Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vốn Nhật có đang rời khỏi Việt Nam?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vốn Nhật có đang rời khỏi Việt Nam?

Quốc Hùng

Vốn Nhật có đang rời khỏi Việt Nam?
Tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật Aeon có kế hoạch đầu tư tới 2 tỉ đô la tại Việt Nam. Ảnh: Một sự kiện diễn ra tại siêu thị Aeon Mall Tân Phú, TPHCM

(TBKTSG Online) – Bài báo “Vốn Nhật đang rời Việt Nam” trên một tờ báo trong nước mới đây đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Liệu vốn Nhật có đang thật sự rời khỏi Việt Nam như thông tin trên?

Vượt qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác, vốn đầu tư Nhật cam kết vào Việt Nam liên tiếp dẫn đầu trong ba năm 2011, 2012 và 2013, sau đó bị tụt xuống vào năm ngoái nhưng vẫn nằm trong tốp bốn quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn cam kết đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất. Từ đầu năm đến nay, vốn cam kết của doanh nghiệp Nhật nằm trong… tốp ba.

Tập trung dự án nhỏ và vừa

Một trong những nguyên nhân của sự sụt giảm nguồn vốn đầu tư từ Nhật vào Việt Nam là sự thiếu vắng các dự án đầu tư có quy mô vốn lớn trong lĩnh vực sản xuất. Theo các chuyên gia trong ngành xúc tiến đầu tư, những dự án đầu tư sản xuất thường đòi hỏi vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài và phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thị trường.

Một nguyên nhân khác, mang tính khách quan, là đồng yen của Nhật bị mất giá khá nhiều so với đồng đô la Mỹ trong thời gian qua. Trong khi đó, kinh tế Nhật vẫn đang khó khăn, kinh tế toàn cầu chưa sáng sủa hẳn.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là vốn Nhật đang rời khỏi Việt Nam mà theo giới phân tích, đó chỉ là bị giảm về vốn cam kết mới so với nguồn vốn đầu tư của những năm trước đó.

Ông Yasuzumi Hirotaka, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JBAH), tại buổi gặp gỡ lãnh đạo TPHCM mới đây, khẳng định vốn đầu tư trực tiếp của Nhật vào Việt Nam trong thời gian gần đây có sụt giảm nhẹ nhưng chỉ là hiện tượng tạm thời vì số doanh nghiệp Nhật đến văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tìm hiểu môi trường đầu tư Việt Nam không hề giảm, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có sự tăng trưởng rất mạnh.

Đó chỉ là bị giảm về vốn cam kết mới so với nguồn vốn đầu tư của những năm trước đó, không có nghĩa là vốn Nhật đang rời khỏi
Việt Nam.

Ông Duangdej Yuaikwarmdee, Phó Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex (Thái Lan) – đơn vị tổ chức triển lãm METALEX ở Việt Nam và Thái Lan hằng năm cho biết, qua tiếp xúc với các nhà sản xuất của Nhật Bản cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia triển lãm METALEX ở Việt Nam và Thái Lan, ông thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật đang quan tâm tới Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. Tuy nhiên, Việt Nam được sự quan tâm và khuyến khích đầu tư nhiều hơn nhờ môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, chi phí lao động thấp, sự hỗ trợ của Chính phủ và an ninh ổn định. Theo ông Yuaikwarmdee, doanh nghiệp Nhật quan tâm các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất điện tử, xe máy, ô tô, cơ khí…

Trước đó, ông Nakajima Satoshi, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM cũng cho rằng Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp Nhật, và mong muốn đầu tư vào Việt Nam của doanh nghiệp Nhật không hề suy giảm.

Tuy nhiên, xu hướng đầu tư của Nhật Bản những năm gần đây đang thiên về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với các dự án có quy mô vốn cam kết đầu tư không nhiều, có dự án chỉ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đô la Mỹ. Dù vậy, đây lại là những dự án rất thiết thực vì nó sẽ cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà Việt Nam hiện nay đang yếu và thiếu.

Ngay cả trong đầu tư gián tiếp, theo báo cáo của Stoxplus công bố trong tháng 2-2015, Nhật Bản vẫn đứng thứ sáu trong danh sách các quốc gia tiến hành các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) ở Việt Nam. Báo cáo cho thấy, các thương vụ lớn của Nhật Bản không xuất hiện trong năm nay. Sau một số thương vụ lớn trong năm ngoái, hiện các nhà đầu tư Nhật chuyển hướng sang đầu tư dài hạn với quy mô vốn nhỏ hoặc trung bình nhưng tiềm năng lớn.

Gia tăng bán lẻ, ẩm thực

Làn sóng đầu tư ra nước ngoài hiện nay của Nhật, do các tổ chức tài chính dẫn đầu, có phần do người Nhật không tìm thấy cơ hội ở thị trường trong nước, do né tránh rủi ro của thị trường Trung Quốc nhưng phần khác do họ đang có trong tay khoản tiền mặt khổng lồ, tích lũy được nhờ chính sách kích thích kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe.

Khảo sát của các tổ chức nghiên cứu cho thấy đã và đang có một làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào các lĩnh vực như dịch vụ ẩm thực, bán lẻ, bất động sản, vận tải hay đầu tư tài chính.

Đại diện Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM nhận định, cùng với sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ ăn uống và giải trí ở Việt Nam, nhất là tại TPHCM và Hà Nội, các nhà hàng Nhật sẽ tiếp tục được mở mới trong thời gian tới, sau khi “phong trào ăn món Nhật” đã rất phát triển.

Theo Jetro, số nhà hàng Nhật tham gia thị trường ẩm thực Việt Nam đang tăng lên, bao gồm các thương hiệu Marukame Udon, PIZZA 4P’S, Tokyo Town… và gần đây nhất là các cửa hàng gà rán mang phong cách Nhật.

Jetro cho biết, thị trường tại Nhật Bản đã trở nên bão hòa, các doanh nghiệp Nhật buộc phải tìm hướng đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam gia tăng, kéo theo số lượng lớn người Nhật sang Việt Nam làm việc, các dịch vụ cũng đi kèm để phục vụ, trong đó có ẩm thực.

Tương tự, lĩnh vực phân phối trong nước cũng đang ngày càng gia tăng sự hiện diện của các nhà bán lẻ của Nhật. Những thương hiệu như FamilyMart, Ministop, Daiso, Akuruhi, Tokutokuya… không còn xa lạ với nhiều người dân TPHCM và đang được mở rộng ra các thành phố lớn. Những tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật như Aeon, Takashimaya… cũng đang  tăng cường đầu tư với những dự án khổng lồ. Aeon cho biết sẽ rót khoảng 2 tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam cho 20 trung tâm mua sắm và hiện công ty này đã rót hơn 500 triệu đô la Mỹ vào hai trung tâm đã đi vào hoạt động tại TPHCM, Bình Dương và một trung tâm sắp hoạt động ở Hà Nội. Không chỉ tự đầu tư, Aeon còn đang “thâu tóm” hai hệ thống siêu thị trong nước qua việc mua 49% cổ phần của Citimart và 30% cổ phần Fivimart.

Theo ông Yasuo Nishitohge, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam, với dân số hơn 90 triệu dân và đa số là ở lứa tuổi trẻ, có nhu cầu mua sắm cao, Việt Nam là thị trường tiềm năng, nên Aeon đang tăng cường mở rộng kinh doanh. Cũng vì lý do này, ông Kigure Takehiro, Chủ tịch Công ty TNHH Cửa hàng tiện lợi Gia đình Việt Nam, cho biết FamilyMart đặt mục tiêu trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi đứng đầu thị trường Việt Nam trong vòng 10 năm tới.

Đến đầu tư bất động sản, tài chính …

Báo cáo của Jetro phản ánh số lượng các dự án đầu tư mới trong ngành xây dựng, bất động sản của Nhật ở Việt Nam tăng từ 3% năm 2013 lên 6% năm 2014. Trong khi đó, về vốn, tỷ trọng đã lên tới 13%, so với mức 2% của một năm trước. Đơn cử Tập đoàn Tokyu đã liên doanh với Tổng công ty Becamex IDC phát triển dự án thành phố vườn Tokyu Bình Dương có tổng đầu tư khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ. Hiện Tokyu cũng mong muốn tham gia vào việc phát triển hạ tầng khu vực nhà ga Suối Tiên của tuyến metro số 1, TPHCM. Tập đoàn Daibiru mua lại phần văn phòng tòa nhà Corner Stone với giá trị 60,1 triệu đô la Mỹ. Mới đây nhất, Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad vừa ký hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long để phát triển dự án khu căn hộ Flora Anh Đào trên khu đất 1,1 héc ta ở quận 9, TPHCM…

Trong lĩnh vực tài chính, các tổ chức Nhật cũng đang là nhà đầu tư chiến lược lớn của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Công thương (Vietinbank), hay tham gia hợp tác với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để thu hút đầu tư Nhật vào Việt Nam. Theo BIDV, đến nay đã có 19 ngân hàng Nhật ký thỏa thuận hợp tác với BIDV về việc phục vụ khách hàng Nhật Bản hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Recof – một công ty có trụ sở ở Tokyo chuyên tư vấn cho các thương vụ M&A đã tăng sự hiện diện tại Việt Nam khi làn sóng mua bán sáp nhập ngày càng sôi động. Giám đốc của Recof Masataka Yoshida cho biết rất nhiều công ty Nhật quan tâm tới việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Theo ông Yoshida, hiện một nửa danh mục thông tin của Recof là các thương vụ của doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm dịch vụ tài chính phi ngân hàng, vận tải, công nghệ, khách sạn, dịch vụ marketing và ngành hàng bán lẻ.

Những động thái trên cho thấy vốn Nhật chẳng những không rời Việt Nam mà ngày càng gia tăng, đầu tư sâu rộng hơn vào nhiều lĩnh vực khác nhau thay vì sản xuất, lắp ráp như những năm trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới