Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính sách BHXH của Việt Nam hào phóng nhất thế giới?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính sách BHXH của Việt Nam hào phóng nhất thế giới?

Trúc Diễm

Chính sách BHXH của Việt Nam hào phóng nhất thế giới?
Tăng mức đóng BHXH lên thì doanh nghiệp không chịu nổi. Đây là bài toán khó đối với việc cân đối quỹ BHXH trong dài hạn. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Dù chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là thuộc nhóm “hào phóng” nhất thế giới, nhưng tới nay tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội trên cả nước mới chỉ đạt khoảng 24%.

Phát biểu tại hội thảo quốc tế về mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho Việt Nam diễn ra ngày 29-3 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, để tăng diện bao phủ thì điều quan trọng là phải tăng cường giám sát việc tuân thủ đóng BHXH của các doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Doãn Mậu Diệp, Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Nhưng đến hết năm 2016 mới chỉ có khoảng 23,9% lực lượng lao động tham gia BHXH.

Dù đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng tốc độ tăng số người tham gia BHXH trong những năm gần đây rất thấp. Theo ông, để đạt được mục tiêu tăng từ 13 triệu lao động hiện nay lên 30 triệu lao động vào năm 2020 là một chặng đường rất dài và gian nan.

Bên cạnh tốc độ tham gia BHXH tăng chậm, quỹ BHXH còn có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn.

Theo ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH), tuổi nghỉ hưu của Việt Nam hiện nay sớm (60 với nam và 55 với nữ), trong khi già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Tuổi thọ ngày càng tăng sẽ là gánh nặng lớn cho quỹ BHXH.

Tuổi hưu trung bình là 54,2 tuổi trong khi tuổi thọ bình quân của người nghỉ hưu kỳ vọng là 79,5 tuổi, tính trung bình thời gian hưởng BHXH tới 25,3 năm.

“Tiền đóng BHXH trong 28 năm chỉ đủ trả trong vòng 10 năm. Vậy ai sẽ chịu gánh nặng khi thời gian hưởng trung bình là 25,3 năm”, ông Giang nói. Theo ông, việc cân bằng quỹ đòi hỏi phải giảm tỷ lệ hưởng, tăng mức đóng và kéo dài thời gian lao động. Còn nếu giả định hệ thống hưu trí vẫn vận hành như hiện nay, thì đến năm 2020 sẽ chỉ có sáu người đóng cho một người hưởng, trong khi mức này ở năm 2000 là 34 người đóng cho một người hưởng. Nguy cơ mất cân bằng quỹ là rất lớn.

Nhưng sẽ phải thay đổi bằng cách nào khi hiện nay mức lương hưu trung bình rất thấp, chỉ khoảng 180 đô la Mỹ/tháng (khoảng 4 triệu đồng), trong khi nếu tăng mức đóng lên thì doanh nghiệp không chịu nổi. Đây là bài toán khó đối với việc cân đối quỹ trong dài hạn.

Tại hội thảo, ông Michael Cichon, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho hay hệ thống BHXH của Việt Nam quá hào phóng so với các nước trên thế giới. Theo quy định, cả người lao động và doanh nghiệp đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất 22% trong vòng 28 năm thì được hưởng lương hưu xấp xỉ 70% trong vòng 25 năm. Trong khi đó, Luxembourg là nước nổi tiếng có chế độ hưu trí hào phóng nhưng tỷ lệ hưởng của họ lại ít hơn và thời gian làm việc nhiều hơn của Việt Nam.

Do đó, ông Michael Cichon đề xuất thay đổi hệ thống BHXH dựa vào bốn yếu tố then chốt là: tăng tỷ lệ đóng, giảm tỷ lệ hưởng, giảm mức lương hưu xuống theo tỷ lệ người đóng và kết hợp nhiều giải pháp khác.

“Hệ thống lương hưu rất quan trọng. Nếu không có tham số phù hợp trong hôm nay thì sẽ không thể sửa được trong tương lai, và những thay đổi hôm nay có thể sẽ có tác động trong thời gian 30-50 năm sau đó”, ông Michael Cichon nói.

Ngoài ra, để mở rộng đối tượng tham gia BHXH, ông Michael Cichon cho rằng thay vì tập trung đưa ra các giải pháp thu hút các đối tượng lao động thuộc khu vực chính thức, Chính phủ cần đầu tư vào khâu thực thi để mở rộng đối tượng tham gia thông qua việc kết hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan BHXH.

Theo đại diện Tổng liên đoàn Lao động, hiện nay một số doanh nghiệp vẫn có hai hệ thống sổ sách, một cho cơ quan BHXH và một cho cơ quan thuế. Ví dụ, với cơ quan BHXH thì doanh nghiệp chỉ đóng trên mức 4 triệu đồng cho người lao động, nhưng với cơ quan thuế thì doanh nghiệp lại kê lên thành 6 triệu đồng. Hơn nữa, việc doanh nghiệp kê khai bao nhiêu lao động trong doanh nghiệp thì cơ quan BHXH không kiểm soát được, số lao động dôi dư được doanh nghiệp tính vào lao động thời vụ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho hay để khắc phục tình trạng trên, ngành BHXH đã chia sẻ thông tin với cơ quan thuế hàng tháng. Năm 2017, BHXH đã phối hợp với cơ quan thuế để thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, do đó đã mở rộng hơn 40.000 doanh nghiệp thuộc diện tham gia. Năm 2017, BHXH sẽ thanh kiểm tra khoảng 50% doanh nghiệp và năm 2018 sẽ thanh tra 100% doanh nghiệp trên cả nước.

Kết thúc hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc làm hiện nay là phải thống kê lại số người tham gia BHXH để đưa ra được con số chính xác, theo tiêu chuẩn quốc tế. Hơn nữa, cần phải kiểm tra để chấm dứt tình trạng hai sổ sách của doanh nghiệp như hiện nay. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cần phải thay đổi hoạt động, cần phải coi người tham gia BHXH là khách hàng để phục vụ tốt hơn.

Mời đọc thêm:

Doanh nghiệp với mối lo phí bảo hiểm xã hội

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới