Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giảm lương hưu để cân đối quỹ BHXH (!)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giảm lương hưu để cân đối quỹ BHXH (!)

Thùy Dung

Nhằm đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, các nhà làm luật đang tính đến việc giảm lương hưu của người lao động. Ảnh: UYÊN VIỄN

(TBKTSG) – Một trong những mục tiêu quan trọng của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi là nhằm làm đảm bảo cân đối quỹ BHXH. Và giải pháp được chọn là thay đổi cách tính lương hưu mà điều này sẽ làm giảm lương hưu của người lao động.

Sau năm năm điều chỉnh, lương hưu sẽ giảm từ 5-10%

Ngày 23-10, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã được đưa ra thảo luận tại Quốc hội và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này, trong đó, một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm là việc điều chỉnh giảm lương hưu của người lao động.

Ông Lê Trọng Sang, đại biểu Quốc hội TPHCM, cho hay theo công thức tính lương hưu hiện hành (Luật BHXH năm 2006), người lao động có 15 năm đóng BHXH sẽ có mức lương hưu được tính bằng 45% mức lương bình quân đóng BHXH và sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH thì lao động nam được cộng thêm 2% và nữ cộng thêm 3%. Mức hưởng tối đa là 75%.

Tuy nhiên, dự thảo luật BHXH sửa đổi lại đề xuất giảm mức hưởng của người lao động. Theo đó, đối với lao động nam, từ năm 2018 trở đi, phải có 16 năm đóng BHXH mới được hưởng tương đương với 45% mức lương bình quân đóng BHXH. Năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm đóng BHXH mới bằng được hưởng 45% mức bình quân tiền lương.

Đối với lao động nữ, dự thảo luật điều chỉnh bằng tỷ lệ thay thế. Tức là từ năm 2018, 15 năm đóng BHXH vẫn tính bằng 45% mức lương bình quân đóng BHXH nhưng sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH tiếp theo được tính cộng thêm bằng 2% thay vì 3% như hiện nay.

Theo ông Sang, việc thay đổi công thức tính lương hưu theo quy định mới sẽ làm giảm quyền lợi của người nghỉ hưu, mặc dù đến năm 2018 trở đi điều này mới diễn ra, theo dự thảo luật.

Theo đó lương hưu của lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 có 20 năm đóng BHXH, thấp hơn so với người nghỉ hưu năm 2017 là 10%. Đối với lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 sẽ hưởng mức lương hưu là 55% cho 20 năm đóng BHXH vì thế tính ra sẽ thấp hơn người lao động nữ nghỉ hưu năm 2017 là 5%.

“Điều này cũng có nghĩa sau năm năm khi điều chỉnh, người lao động phải có 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới đạt được mức hưởng tối đa là 75% mức lương bình quân đóng BHXH, trong khi luật hiện hành tương ứng là 30 và 25 năm”, ông Sang nhấn mạnh.

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho biết mức lương bình quân đóng BHXH năm 2013 là 3,315 triệu đồng/người/tháng, nhưng mức lương hưu bình quân hưởng lại là 3,591 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, mức lương hưu bình quân nói trên không phản ánh đúng mức lương hưu của người lao động khu vực doanh nghiệp. Vì đa số người nghỉ hưu cho đến nay vẫn là những người tham gia BHXH trước năm 1995, tức là cán bộ, công chức, hành chính sự nghiệp được hưởng lương bình quân năm năm cuối đóng BHXH; là lực lượng vũ trang, quân đội, công an có mức lương đóng BHXH cao nên mới có mức lương hưu trung bình cao như vậy.

“Nếu BHXH Việt Nam có được số liệu người lao động trong các loại hình doanh nghiệp được hưởng lương hưu hàng tháng, và mức lương hưu bình quân họ được hưởng, tôi tin rằng tiền lương hưu bình quân của người lao động sẽ thấp hơn nhiều và sẽ chứng minh được việc thay đổi công thức tính lương hưu tác động tiêu cực như thế nào đến đời sống của người nghỉ hưu”, ông Chính nhấn mạnh.

Chính vì vậy, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị giữ nguyên công thức tính lương hưu như hiện nay, có nghĩa là đóng 15 năm được hưởng 45% mức bình quân tiền lương đóng BHXH và tỷ lệ thay thế là 2% với nam và 3% với nữ.

Giảm mức hưởng của khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ông Phạm Minh Huân, cho hay theo quy định hiện hành, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định tính bình quân theo số năm cuối (5 năm, 6 năm, 8 năm hoặc 10 năm) tùy thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia BHXH. Trong khi người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân cả quá trình đóng BHXH.

“Quy định như trên vừa không đảm bảo nguyên tắc đóng-hưởng, vừa không đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng BHXH giữa người lao động thuộc khu vực nhà nước và ngoài nhà nước”, ông Huân nói.

Theo dự thảo sửa đổi Luật BHXH lần này, lương hưu, trợ cấp một lần được tính trên cơ sở tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXH có lộ trình điều chỉnh tăng lên từ 10 năm lên 15 năm và 20 năm, sau đó mới tính bình quân cả quá trình.

Việc thay đổi cách tính như trên, theo ông Huân, sẽ làm giảm mức lương hưu của người nghỉ hưu (cán bộ, công chức, viên chức) khoảng 25% so với luật hiện hành. Đối với lực lượng vũ trang, mức giảm sẽ lớn hơn do họ có thời gian là học viên, hạ sĩ quan đóng BHXH trên mức lương cơ sở.

Mặc dù vậy, theo ông Lê Trọng Sang, lực lượng công an, quân đội, lực lượng vũ trang… có mức lương cao và thời gian nghỉ hưu sớm hơn so với các đối tượng lao động khác nên dù có tính bình quân toàn bộ quá trình đóng BHXH thì mức lương hưu và thời gian hưởng lương hưu của họ vẫn cao.

Chính vì vậy, theo ông Sang, cần quy định quỹ bảo hiểm của người lao động ở khu vực công và tư được hạch toán riêng để thực hiện công khai, minh bạch, cân đối đóng – hưởng BHXH của người lao động trong từng khu vực. Đồng thời phải lấy từ ngân sách nhà nước, chứ không phải từ quỹ BHXH để bù vào khoản thiếu hụt do chi trả lương hưu cho khu vực này.

Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Nguyệt Nga, chuyên viên cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) về an sinh xã hội, cho rằng những thay đổi hiện nay tác động nhiều tới khu vực nhà nước hơn là khu vực tư nhân và sẽ làm giảm chênh lệch trong thụ hưởng quỹ BHXH giữa hai khu vực này.

Theo bà Nga, những nghiên cứu của WB cho thấy dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã có những thay đổi đúng hướng nhưng mức độ vẫn còn khiêm tốn, tốc độ thay đổi chậm nên vẫn chưa giải quyết được vấn đề cân đối đóng – hưởng.

“Quỹ BHXH vẫn có xu hướng mất cân đối trong tương lai. Và trong khoảng 5-10 năm tới, chắc chắn sẽ phải có một sự thay đổi lớn nữa để tránh được nguy cơ vỡ quỹ”, bà Nga nhấn mạnh.

Ông Đỗ Văn Sinh, Phó giám đốc BHXH Việt Nam

Quy định mức trần để tránh chênh lệch quá xa giữa những người nghỉ hưu

– Luật BHXH có quy định mức trần đóng BHXH không vượt quá 20 lần mức lương cơ sở là để tránh khoảng cách quá xa giữa những người cùng nghỉ hưu. Lương hưu là để bù đắp phần hao phí sức lao động khi không còn sức lao động và chỉ nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu chứ không mang tính chất đảm bảo một cuộc sống đàng hoàng được.

Trước kia khi không có quy định trần đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở nên mới có chuyện Tổng giám đốc Bia Huda Huế – ông Nguyễn Minh nhận mức lương hơn 65 triệu đồng trong khi có những người hiện chỉ nhận mức lương hưu trên mức tối thiểu một chút.

Khi mới về hưu, lương hưu của ông Nguyễn Minh chỉ là 10 triệu đồng/tháng do lương hưu của ông được tính dựa trên bình quân năm năm cuối đóng BHXH. Song hồi đó, trước năm 1995, lương cơ sở chỉ là 120.000 đồng/tháng nhưng tới nay, lương cơ sở đã lên tới 1.150.000 đồng/tháng nên tốc độ tăng lương hưu của ông Minh cũng tăng theo và nay đã hơn 65 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, với những người làm công ăn lương của Nhà nước, tiền lương được tính trên cơ sở hệ số lương nhân với tiền lương cơ sở. Còn khu vực ngoài nhà nước, đóng BHXH theo mức lương trên cơ sở hợp đồng, tuy nhiên, không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo từng thời kỳ.

Việc điều chỉnh lương hưu dựa trên hai yếu tố. Thứ nhất, người điều chỉnh lương hưu theo thang bảng lương của Nhà nước thường được điều chỉnh theo lương tối thiểu. Đối với khu vực khác, không theo thang bảng lương của Nhà nước, được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng CPI.

Quỹ BHXH của Việt Nam chủ yếu đầu từ vào các lĩnh vực hay thị trường an toàn như trái phiếu chính phủ, cho ngân sách nhà nước vay, cho vay những dự án lớn… do vậy tiền lãi thu về cũng có mức độ. Dự thảo mới cũng chưa cho phép đầu tư ở mức độ rủi ro hơn.

Như vậy, để đảm bảo không vỡ quỹ, cần phải có một loạt chính sách như đảm bảo cơ chế đóng-hưởng, tăng diện bao phủ, giảm tỷ lệ nợ BHXH… cùng với việc nâng cao tính hiệu quả của quỹ BHXH.

 

Chuyên gia về BHXH (đề nghị không nêu tên)

Ngay cả Mỹ cũng phải giới hạn trần đóng BHXH

– Nếu không khống chế đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở sẽ tạo ra sự bất bình đẳng khủng khiếp trong việc hưởng thụ quỹ BHXH cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Về ngắn hạn, nếu anh A đóng BHXH trên mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng, trong khi anh B đóng BHXH gấp 30 lần mức lương cơ sở là 34.500.000 đồng/tháng. Theo quy định hiện nay, người lao động đóng 8% và chủ sử dụng lao động đóng 18%.

Khi đó, mức đóng BHXH của anh A hàng tháng là 1.150.000 x 26% = 299.000 đồng/tháng còn anh B đóng BHXH là 34.500.000 x 26% = 8.970.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, khi hưởng BHXH, ví dụ trong cùng một trường hợp con ốm dưới 3 tháng, người lao động được nghỉ tối đa 20 ngày và nhận lương từ quỹ BHXH. Theo đó, anh A chỉ được nhận (1.150.000/26 x 75%) x 20 = 663.000 đồng, trong khi anh B được hưởng tới gần 20 triệu đồng. Như vậy, cùng một trường hợp con ốm, anh A chẳng được hưởng bao nhiêu trong khi anh B có thể mua được chiếc xe máy. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội.

Trong khi xét về dài hạn, với cơ chế như hiện nay thì tiền mà người lao động đóng trong suốt cuộc đời đi làm không thể bù được tiền anh ta nghỉ hưu, nghĩa là đóng càng cao, hưởng lương hưu càng cao, thì quỹ sẽ phải bù càng lớn.

Tuổi thọ ngày càng cao, ước tính sau khi nghỉ hưu (60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ), người lao động còn được hưởng lương hưu khoảng 20 năm nữa. Như vậy quỹ BHXH sẽ phải bù vào mức hưởng khi tuổi thọ ngày càng tăng và lương hưu tăng bao nhiêu thì quỹ càng phải bù vào bấy nhiêu. Cần phải phân biệt rõ, không phải nhà nước bù thâm hụt này mà chính là quỹ BHXH đang phải bù vào mức hưởng này, tức người đang đóng BHXH bù vào cho những người đang hưởng lương hưu.

Vì vậy, không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới, ngay cả Mỹ cũng phải giới hạn trần đóng BHXH. Ngoài ra, cần phải có quỹ hưu trí bổ sung là để dành cho những người đã đóng BHXH cao rồi, có tiền dư, sẽ đóng quỹ hưu trí bổ sung. Do vậy, dù đầu tư BHXH có lãi lớn, giảm tỷ lệ nợ BHXH, mở rộng đối tượng tham gia… thì cũng không thể cân đối quỹ trong dài hạn.

Dự thảo luật BHXH đã đi đúng hướng và sẽ kéo dài cân đối quỹ BHXH thêm một thời gian nữa nhưng đến một lúc nào đó quỹ sẽ lại mất cân đối và lại phải tìm giải pháp mới và chắc chắn sẽ phải tăng tuổi nghỉ hưu. Đây là lộ trình của tất cả các nước chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Đọc thêm:

– Tuổi nghỉ hưu sẽ tăng lên, lương hưu sẽ giảm xuống…

– Không lẽ cắt giảm lương hưu!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới