Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mua tin tố giác tham nhũng: ai bán?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mua tin tố giác tham nhũng: ai bán?

Nguyễn Vinh

 

Mua tin tố giác tham nhũng: ai bán?
Việc mua tin tố giác tham nhũng ở các tỉnh không dễ dàng khi người bán tin không được bảo vệ. Ảnh TL

(TBKTSG Online) – Đọc báo, thấy tỉnh Bình Thuận vừa công bố việc mua tin tố giác tham nhũng. Một lần nữa, câu hỏi cũ nảy ra ngay trong đầu người đọc: ai (dám) bán những tin đó?

Cuối 2013, Ban nội chính trung ương có văn bản hướng dẫn mua tin tố giác tham nhũng. Sau đó, Ban nội chính các thành ủy, tỉnh ủy một số địa phương tại Lâm Đồng, Kontum, Quảng Ngãi… và bây giờ là Bình Thuận đã triển khai.

Giá cho một tin tố giác tham nhũng là 500.000 đồng đến 10 triệu đồng. Dân nghèo nghe ra giá, hẳn sẽ thấy hấp dẫn thật. Nhưng điều đó có đủ sức để lôi ra ánh sáng những vụ tham nhũng?

Thật khó nếu đứng về phía người bán. Ai sẽ bán tin tố giác tham nhũng khi mà, trước hết, việc thẩm định giá trị, mức độ quan trọng của tin tố giác thuộc về cơ quan chức năng, chưa có những “ba-rem” quy định rạch ròi, minh bạch. Thậm chí trước tình trạng lợi ích nhóm, ràng buộc quyền lợi của những người có quyền lực bị tố giác, người dân đi bán tin tố cáo không thể không lo lắng việc bị trở cờ, tố ngược tội vu khống.

Một điểm nữa, mặc dù trên lý thuyết, người bán tin tố giác được cam kết bảo vệ bí mật danh tính, song ai đảm bảo được tính mạng của người yếu thế nắm giữ sự thật khi mà sự thật ấy gây bất lợi cho những kẻ đương nắm trong tay nhiều thế lực (trong đó, có cả các thế lực hắc ám). Những chuyện người thấp cổ bé họng ở các địa phương kêu khó thấu trời, thường “ăn được vạ má đã sưng” chẳng còn lạ gì.

Việc mua bán tin tố giác tham nhũng có chăng tác dụng, thì chỉ có thể hy vọng khả thi ở những lĩnh vực chuyên môn hay dịch vụ công, dễ xử lý khi người tham nhũng không nắm nhiều vũ khí quyền lực “có tính sát thương cao” trong tay.  Còn việc tố giác tham nhũng ở những cấp cao trong chính quyền địa phương  chắc chắn khó khăn. Mọi thứ nằm ở mấu chốt này: ai sẽ bảo vệ người tố giác khi mà để minh chứng được độ xác thực của thông tin, họ sẽ phải tham gia trực tiếp vào vụ việc như một nhân chứng, một quan hệ cụ thể và nếu không có “nghiệp vụ”, không nắm được hết về các tình tiết pháp lý hay không đủ sức xây dựng được hành lang tự bảo vệ, rất có thể sẽ xảy ra chuyện tình ngay lý gian, tố giác đâu chẳng thấy, lại trở thành kẻ bị tố ngược hay liên lụy.

Một khi việc treo giá mua tin tố giác tham nhũng ở các tỉnh đã được triển khai trong khi người bán tin hãy còn dè dặt, hoài nghi và thiếu vắng niềm tin vào sự công bằng thì cuộc chiến chống tham nhũng dễ dàng bị đẩy sang một hướng khác. Biết đâu, đó lại là cái cớ để các tỉnh báo cáo rằng bộ máy chính quyền hoạt động hoàn toàn trong sạch, vững mạnh!

 

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới