứng trước một Tây Nguyên trù mật, cao nguyên này đã chủ yếu được xem như là một kho tài nguyên thiên nhiên vô tận, của trời cho. Vậy nên, dưới góc nhìn qui hoạch, phát triển Tây Nguyên thực chất là tìm cách khai thác kho tài nguyên vô tận đó nhằm phục vụ cho các mục tiêu phát triển của chính nó và của cả nước.

Để phục vụ định hướng khai thác Tây Nguyên, các chương trình, chính sách lớn đã được ban hành và thực hiện: quốc hữu hóa toàn bộ nguồn tài nguyên đất rừng để thành lập các nông lâm trường quốc doanh; di dân từ các vùng đất chật người đông để thành lập các vùng kinh tế mới, đồng thời, tiến hành định canh, định cư cho đồng bào dân tộc tại chỗ; ồ ạt phát triển cây công nghiệp và thủy điện bằng cách chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; thực hiện đô thị hóa và công nghiệp hóa trên diện rộng. Với mô hình khai thác theo chiều rộng, trong các thập niên qua, Tây Nguyên đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Riêng giai đoạn 2002 – 2011, tốc độ tăng trưởng của Tây Nguyên ở mức 13,1% – vượt xa mức bình quân của cả nước (6,43%).

Tuy nhiên, định hướng khai thác cũng đưa đến nhiều hệ lụy ngoài mong đợi: phá vỡ hầu như toàn bộ nền tảng tự nhiên và các cấu trúc nhân văn cũ, hình thành nên một Tây Nguyên mới và khác hoàn toàn so với trước đó về điều kiện tự nhiên, dân số, cơ cấu dân tộc, cơ cấu tôn giáo.

Về tự nhiên, Tây Nguyên đang bị mất cân bằng sinh thái trầm trọng và mất khả năng tái sản xuất của các nguồn tài nguyên tự nhiên. Nghiên cứu của tổ chức JICA (Nhật Bản) năm 2012 cho thấy, sự khai thác các nguồn tài nguyên tự nhiên cơ bản của Tây Nguyên (đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên nước) đã vượt quá sức chịu đựng của môi trường sinh thái(2). Hiện nay, khi các nguồn tài nguyên cơ bản sắp cạn kiệt, cỗ máy khai thác lại chuyển hướng sang tài nguyên khoáng sản, với trọng tâm là khai thác bauxite. Nếu không có những điều chỉnh kịp thời, dự án khai thác bauxite chắc chắn khó tránh khỏi “lời nguyền tài nguyên”.

Về xã hội, dân số gia tăng đột ngột làm xáo trộn cơ cấu dân cư và dân tộc, tạo áp lực rất lớn lên khả năng đáp ứng của các nguồn lực tự nhiên. Trong 3 năm đầu sau giải phóng, dân số Tây Nguyên tăng trung bình 7,22%/năm. Giai đoạn 1979 – 1989, mức tăng trung bình của dân số Tây Nguyên là 5,7%/năm (gần gấp 3 lần tỷ lệ của cả nước); giai đoạn 1989 – 1999, con số này là 4,97%/năm và trong giai đoạn 10 năm sau đó (1999 – 2009), tuy tỷ lệ tăng có giảm nhưng vẫn ở mức cao (2,36%/năm). Theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), ngưỡng chịu đựng sức ép dân số của một vùng là không quá 3%. Trong khi đó, từ 1976 – nay, mức tăng dân số cơ học của Tây Nguyên luôn cao hơn tỉ lệ đó(3).

Dân số gia tăng nhanh cũng là tiền đề phát sinh mâu thuẫn giữa các nhóm dân tộc. Bản chất của quan hệ mâu thuẫn là tình trạng bất bình đẳng giữa nhóm dân tộc tại chỗ và nhóm dân tộc mới đến trong khả năng tiếp cận, khai thác, sở hữu các dạng tài nguyên cơ bản, chủ yếu là tài nguyên đất.

Thực tế Tây Nguyên đã chỉ ra rằng, mâu thuẫn đất đai là nguyên nhân sâu xa của các vấn đề bất ổn chính trị, xã hội.

Vĩ thanh

Tóm lại, thực trạng Tây Nguyên hiện nay là hệ quả tất yếu của một lựa chọn phát triển đi ngược với bản chất và chức năng đặc thù của nó trong hệ thống lãnh thổ quốc gia. Do đó, việc từ bỏ mô hình khai thác theo chiều rộng để phát triển Tây Nguyên theo chiều sâu trở thành một đòi hỏi cấp bách và tất yếu.

Cần phải nhắc lại rằng, Tây Nguyên không chỉ là một vùng tài nguyên mà trước hết là mái nhà chung của Đông Dương, một vùng địa sinh thái đầu nguồn, một vùng địa chính trị chiến lược, một vùng địa văn hóa đặc sắc có vai trò chi phối mang tính quyết định, toàn diện đối với các vùng ngoại vi. Mọi tác động can thiệp trên vùng đất này đều ảnh hưởng sâu sắc đến các vùng lân cận, không chỉ trong hiện tại mà cả trong tương lai. Rõ ràng, trong xu thế đi tới của vùng, dự án khai thác bauxite Tây Nguyên đang ngày càng hiện lên như một bản đàn lạc điệu …

 

Đọc thêm:

>>> Vỡ đê phụ của hồ chứa thải quặng bauxite Tân Rai

>>> Bùn đỏ và những cơn mưa

 

(1) Đặng Hoàng Giang, Hướng tới phát triển bền vững Tây Nguyên, nguồn: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=7418

(2) JICA (2012), Đề án nghiên cứu phát triển khu vực Tây Nguyên – Việt Nam (bản PDF).

(3) Xem thêm Lê Văn Khoa – Phạm Quang Tú (chủ biên) (2014), Hướng tới phát triển bền vững Tây Nguyên, Nxb Tri thức, Hà Nội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới