Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhà máy giấy Đại Dương gây ô nhiễm, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà máy giấy Đại Dương gây ô nhiễm, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Trung Chánh

Nhà máy giấy Đại Dương gây ô nhiễm, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Người phê duyệt dự án sẽ chịu trách nhiệm chính nếu nhà máy giấy Đại Dương xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường. Trong ảnh là một bể xử lý thải (ảnh minh họa). Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG Online) – Trong trường hợp nhà máy giấy Đại Dương (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) được thông qua và nếu để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường, thì người phê duyệt sẽ chịu trách nhiệm chính trước sự cố đó.

Bà Nguyễn Hồng Thủy, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh Tiền Giang đã khẳng định như vậy tại buổi họp báo “Thông tin về tình hình kinh tế-xã hội năm 2016; định hướng, nhiệm vụ năm 2017” được tổ chức ở địa phương này vào hôm nay, 23-1, khi TBKTSG Online đặt vấn đề trách nhiệm, nếu nhà máy giấy Đại Dương xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường.

Theo bà Thủy, ai là người đặt bút ký thông qua thực hiện dự án nhà máy giấy Đại Dương thì phải chịu trách nhiệm chính, nếu xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường. “Còn mức độ xự lý hành chính hay thậm chí hình sự thì tùy theo mức độ vi phạm”, bà cho biết.

Ngoài ra, các sở, ngành có liên quan đến quá trình tham mưu thực hiện dự án trên cũng sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm, chứ không phải chỉ riêng Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, để nhà máy giấy Đại Dương có thể đi vào hoạt động, phải đáp ứng hai vấn đề về khai thác nguồn nước và đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Cụ thể, về khai thác, sử dụng nguồn nước, hiện nay các sở ngành có liên quan cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Tiền Giang đang phối hợp với Viện Thiết kế quy hoạch TPHCM đánh giá khả năng khai thác nước mặt của dự án. “Để đánh giá khả năng này, phía Nhà nước chỉ làm bước đầu, còn công ty (nhà máy giấy Đại Dương) phải lập dự án khai thác nước mặt nộp về Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định, xem xét”, bà Thủy cho biết.

Theo bà Thủy, trong trường hợp nước mặt không đủ và phải sử dụng nước ngầm, cũng phải đánh giá độ sụt giảm nguồn nước, rồi khả năng xâm nhập ranh mặn… “Đây là những vấn đề đòi hỏi phải có những nhà khoa học tham gia để nghiên cứu, đánh giá và nếu đáp ứng thì mới phê duyệt”, bà cho biết.

Còn về ĐTM, phải xem xét rất nhiều khía cạnh có tác động do nhà máy giấy Đại Dương gây ra, bao gồm cả đánh giá khả năng tác động trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường cũng như các giải pháp để thực hiện. “Hội đồng thẩm định ĐTM gồm các sở ngành tỉnh và các chuyên gia, nhà khoa học. Đặc biệt, phải đảm bảo các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường thì mới được thông qua”, bà Thủy cho biết.

Liên quan đến dự án này, trao đổi với TBKTSG Online, PGS.TS Lê Trình, Phó chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam đã đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang thu hồi dự án này.

Lý do được ông Trình đưa ra cho đề nghị trên, bởi nước thải của dự án giấy chứa thành phần ô nhiễm rất nguy hại đối với sức khỏe, cấp nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản. “Ngoài những ô nhiễm thông thường (độ đục, chất hữu cơ…), nước thải công nghiệp giấy còn có thể chứa các hợp chất clo hữu cơ bền vững có độc tính cao. Nếu dùng clo để tẩy trắng giấy, có thể tạo ra các dioxin – hóa chất có khả năng gây dị dạng, quái thai, ung thư. Dù có hàm lượng nhỏ, nhưng với độ bền cao trong môi trường, chúng sẽ ảnh hưởng lớn đến con người, thủy sản”, ông Trình cho biết.

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, vào ngày 15-3-2016, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư số 4388855258 cho Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương (100% vốn Đài Loan) với tổng vốn đầu tư là 220 triệu đô la Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới