Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thấy gì từ quảng cáo khuyến mãi của Petrolimex?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thấy gì từ quảng cáo khuyến mãi của Petrolimex?

Bùi Tâm An

(TBKTSG Online) – Tối hôm qua, 27-9, trên kênh thời sự 19 giờ của đài truyền hình quốc gia có một clip quảng cáo rất đáng chú ý. Đó là Petrolimex, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, khuyến mãi cho người tiêu dùng đến 400 đồng/lít xăng, dầu trong tháng 10. Sự kiện rất phổ biến trong kinh doanh nhưng khá hiếm hoi ở mặt hàng xăng dầu này cho thấy, biên lợi nhuận ngành xăng dầu đang cao như thế nào, hay nói cách khác, người tiêu dùng đang bị móc túi nhiều như thế nào.

Thấy gì từ quảng cáo khuyến mãi của Petrolimex?
Petrolimex thông báo giảm giá 300 đồng/lít các mặt hàng xăng dầu trong các ngày thứ Bảy của tháng 10. Ảnh: Minh Tâm

Chương trình khuyến mãi của Petrolimex cụ thể như sau: trong các ngày thứ Bảy của tháng 10, tất cả các mặt hàng xăng (A95, A92 hay E5) và dầu diesel đều được giảm giá 300 đồng/lít trên giá niêm yết.

Bên cạnh đó, những khách dùng thẻ Flexicard (thẻ đa năng do Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex, ngân hàng mà Petrolimex có cổ phần lớn, phát hành) để thanh toán sẽ được ưu đãi giảm giá 100 đồng/lít các mặt hàng xăng và dầu diesel so với giá bán lẻ niêm yết trong suốt tháng 10-2016. Chương trình được áp dụng tại tất cả các cửa hàng Petrolimex trên toàn quốc.

Theo Petrolimex, đây là chương trình nhằm tri ân khách hàng nhân dịp đơn vị này kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ 2). Chương trình được thực hiện theo các quy định về thương mại, khuyến mãi như Nghị định số 37/2006/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 07/2007/TTLT-BTM-BTC.

Việc Petrolimex khuyến mãi như nói ở trên, xét theo Luật Cạnh tranh, không hề vi phạm. Bởi lẽ, dù đơn vị này đang nắm giữ khoảng 50% thị phần trên thị trường xăng dầu nhưng việc khuyến mãi này không bị coi là lạm dụng hành vi thống lĩnh thị trường.

Tuy nhiên, sự kiện hiếm hoi ở lĩnh vực xăng dầu đã cho thấy, thực chất, người tiêu dùng đang bị móc túi nhiều như thế nào.

Tại sao lại thấy như vậy?

Bởi lẽ, cứ nhìn một cách đơn giản vào cơ cấu giá cơ sở (hình thành bởi giá nhập khẩu bình quân, thuế, phí… làm cơ sở định giá bán lẻ) thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ có một nguồn lợi duy nhất mà nhà nước dành cho khi kinh doanh mặt hàng đang được nhà nước định giá, đó là mức lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng.

Vì vậy, khi Petrolimex khuyến mãi giảm giá 300 đồng/lít trong các ngày thứ Bảy của tháng 10 và thêm 100 đồng cho những khách dùng thẻ ngân hàng PG tất cả các ngày trong tháng 10 thì có nghĩa là những ngày đó, Petrolimex kinh doanh không công, thậm chí lỗ! Và với một doanh nghiệp đang chiếm thị phần tới gần 50% thị trường, mức “lỗ” trong các ngày tri ân khách hàng sẽ là không nhỏ!

Vậy nhưng, thực tế đâu đơn giản như vậy.

Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có Petrolimex, hiện lại đang lãi lớn nhờ cơ chế chứ không chỉ được 300 đồng/lít xăng như giá cơ sở quy định.

Lãi lớn là vì gần hai năm nay, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu giữa các thị trường chênh lệch rất lớn.

Ở thời điểm hiện tại, xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc chịu thuế ưu đãi đặc biệt 5% theo hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký trong khi từ các thị trường khác là 20% (gọi là thuế nhập khẩu ưu đãi – MFN).

Còn thuế nhập khẩu dầu diesel từ các nước Đông Nam Á là 0% trong khi các thị trường khác là 7% và Hàn Quốc là 5%.

Và lẽ đương nhiên là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã chuyển dịch cơ cấu nhập khẩu sang các thị trường chịu thuế thấp. Như một doanh nghiệp đầu mối chia sẻ, ở thời điểm hiện tại, 70% lượng hàng nhập khẩu của họ có xuất xứ từ Hàn Quốc, thị trường có thuế nhập khẩu xăng, dầu 5%.

Vấn đề là, thuế nhập khẩu giữa các thị trường thì rất khác nhau nhưng một thời gian dài, Bộ Tài chính quy định thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở là thuế MFN. Trong đó, xăng là 20%; dầu là 7%.

Sau những phản ứng gay gắt của dư luận, Bộ Tài chính đã có phương án “chữa cháy” là thuế nhập khẩu được tính theo phương pháp bình quân gia quyền (tính bình quân theo sản lượng thực nhập từ nhiều thị trường có mức thuế khác nhau). Thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở nhờ vậy đã giảm từ 20% xuống 18,8% rồi 15,74% (ở mặt hàng xăng) còn dầu diesel thì ở quanh mức 2-3%.

Thuế nhập khẩu đúng là được giảm đôi chút nhưng đâu nhằm nhò gì với thực tế ở doanh nghiệp.

Như tại các doanh nghiệp nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc kể trên thì giá cơ sở của những lô hàng thuế bằng 0% này chỉ khoảng 15.000 đồng/lít (tính theo giá bình quân 54,47% đô la Mỹ/thùng) nhưng họ được bán ra với mức 16.030 đồng/lít và còn được sử dụng quỹ bình ổn giá 300 đồng/lít như điều hành của cơ quan chức năng ở thời điểm 5-9.

Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu vì thế mà khởi sắc hẳn. Báo cáo tài chính của Petrolimex suốt từ năm 2015 đến nay đều ghi nhận số lãi cao hàng ngàn tỉ đồng mỗi quí  và được lý giải là nhờ cơ chế, lãi gộp trên từng lít xăng dầu tăng. Có doanh nghiệp còn báo cáo rõ đã lãi gần 200 tỉ đồng nhờ chênh lệch thuế như đã nói ở trên.

Cũng cần nhắc thêm một chi tiết rằng, giá mà cơ quan điều hành (liên bộ Công Thương – Tài chính) đưa ra mỗi 15 ngày là giá bán lẻ tối đa và các doanh nghiệp có quyền bán thấp hơn giá này, tùy vào tình hình sản xuất kinh doanh.

Vậy nhưng, chưa bao giờ thấy doanh nghiệp nào bán thấp hơn giá mà cơ quan chức năng đưa ra.

Lãi lớn nên trên thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối không “ngại” vung tay chiết khấu từ 1.000 – 1.200 đồng/lít xăng, dầu cho đại lý, cao hơn con số quy định của cơ quan chức năng. Các đại lý "ấm" hẳn, không thấy kêu ca như hồi chiết khấu còn 500 – 700 đồng/lít dạo nào.

Chỉ có người tiêu dùng là chịu hết mọi thiệt thòi.

Vì vậy, chuyện được khuyến mãi 300 đồng/lít như quảng cáo, suy cho cùng, cũng chẳng sung sướng gì, chỉ là nhận lại một phần những gì đáng ra được hưởng mà thôi!

Xem thêm:

Nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc vượt 1 triệu tấn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới