Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bạn hiểu gì về thế hệ Y?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bạn hiểu gì về thế hệ Y?

Đức Tâm

(TBKTSG Online) – Ba năm nữa, thế hệ Y, những người sinh trong giai đoạn 1986-2000, sẽ là thành phần lớn nhất, 43,4% trong tổng lực lượng lao động tại Việt Nam (1). Doanh nghiệp cần hiểu họ để phát triển họ trong quá trình phát triển chính doanh nghiệp.

Bạn hiểu gì về thế hệ Y?
Bà Thanh Nguyễn (trái) và bà Hồng Nhung chia sẻ về sự khác biệt giữa hai thế hệ X và Y tại hội thảo. Ảnh: ĐT

Mỗi thế hệ, sinh ra và trưởng thành trong mỗi giai đoạn khác nhau luôn có những góc nhìn, quan niệm sống và làm việc khác nhau. Điều này hiển nhiên. Và về tổng quan, ai cũng hiểu nhưng đi vào chi tiết, họ khác nhau ra sao và điều này ảnh hưởng đến cách vận hành của doanh nghiệp như thế nào?

Là giám đốc nhân sự tại công ty, những người đa phần thuộc thế hệ X, sinh trong khoảng thời gian 1970-1985, bạn tin rằng bạn hiểu thế hệ Y? Tại hội thảo "Công bố 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam" diễn ra ngày 22-3, khi được hỏi như vậy, nhiều giám đốc nhân sự tự tin giơ tay. 5 trong số họ được mời tham dự trò chơi để kiểm tra xem họ thật sự hiểu thế hệ Y như thế nào.

Câu hỏi đầu tiên, YOLO là gì? Không ai đưa ra câu trả lời chính xác. Đáp án: YOLO là viết tắt của cụm từ: You only live once, tạm dịch: Bạn chỉ sống một lần trong đời. Các câu hỏi tiếp theo như ATSM, viết tắt của cụm từ: Ảo tưởng sức mạnh; Apple Pen, chỉ cho tên một bài hát được lan truyền trong giới trẻ; 500 anh em, chỉ cho việc kêu gọi bạn bè trên Facebook… lần lượt được đưa ra. Có câu người chơi trả lời được, có câu không.

Kết quả, những người tự tin rằng họ hiểu thế hệ Y chỉ trả lời được 3 trên 10 câu hỏi. Rõ ràng, đã có người thuộc thế hệ X không bắt kịp ngôn ngữ mà thế hệ Y sử dụng. Không chỉ qua trò chơi ngôn ngữ, thực tế cũng cho thấy có nhiều sự khác biệt trong cách suy nghĩ và hành động giữa thế hệ X và Y trong công việc.

Một ví dụ cụ thể được bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam, đưa ra như sau: Trong một cuộc, khi có nhiều người thuộc thế hệ X, gần như mọi người rất ngại phát biểu. Ngược lại, khi có nhiều người thuộc thế hệ Y, không cần nhắc mọi người vẫn chủ động xung phong bày tỏ ý kiến. Vì hai thế hệ khác biệt như vậy, nên khi phụ trách một cuộc họp, tôi luôn quan sát để có sự điều chỉnh phù hợp, bà Vân chia sẻ.

Một cách tổng quát, theo trình bày của Thanh Nguyễn – Giám đốc Công ty chuyên về nhân sự Anphabe và bà Hồng Nhung, phụ trách lĩnh vực nghiên cứu thị trường thuộc Công ty Nielsen Việt Nam, về kiến thức và kỹ năng, nếu thế X quan niệm "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" thì thế hệ Y thích việc gì cũng biết, ngại gì không thử; về triết lý làm việc, thế X thường thích sự ổn định thì thế hệ Y lại dịch chuyển nhiều hơn. Thời gian lý tưởng để làm việc tại một công ty, theo suy nghĩ của thế hệ X là 5 năm thì thế hệ Y là 3 năm.

Triết lý làm việc khác nhau giữa 2 thế hệ X và Y. Ảnh chụp lại từ bài trình bày ở hội thảo.

Trong quan niệm về nghề nghiệp, trong khi thế hệ X thiên về làm để kiếm tiền và tiết kiệm phòng khi khó khăn, công việc dù thích hay không thích vẫn làm thì thế hệ X làm ra tiền là để tiêu và tiêu tiền để tiếp tục làm ra tiền; còn với công việc, thích thì làm, không thì thôi. Với người sếp, thế hệ Y thích "làm việc với" (work with) chứ không phải thích "làm việc cho" (work for); họ xem và thích người sếp cư xử như bạn bè chứ không như thế hệ Y, người sếp được xem như anh hùng.

Sự khác biệt giữa thế hệ X và Y khi nhìn nhận về nghề nghiệp. Ảnh chụp lại từ bài trình bày tại hội thảo.

Đối với khái niệm cân bằng cuộc sống và công việc, giữa hai thế hệ cũng có cái nhìn khác nhau. Kết quả khảo sát mà Anphabe phối hợp cùng Nielsen thực hiện chỉ ra rằng, với thế hệ X, cân bằng nghĩa là có đủ thời gian ngoài công việc để lo cho cuộc sống cá nhân. Trong suy nghĩ của thế hệ X, công việc và cuộc sống gần như độc lập với nhau. Thế hệ Y thì khác. Với họ, cuộc sống và công việc có mối quan hệ mật thiết và sẽ không có sự cân bằng trong công việc và cuộc sống nếu như họ không tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong công việc họ làm.

Hiểu được những sự khác biệt nêu trên, người làm công tác quản lý nhân sự có thể đưa ra những điều chỉnh thích hợp để giúp phát triển nhân viên thế hệ Y và tăng sự gắn kết của họ với công ty.

Để hiểu thế hệ Y, bà Thanh Nguyễn chia sẻ công thức ngắn gọn ABC. Với A = awareness, tức nhận thức, tôn trọng sự khác biệt và thấu hiểu nguyên nhân tạo ra sự khác biệt. B = be their friend, tức hãy làm bạn cùng họ. Chữ C là viết gọn lại của 3 chữ C khác nhau, gồm coaching – huấn luyện, customization – tùy biến theo yêu cầu và communication – tương tác, truyền thông.

Cần lưu ý, thế hệ Y cũng chỉ là một cách gọi tương đối. Những nhận định trên chỉ những xu hướng rút ra từ khảo sát. Kết quả không chắc đúng với một người và mọi trường hợp. Tuy vậy, thông điệp về nhận thức và sự quan tâm vẫn rất quan trọng. Khi doanh nghiệp có đủ sự quan tâm và quý trọng những nhân tài trẻ, họ sẽ nhận ra sự khác biệt, tôn trọng sự khác biệt và biết cách giúp người trẻ phát triển cũng như gắn kết với tổ chức.

 

Số liệu lực lượng lao động Việt Nam theo phần trình bày của Anphabe. Ảnh: Anphabe.

(1) Theo số liệu Anphabe trình bày tại hội thảo, năm 2016, lực lượng lao động Việt Nam có 53,1 triệu người. Trong đó, thế hệ Baby boomer, chỉ những người sinh trong giai đoạn 1950 -1969, có 8,9 triệu; thế hệ X: 22,5 triệu và thế hệ Y: 21,7 triệu.

Đến năm 2020, lực lượng lao động Việt Nam có 59 triệu lao động. Trong đó, số lượng lao động tại từng thế hệ Baby boomer, X, Y, Z (những người sinh sau năm 2000) lần lượt là: 7,9 triệu; 22,5 triệu; 25,6 triệu và 3 triệu người.

Mời xem thêm:

Công bố 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam

Uber và nền kinh tế thuê, nhờ, sẻ chia…

Người Việt ưa thích nhà hàng, quán cà phê tầm trung

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới