Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bế tắc của một bộ luật hay bế tắc của tư duy?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bế tắc của một bộ luật hay bế tắc của tư duy?

Tư Hoàng

Bế tắc của một bộ luật hay bế tắc của tư duy?
Dự thảo Luật Quản lý và Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp chấn chỉnh lại việc đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước sau những trường hợp đau đớn diễn ra ở Vinashin, Vinalines, Sông Đà, nhưng thật đáng tiếc, hầu hết các vấn đề then chốt lại chưa được dự luật này xử lý. Ảnh: TUỆ DOANH

(TBKTSG) – Dự thảo Luật Quản lý và Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp do Bộ Tài chính soạn thảo đã được Quốc hội xem xét hôm 11-11. Liệu nó có giải quyết được những bế tắc về quản lý nhà nước, quản lý tài chính và hàng loạt vấn đề khác ở khu vực doanh nghiệp nhà nước?

Phải nói ngay rằng, dự luật này được nhiều người kỳ vọng sẽ giúp chấn chỉnh lại việc đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước sau những trường hợp đau đớn diễn ra ở Vinashin, Vinalines, Sông Đà và hàng loạt doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khác; cũng như ở các bộ, ngành liên quan.

Người ta cũng kỳ vọng nó tách bạch được vai trò quản lý nhà nước với vai trò chủ sở hữu của các bộ, ngành và địa phương trong quan hệ với các DNNN. Lâu nay, mối quan hệ chồng chéo này làm dấy lên sự hoài nghi về lợi ích nhóm giữa các quan chức quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Còn rất nhiều vấn đề khác mà người ta hy vọng sẽ được xử lý rốt ráo bởi bộ luật này với mong muốn là tiền nhà nước – tức là tiền thuế của dân – sẽ được quản lý một cách minh bạch, và hiệu quả.

Song, thật đáng tiếc, hầu hết các vấn đề then chốt lại chưa được dự luật này xử lý.

Ví dụ, chương 2, mục 1, điều 7 quy định mục tiêu đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp là để: “Thực hiện vai trò nòng cốt, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng giai đoạn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Gán cho các DNNN giữ “vai trò nòng cốt”, hay “lực lượng vật chất quan trọng” để khu vực này “điều tiết nền kinh tế” và “ổn định kinh tế vĩ mô” là không xác đáng. Thực tế, là các doanh nghiệp này không thể thực hiện được vai trò này và minh chứng rõ ràng nhất đã được kiểm nghiệm trong giai đoạn bất ổn vĩ mô 2008-2011 và hiện nay.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đã khẳng định: “DNNN không thể là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô; nếu sử dụng chúng làm công cụ này, thì chỉ làm kinh tế thêm bất ổn về trung và dài hạn”.

“DNNN không thể là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô; nếu sử dụng chúng làm công cụ này, thì chỉ làm kinh tế thêm bất ổn về trung và dài hạn”.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Trước ông Cung, báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đã kết luận như vậy sau khi phân tích hàng loạt ví dụ ở các DNNN, cũng như số liệu từ khu vực doanh nghiệp này.

Hầu như các nhà kinh tế, chuyên gia, học giả… đều phản bác vai trò này của khu vực DNNN trong suốt hơn một thập kỷ qua. Đáng tiếc, ý kiến của họ chưa được tiếp thu trong dự thảo.

Còn nữa, chương 1, điều 5 về đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định: “Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước trong việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Quy định như vậy là thiếu và sai lệch, không phù hợp với Hiến pháp mới. Điều 53 Hiến pháp ghi “…Các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Có nghĩa, ở đây, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, do dân bầu trực tiếp, phải nhận trách nhiệm đầu tiên và cao nhất với tư cách là đại diện chủ sở hữu. Quốc hội phải có chính sách sở hữu nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản do Nhà nước đầu tư. Sau đó, Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện và chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Quốc hội không thể thoái thác trách nhiệm của mình trong vai trò là cơ quan được toàn dân ủy quyền thực hiện quyền chủ sở hữu và sử dụng tài sản này vì lợi ích của nhân dân. Còn Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, nhưng cũng phải chỉ rõ chịu trách nhiệm về cái gì, lấy chỉ tiêu nào để đánh giá là Chính phủ đã hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ; và khi đó, ai chịu trách nhiệm? Đáng tiếc là điểm này rất chung chung và chưa làm rõ trách nhiệm.

Vẫn chương 1, điều 5 về đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định tiếp: “Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác”.

Quy định như vậy sẽ làm xuất hiện hàng loạt câu hỏi. Thủ tướng có phải là một cơ quan đại diện chủ sở hữu không? Quy định trong dự thảo luật này là đúng như vậy? Thủ tướng có quyền như thế, nhưng trách nhiệm ra sao? Điều này chưa được làm rõ trong dự thảo luật.

Tóm lại, nội dung đại diện chủ sở hữu nhà nước còn quá sơ sài, không giải quyết được gì cả, thậm chí còn sai lệch.

Một điểm đáng chú ý nữa là dự thảo luật này cần phải được đặt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh đàm phán hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia, và khu vực.

Theo Bộ Ngoại giao, các FTA và đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang đàm phán có cam kết về DNNN bao gồm (i) Yêu cầu tất cả DNNN cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân; (ii) Nhà nước không trợ cấp cho DNNN; (iii) Minh bạch hóa quản lý DNNN.

Bộ Ngoại giao phân tích, nội dung cam kết nói trên đặt ra thách thức về thể chế kinh tế: (i) Cơ chế “xin – cho” thời gian qua đã thúc đẩy hình thành “khu vực kinh tế địa tô” (rent-seeking) thu lợi nhờ các đặc quyền/độc quyền kinh doanh. Việc xóa bỏ cơ chế này đang gặp nhiều trở lực do sức ỳ lớn của nhiều DNNN và các nhóm lợi ích hưởng lợi từ cơ chế này.

(ii) Chế độ quản trị của DNNN ở nước ta nhìn chung còn chịu ảnh hưởng của tàn dư cơ chế quan liêu, chưa quan tâm đến các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong quản trị doanh nghiệp; do đó minh bạch hóa quản lý DNNN đặt ra yêu cầu cấp bách về đổi mới căn bản quản trị của DNNN.

(iii) Việc đặt các DNNN vào môi trường cạnh tranh “sòng phẳng” trong khi sức cạnh tranh còn hạn chế, nếu không có các thể chế hỗ trợ (như bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền, hỗ trợ không vi phạm cam kết…), không loại trừ khả năng bị thâu tóm, chi phối bởi độc quyền tư nhân và/hoặc độc quyền nước ngoài, nhất là trong những lĩnh vực cần có điều tiết của Nhà nước.

Có thể thấy, dự luật trên vẫn còn rất bế tắc, và chưa xử lý được những vấn đề của khu vực DNNN, nơi vẫn đang sử dụng nguồn lực tài chính, đất đai lớn nhất cả nước, mà lại không đem lại các lợi ích tương xứng. Sự bế tắc đó chính là sự bế tắc của tư duy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới