Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mũi tên trúng nhiều đích?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mũi tên trúng nhiều đích?

Lê Anh

Mũi tên trúng nhiều đích?
Sau khi bán quyền khai thác các dự án đường cao tốc, cảng biển, ngành giao thông đang tính đến việc bán quyền khai thác sây bay, trong đó có sân bay Phú Quốc. Ảnh: T.L

(TBKTSG) – Chủ trương bán quyền khai thác các dự án đường cao tốc, cảng biển, sân bay được cho là vừa tạo vốn để đầu tư cho các dự án khác, vừa tạo sự cạnh tranh và mang đến dịch vụ tốt nhất… Đây có thể coi như một “mũi tên” trúng nhiều đích mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang nhắm tới.

Có bán được tất cả lĩnh vực của ngành giao thông?

Hồi đầu năm nay, Bộ GTVT không mấy khó khăn khi tìm các nhà đầu tư để cho thuê cảng Cái Mép – Thị Vải ở Bà Rịa – Vũng Tàu và cảng An Thới ở Phú Quốc – những công trình do Nhà nước bỏ vốn đầu tư. Trong khi đó, chào bán cổ phần ra công chúng của các cảng biển như Hải Phòng, Nha Trang lại rất èo uột và phải bán đến lần thứ hai, thứ ba.

Khi chứng kiến các cảng biển vẫn thuộc quản lý của Nhà nước chật vật bán cổ phần, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cũng thừa nhận việc để tư nhân khai thác cảng biển sẽ hiệu quả hơn và tiến tới xóa bỏ sự độc quyền, tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ cho các cảng biển của Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là biện pháp thu hồi vốn đầu tư nhanh nhất để đầu tư cho các dự án khác và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ở lĩnh vực đường bộ, đường cao tốc TPHCM – Trung Lương là dự án đầu tiên được bán quyền thu phí trong năm 2014, với giá 2.004 tỉ đồng trong thời hạn năm năm. Sau dự án này, Bộ GTVT tiếp tục đẩy mạnh việc bán quyền thu phí các dự án đường cao tốc khác ngay cả khi dự án đó chưa hoàn thành. Mới đây nhất, nhóm các nhà đầu tư do doanh nghiệp Ấn Độ đứng đầu đã ký hợp đồng nguyên tắc với Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) để mua 70% cổ phần dự án BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dù theo dự kiến, tuyến đường này đến cuối năm 2015 mới hoàn thành.

"Điều mà nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay là có một cơ chế chính sách rõ ràng, cụ thể về hợp tác công tư, nhượng quyền khai thác…"

Ông Vũ Phạm Nguyên Tùng,
Giám đốc dự án của hãng hàng không VietJet Air

Năm dự án đường cao tốc, gồm TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, Cầu Giẽ – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Bến Lức – Long Thành và Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đang được Bộ GTVT rao bán quyền khai thác. Hiện chưa rõ phương án bán và giá bán quyền khai thác năm dự án này như thế nào, song với việc nhanh chóng tìm được các đối tác trong thời gian ngắn trong đó chủ yếu là nhà đầu tư trong nước đã cho thấy tính hấp dẫn ở việc bán quyền khai thác các dự án hạ tầng cảng biển và đường bộ.

Chẳng vậy mà, khi bàn về cổ phần hóa Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đốc thúc dự án đường cao tốc nào bán được, giá hợp lý phải bán luôn. Thậm chí người đứng đầu ngành giao thông còn gợi ý nếu bán cả dự án khó thì chia nhỏ ra để bán. Chẳng hạn, đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, đoạn Lào Cai – Yên Bái khó bán thì ưu tiên bán phần Hà Nội – Yên Bái trước, thậm chí trong đoạn này, có thể chia nhỏ hơn nữa. Song ông cũng nhắc các đơn vị tham mưu phải tính toán mức phí sao cho nhà đầu tư đảm bảo thu hồi vốn, còn doanh nghiệp, người dân chịu mức phí hợp lý.

Cuối tháng 10, Bộ trưởng Bộ GTVT đã triệu tập cuộc họp với các đơn vị tham mưu để bàn việc xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông. Khi vào cuộc họp ông Thăng đã đặt một loạt câu hỏi, rằng có thể xã hội hóa tất cả các lĩnh vực của ngành giao thông được không, xã hội hóa thì phải làm thế nào, các dự án đã đầu tư xây dựng có bán được quyền khai thác không… Những câu hỏi này được vị tư lệnh ngành giao thông yêu cầu cấp dưới phải làm rõ. Riêng đối với lĩnh vực hàng không, ông Thăng đặt vấn đề: tại sao không đề xuất bán sân bay Phú Quốc cho tư nhân quản lý?

Được yêu cầu đánh giá về tính khả thi của việc bán quyền khai thác sân bay Phú Quốc, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng sân bay Phú Quốc được xây dựng với số vốn 3.000 tỉ đồng, là sân bay quốc tế đầu tiên chủ yếu được đầu tư bằng nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nên việc bán quyền khai thác cho nhà đầu tư là có cơ sở và tính khả thi cao.

Cần cơ chế rõ ràng

Dù thông tin bán quyền khai thác sân bay Phú Quốc chưa chính thức được công bố nhưng những thông tin rò rỉ sau cuộc họp đã được các nhà đầu tư chú ý. Trao đổi với TBKTSG, ông Vũ Phạm Nguyên Tùng, Giám đốc dự án của hãng hàng không VietJet Air, tiết lộ khi biết được thông tin này, Tập đoàn Sovico Holdings (chủ sở hữu VietJet Air) đã bày tỏ sự quan tâm. Ông tiết lộ, tập đoàn sẽ cân nhắc những phương án hiệu quả nhất để đề xuất với cơ quan quản lý.

Ở góc độ cá nhân, ông Tùng đánh giá việc kinh doanh sân bay, nếu có tư nhân tham gia đầu tư, khai thác, chắc chắn sẽ có những thay đổi lớn so với tình hình hiện nay. Trên thế giới nhiều nước cũng đã làm theo mô hình bán quyền khai thác các sân bay cho tư nhân và rất có hiệu quả. Ở Việt Nam, trong khi ACV đầu tư các hạng mục chính thì các hãng hàng không có thể đầu tư những hạng mục của mình. Ví dụ như nhà ga hàng không giá rẻ và các cơ sở dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng. Một yếu tố thuận lợi nữa khi cho tư nhân khai thác sân bay thì buộc họ phải có các giải pháp để thu hút nhiều hãng hàng không bay đến nhằm tăng doanh thu.

Tuy nhiên, ở góc độ người sử dụng dịch vụ, một số doanh nghiệp và chuyên gia lo ngại rằng nhượng quyền khai thác các dự án hạ tầng cho các nhà đầu tư thì họ sẽ đẩy giá dịch vụ lên, khi đó Nhà nước rất khó can thiệp và người dân phải đóng phí cao. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng vấn đề này không đáng lo ngại vì khi ký các hợp đồng chuyển nhượng khai thác đều có những điều khoản ràng buộc để nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định. Và khi cần thiết Nhà nước sẽ can thiệp để tránh việc nhà đầu tư lợi dụng thu phí quá cao.

Chính quyền Pháp đang cân nhắc việc điều chỉnh các quy định về thu phí đường bộ sau một báo cáo kiểm toán và cạnh tranh của chính phủ vào tháng 9 đã phát hiện các đơn vị tư nhân quản lý và thu phí đường bộ thu lãi rất cao, biên lợi nhuận khoảng 24%, theo báo cáo. Các đơn vị tư nhân quản lý đường bộ Pháp (như Vinci, APRR và Sanef) trong năm 2011 đã bỏ túi khoảng 7,6 tỉ euro, theo báo cáo.

Trước đó, công chúng đã lên tiếng phản đối về mức phí cao đối với xe tải, khiến chính quyền phải thay phí này bằng thuế sử dụng nhiên liệu diesel. Bản báo cáo cho rằng chính phủ đã ưu ái các đơn vị tư nhân quản lý, thu phí đường bộ, khi các công ty quản lý thu lợi nhuận cao trong khi người sử dụng phương tiện phải trả phí nặng.

Tuy nhiên, bản báo cáo cũng cho biết tình hình khó có thể thay đổi nhanh, do hợp đồng thu phí đã được ký “cứng” và khó mà hy vọng có thể điều chỉnh trước khi các thỏa thuận hết hiệu lực vào năm 2027 và 2033.

Bộ trưởng Năng lượng của Pháp Ségolène Royal đã đề nghị tăng thuế hoặc giảm phí đường bộ. Tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng Manuel Valls tỏ ra rất thận trọng với đề nghị tăng thuế, do lo ngại các nhà đầu tư sẽ rút khỏi các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, và các khoản phạt phải trả cho các nhà đầu tư do thay đổi hợp đồng.

Hiện tại, chính quyền đang ngưng đánh thuế Ecotax, loại thuế đánh vào các loại xe tải hạng nặng. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron cũng đã hứa sẽ giảm phí đường bộ “hết mức có thể được”. Phương án cuối cùng sẽ được quyết định vào tháng 12.

Theo The Local, Reuters

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới