Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Luật hội để hạn chế hay thúc đẩy quyền công dân?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Luật hội để hạn chế hay thúc đẩy quyền công dân?

Tư Giang

Luật hội để hạn chế hay thúc đẩy quyền công dân?
Lập hội là nhu cầu lớn của người dân – Ảnh TL

(TBKTSG Online) – “Các vị đại biểu Quốc hội cho rằng, các quy định trong dự án luật này còn nặng về quản lý nhà nước mà chưa phát huy, đề cao được quyền lập hội của công dân,” Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã tổng kết lại phiên thảo luận về một dự luật gây tranh cãi lâu nay – Luật về hội – được thảo luận chiều 26-11.

Ông Lưu đề nghị ban soạn thảo phải rà soát lại “thật kỹ” để giảm bớt các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận động lập hội, tham gia lập hội, quyền tham gia hội của công dân, của tổ chức.

Hạn chế quyền công dân

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) nói: “Tôi nhận thấy dự thảo luật vẫn mang nặng về tư tưởng quản lý nhà nước, thủ tục thành lập hội còn khó khăn kéo dài.”

Trích dẫn dự luật về việc đăng ký thành lập hội lại mất 60 ngày làm việc để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy đăng ký thành lập hội, ông Vinh cho là “quá dài”.

“Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu … đơn giản hóa trong quy trình thành lập hội, giảm bớt thủ tục hành chính đối với việc thành lập các tổ chức xã hội, như các nước trên thế giới đã làm,” ông đề nghị.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, TPHCM, nói thêm: “Tôi đồng ý rằng việc xét đơn 60 ngày ở Điều 11 là quá lâu”.

Ông Nghĩa đề nghị bổ sung cho Điều 9 về hành vi cấm cản trở một ý là: "cấm cản trở hoặc gây khó khăn cho quyền lập hội dưới mọi hình thức."

Ông Nghĩa cho rằng, “phải chứng minh quyền sử dụng hợp pháp nơi đặt trụ sở” cũng là sự cản trở cho việc lập hội.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương băn khoăn về Khoản 3, Điều 4 quy định các trường hợp hạn chế quyền lập hội và tham gia hội đối với cán bộ công chức khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ công chức đó. “Quy định này nảy sinh một số vấn đề,” ông Cương khẳng định.

Ông cho rằng, theo quy định trên, cán bộ công chức hoàn toàn có thể lập cũng như tham gia hội với điều kiện được cơ quan quản lý mình cho phép. Điều đó cũng có nghĩa, công chức cũng có thể lập và tham gia một hoặc nhiều hội.

Tuy nhiên, ông đặt vấn đề: “Người có thẩm quyền quản lý đồng ý cho cán bộ công chức của mình lập hay tham gia hội trên cơ sở nào? theo quy định nào? hay thích thì cho mà không thích thì không cho? Rồi khi anh đã đồng ý cho người ta lập hội và tham gia hội thì cũng đồng nghĩa với việc là phải tạo điều kiện về mọi mặt nhất là thời gian để họ làm cho hội?”

Tiếp lời ông Cương, đại biểu Vũ Xuân Trường, Nam Định, bày tỏ băn khoăn ở Khoản 3, Điều 4 về các trường hợp bị hạn chế quyền tham gia hội. Công dân Việt Nam là cán bộ công chức nếu chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước, quản lý cán bộ công chức thì bị hạn chế quyền lập hội và quyền tham gia hội.

Ông Trường nói: “Quy định như trên là hạn chế quyền tự do tham gia hội của cán bộ công chức khi họ có nhu cầu chính đáng như tham gia vào hội luật gia của các cơ quan tư pháp, hội kiến trúc sư của các công chức ngành xây dựng, thậm chí những hội không thuộc điều này như công đoàn, thanh niên thì đấy vẫn là nhu cầu chính đáng, không thể hạn chế được.” Do đó, ông Trường đề nghị bỏ Khoản 3, Điều 4 như đã phân tích ở trên.

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn, Bình Thuận, bày tỏ lo ngại về việc dự luật quy định quá chi tiết về những vấn đề thuộc nội bộ của hội, như cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tài chính, chi tiêu của hội, quyền và nghĩa vụ của hội viên v.v..

“Tôi cảm giác đây là những quy định hành chính cho hoạt động cơ quan hành chính chứ không phải những quy định về hoạt động của hội với nguyên tắc tự nguyện, tự quản,” ông Niễn nói.

“Quy định chi tiết như vậy là can thiệp sâu vào thẩm quyền của hội, rất dễ đụng chạm tới quyền công dân và đây cũng là những điều rất dễ bị các đối tượng không thiện chí lợi dụng xuyên tạc,” ông nói, và đề nghị bỏ những quy định can thiệp vào nội bộ của hội.

Tranh luận về quyền lập hội của người nước ngoài

Khoản 1, Điều 34 dự luật quy định người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội, và do Chính phủ quy định.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính, Tiền Giang, đề nghị: “Dự luật này cần quy định rõ ràng và đưa thẳng vào luật, cũng không giao Chính phủ quy định vấn đề này.”

Ông Tính cho rằng, người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội của công dân Việt Nam thành lập là đáp ứng yêu cầu tâm tư nguyện vọng của các hội và tâm huyết của người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, nhất là hàng trăm ngàn người Nhật và Hàn Quốc làm việc rất lâu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Tính đề nghị Ban soạn thảo cần có những quy định cụ thể về người nước ngoài tham gia hội Việt Nam phải đảm bảo hoạt động phi chính trị, phi tôn giáo và phi lợi nhuận, nhằm tránh việc lợi dụng vào hội Việt Nam để hoạt động trái pháp luật.

Đồng ý với ông Tính, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, TP Cần Thơ, cho rằng việc cho phép người có quốc tịch nước ngoài, hoặc không có quốc tịch nước ngoài đang sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia vào hội trong một số trường hợp cụ thể nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện Công ước quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

Tuy nhiên, ông đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có cho phép người nước ngoài được tham gia vào hội của công dân Việt Nam thành lập hay không? Hay chỉ tham gia vào hội của người nước ngoài được thành lập tại Việt Nam hoặc hội được thành lập ở nước ngoài và được cho phép hoạt động tại Việt Nam theo các nghị định của Chính phủ trước đây.

Mặc dù vậy, đây là điều mà đại biểu Tô Văn Tám, Kon Tum, phản đối. Ông Tám nói: “Vấn đề này tôi thấy chưa nên quy định trong luật. Nên giao cho Chính phủ quy định là phù hợp với thực tiễn nước ta đang trong quá trình hội nhập hiện nay. Như thế đảm bảo tính linh hoạt trong quá trình điều chỉnh vấn đề đối với người nước ngoài trong chương trình hội nhập.”

Loại trừ 6 tổ chức chính trị xã hội?

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, TP Hải Phòng, nói ông tán thành với quan điểm của cơ quan soạn thảo, theo đó luật này không áp dụng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, và Hội Cựu chiến binh, vì đây là các tổ chức chính trị-xã hội có vị trí, vai trò đặc biệt.

Ông Vinh bảo lưu thêm: Điều 9 Hiến pháp năm 2013 đã xác định 6 tổ chức trên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đó chính là điểm khác biệt căn bản so với các hội khác.

Do đó, nếu xác định các tổ chức trên thuộc đối tượng điều chỉnh của luật này với tính chất xã hội tự quản như một số ý kiến là chưa phản ánh đúng bản chất và lịch sử phát triển của hệ thống chính trị nước ta.

Đồng thời, ông Vinh nói, nếu luật về lập hội bao gồm cả các tổ chức này thì nó mâu thuẫn với các luật, pháp lệnh khác, như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Pháp lệnh Cựu chiến binh.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa băn khoăn về Điều 5, đối với các hội thành lập do nhu cầu của Đảng, Nhà nước, được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh tế hoạt động. Ông Nghĩa nhận xét, hiện nay, sáu tổ chức trên được Ngân sách Nhà nước bảo đảm để hoạt động.

Ông nói: “Như vậy, chúng ta lại cho quyền hội thành lập theo nhu cầu của Đảng, Nhà nước, được ngân sách bảo đảm kinh phí. Tôi băn khoăn chỗ này sẽ đẻ ra sự phân biệt đối xử giữa các hội.”

Ông Nghĩa giải thích, Điều 16 Hiến pháp quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. “Chúng ta phải cân nhắc lại chỗ này,” ông tha thiết đề nghị.

“Cho lập hội sẽ có loại hội được bảo đảm toàn bộ kinh phí, một số loại hội phải tự túc hoàn toàn kinh phí, tôi băn khoăn chỗ đó,” ông nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc, Hà Tĩnh, đồng tình với đại biểu Nghĩa. Ông Phúc phân tích, Hiến pháp quy định sáu tổ chức chính trị, xã hội nhưng cũng không có nghĩa chỉ có sáu tổ chức chính trị, xã hội.

“Có thể trong tương lai Hội cựu thanh niên xung phong chẳng hạn, cũng cần nâng lên thành tổ chức chính trị-xã hội thì sao?” ông Nghĩa nói.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, năm 2015, Nhà nước đã giao cho các hội đặc thù là 7.445 biên chế. Ông nói: “Dư luận đang cho việc công nhận như thế này là không công bằng giữa các hội.”

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn cho biết thêm, theo báo cáo của Chính phủ đến 12-2014 cả nước có 52.565 hội, trong đó có 483 hội hoạt động ở phạm vi cả nước, và 8.792 hội có tính chất đặc thù.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới