Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mình nói gì khi nói về Hà Nội?*

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mình nói gì khi nói về Hà Nội?*

Hồng Phúc

Mình nói gì khi nói về Hà Nội?*
Vây quanh nồi bánh chưng ngày tết miền Bắc. Ảnh: HP

(TBKTSG Online) – Và vì cuộc đời thì phải có kịch tính nên vẫn còn biết bao người đang di cư từ nơi này tới nơi kia, thậm chí trở thành người xa xứ ngay trên tổ quốc mình. Và cũng vì thế nên cuộc sống mỗi ngày tiếp tục là một chuyến du ngoạn, khám phá, nhìn sâu hơn vào cách con người sinh hoạt, tương tác và cân bằng.

Em ở Sài Gòn mới ra à? Vng. Em đi công tác à? Dạ không em về thăm nhà. Ở Sài Gòn á? Vầng. Mấy năm rồi? Vài năm.

Thế cơ á? Về thăm nhà à? Vầng. Bố mẹ ở đây à? Vầng. Thế mà không ở đây? Vầng. Sao liều thế? Dạ có gì đâu ạ. Sao lại vào đấy? Đi làm ạ. Trong đấy lương cao hơn à? Không ạ? Ô!? thế lương bao nhiêu? Đủ sống thôi ạ. Đủ sống là bao nhiêu?…

(một lúc sau)…Thế sao lại vào? thì thích. Thích vào á, ở Hà Nội thích hơn chứ?… Thế vào đấy lấy chồng à? Không ạ. Không thì sao lại vào? Cũng không biết ạ… Trông em thế kia thì ở ngoài này cũng không ế đâu. Cám ơn anh. Sao phải cám ơn, khách sáo thế… Thế có con chưa?… Sao lại cười? Vẫn kén chọn à? Thế em bao nhiêu tuổi rồi?… Sao lại cứ cười thế nhỉ? Trông em cũng phải 30 rồi ấy nhỉ, đừng kén quá em ạ, phụ nữ có thì thôi em ạ. Phải lấy chồng sinh con không cẩn thận mấy năm nữa lại thành bà già khó tính đấy…

Những ai sống ở nơi khác một ngày về Hà Nội có lẽ từng gặp một anh lái xe taxi hỏi chuyện như vậy. Và cũng sẽ bị kém thoải mái hơn vì đã quen với dịch vụ ở Sài Gòn. Người ta đi làm là chỉ làm việc, không quan tâm thái quá đến cá nhân người khác. Một người Sài Gòn lý giải rằng có lẽ vì thừa hưởng ‘văn hóa Mỹ’ thay vì ‘văn hóa Pháp’ như Hà Nội nên hầu hết người miền Nam biết rằng có một cái khoảng không cá nhân nào đó của người khác mà ta không nên bước vào, nên họ hiếm khi hỏi có vợ, chồng chưa, lương bao nhiêu, vì hiểu rằng đó là sự riêng tư cần thiết.

Hồi mới vào Sài Gòn tôi ngỡ ngàng quá xá khi có người giới thiệu “Đây là ông anh (bà chị) xã hội của anh”, mà từ từ hiểu ra mới thấy đúng là cái tính “xã hội” trong các mối quan hệ này nó cao cực kỳ ở chỗ nhậu với nhau cả chục lần vẫn không biết có vợ con không, nhà ở đâu, làm nghề gì, có hoàn cảnh éo le khúc nào hay không.

Nhưng cũng “người Bắc” vào, ngay cả khi ngồi với đối tác ở khách sạn 5 sao sang trọng bậc nhất Sài Gòn thì cứ phải gợi chuyện riêng tư mới là thân mật. Cô bạn tôi bảo: Có mấy anh đối tác vào làm việc, ngồi uống cà phê với nhau mà cứ hỏi em bao nhiêu tuổi có chồng chưa sao vẫn chưa lấy chồng, công việc thế nào, lương có khá. Cô từ chối tế nhị không trả lời họ nói em như thế là không tôn trọng bọn anh, và ngay lập tức tỏ thái độ xa cách có ý coi thường. Cô không hiểu sao người Bắc họ coi chuyện phải kể thông tin riêng tư của mình mới là tin cậy và kéo mối quan hệ gần gũi lại, và vì thế mới có thể hợp tác, làm ăn.

Hồ Gươm chiều 30 Tết Nguyên đán 2016 – Ảnh: HP

Nhưng Hà Nội không “dễ ghét” hoàn toàn, bởi ai từng gắn bó với mảnh đất này cũng cảm nhận được cách đối xử trọng tình cảm và quan tâm sâu sắc, hay may mắn có những tình bạn thủy chung son sắt tính bằng vài chục năm với người Hà Nội. Ví dụ như, ngày cuối năm, bạn sẽ nhận được những cuộc điện thoại kiểu như: “Nhà có măng chưa, để chị mang cho ít măng nhé? Măng làm sẵn rồi, chỉ việc bỏ vào nấu thôi”. Hay “Giò nhé, ngon lắm, mới làm xong. Chiều chị mang lên, kịp cắt ra một khoanh cúng giao thừa, còn lại để ăn tết”.

Bạn tôi thường có những cuộc gọi điện thoại như vậy vào ngày 25, 28 tết. Với bản tính lo toan đảm đang của cô gái nhà trung lưu từ nhỏ, chị luôn chăm sóc người khác từ những thứ nhỏ nhặt mà rất cần thiết.

Vốn biết tôi hay đơn giản hóa ngày tết và bận rộn với lũ trẻ, khi nào bạn cũng thương. Ngày 28-29 tết, kết thúc hàng núi công việc như con mọn ở cơ quan, bạn phóng xe máy tới nhà tôi. Trong cái lạnh căm căm của mùa đông xứ bắc, trên chiếc xe máy Spacy của bạn líu lỉu túi to túi nhỏ như con lạc đà trên sa mạc. Gọi điện: “Ra cổng lấy đồ”. Bạn lúi húi phân chia: “Nào măng lưỡi lợn đã luộc rồi, đã cắt phần chân măng già, thái miếng vừa nấu canh rồi, chỉ việc bỏ vào nồi ninh với chân giò cắt khúc mua ở chợ. Khi mua nhớ bảo người ta cạo sạch lông chặt khúc nhỏ nhé. Đem về em chỉ luộc sơ bỏ nước luộc đi rồi bỏ măng vào ninh chung. Ninh cho mềm chân giò rồi bỏ thêm ít mộc nhĩ thái chỉ, gia vị. Khi ăn múc ra tô rắc thêm hành mùi thái nhỏ lên trên…

"Đây là miến dong loại ngon, không có thuốc tẩy trắng nên sợi miến màu vàng nâu, để nấu với nước luộc gà và lòng gà. Vớt gà ra, thả miến đã rửa sạch cắt ngắn rồi, thêm mề gà và lòng gà, hành mùi thái nhỏ lên trên múc ra dọn lên mâm thắp hương các cụ. Khi ăn nhớ hâm nóng lại”.

“Đây là cân giò thúc chị đặt mua ở Nam Định em đem biếu bố mẹ ăn tết”, bạn tôi nói. Giò thúc Nam Định vốn là loại đặc sản nổi tiếng, gồm thịt nạc heo xay nhuyễn trộn với mỡ phần thái hạt lựu đem luộc chín. Nam Định vốn là nơi có đặc sản giò chả từ rất lâu đời chuyên cung cấp cho rất nhiều gia đình ăn tết.

Tuy là bạn thân nhưng tôi hay nói đùa tôi chỉ biết ‘ăn vụng như chớp đánh con cả ngày’. Bạn tôi thì lại quá đảm đang. Ngày tết nhà đồng nghiệp nào muốn nấu món gì chỉ việc chạy ra hỏi bạn. Chế biến thế nào, cần loại gia vị gì, loại rau nào, loại thịt nào, củ ấy mua ở đâu bạn đọc vanh vách người kia chỉ việc lấy giấy ra ghi lại.

Kể chuyện bạn tôi ở đây để nhớ về những người phụ nữ miền bắc xung quanh tôi. Phụ nữ ngày nay bận rộn với công việc công sở, với những chuyến công tác trong nước ngoài nước, với các buổi hẹn hò café ngắm người qua lại trên phố, không phải ai cũng chăm chút được từng bữa ăn nhỏ nhưng vẫn còn những người như bạn tôi, đặt những bữa cơm ngày tết vào danh sách những điều quan trọng dù quanh năm bận rộn đến cỡ nào.

Và họ cũng quan tâm đến mọi người trên cái trục đó, bằng cách chăm sóc mâm cơm ngày tết của gia đình nhau. Bởi vì mâm cơm cúng chiều 30, đêm Giao thừa, sáng mồng Một hay mâm cơm tất niên, mời khách đầu năm mới là phần quan trọng của cái tết miền bắc. Thức ăn có thể thay đổi nhưng sự thân thuộc và thương yêu thì có lẽ thời nào cũng cần thiết. Và điều đó hút con người ta dù ở đâu cũng gắng về bên nhau.

Hàng nghìn người Hà Nội tha hương như tôi, nếu mỗi lần về nhà bỗng dưng bối rối vì bị “khai thác thông tin” kiểu như cách anh lái xe taxi ở trên thì cũng vẫn nặng lòng khi ra đi vì những tình cảm quyến luyến bịn rịn như của gia đình, bạn bè. Cái khoảng không gian cá nhân của mình, vì thế cứ co vào giãn ra vừa hạnh phúc vừa mệt nhoài mỗi lần đi về giữa hai thành phố. Một là Nhà, nơi có tình yêu thương của cha mẹ, bà con, bạn bè chung thủy, một thời niên thiếu nhiều kỷ niệm… Một là nơi sống, làm việc, được thấy cuộc sống rộng hơn, bầu trời rộng hơn và được là mình nhiều hơn. Một là cảm xúc và mơ mộng, một là lý trí và thực tế. Một là sương giăng phố vắng, một là nắng gió xôn xao. Một là bún riêu cua ốc, một là hủ tiếu bún bò. Một là hoa đào năm ngoái, một lại là mai cúc chói chang… Cả trăm lần dân xa xứ ngay chính quê hương mình như tôi tự hỏi phải nghiêng về nơi nào? Thôi thì đành cứ yêu Hà Nội nhưng thích Sài Gòn.

Khách nước ngoài dạo quanh Hồ Gươm và hỏi chuyện người dân chiều 30 Tết 2016. Ảnh: HP

Nhưng trong yêu mà có nhiều điều không thích, và trong thích lại có những điều chưa thể thành yêu. Đó là cái tơ nhện «đầy ngang trái» của cuộc đời. Và vì cuộc đời thì phải có kịch tính nên vẫn còn biết bao người đang di cư từ Hà Nội vào Sài Gòn, trở thành người xa xứ ngay trên tổ quốc mình. Và cũng vì thế nên cuộc sống của họ mỗi ngày tiếp tục là một chuyến du ngoạn, khám phá, nhìn sâu hơn vào cách con người quanh mình sinh hoạt, tương tác và cân bằng.

Cuộc đời vì thế, đã trở nên nhiều sắc màu hơn khi người ta nhận ra còn nhiều cánh cổng biết bao sau cánh cổng trước sân ngôi nhà tuổi nhỏ nơi mỗi chúng ta thuộc về.


(*Nhại theo tên tập truyện ngắn của Raymond Carver “Mình nói gì khi mình nói chuyện tình” và Murakami “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”)

Đọc thêm:

– Nhớ Hà Nội, yêu Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới