Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường lúa gạo thế giới có gì mới?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường lúa gạo thế giới có gì mới?

GS.TS Võ Tòng Xuân

Thị trường lúa gạo thế giới có gì mới?
Hội nghị quốc tế về thương mại gạo thế giới lần 9. Ảnh: Võ Tòng Xuân

(TBKTSG Online) – Hàng năm, cứ đến quãng thời gian thu hoạch lúa ở châu Á thì Hội nghị quốc tế về Thương mại gạo do tạp chí The Rice Trader (TRT) của Mỹ lại được tổ chức. Tôi xin ghi lại những nhận định về thị trường đã lĩnh hội được từ các nhà lãnh đạo và kết quả cuộc thi gạo ngon quốc tế tại hội nghị lần thứ 9 vừa được tổ chức ở Ma Cao (Trung Quốc) tuần rồi.

Các nước xuất khẩu nâng cao chất lượng

Thái Lan trong năm nay đã xuất khẩu 10 triệu tấn gạo với giá tương đối thấp. Hiện chính phủ nước này đang có chủ trương siết chặt thị trường nhằm nâng giá gạo, đồng thời, hồi phục các giống lúa cổ truyền có thương hiệu danh tiếng và các giống lúa chất lượng cao.

Việt Nam dự kiến xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo trong năm 2017. Trong năm nay, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hơn về thương hiệu gạo đặc sản, sử dụng những giống lúa mới nhất từ Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm Giống Miền Nam, Nhóm nghiên cứu giống lúa Sóc Trăng. Đặc biệt, hiện đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển được giống lúa ST24 ngắn ngày, có năng suất trên 5 tấn/hecta và mùi thơm hương dứa.

Ấn Độ xuất khẩu khoảng 11 triệu tấn gạo trong năm nay, tiếp tục vượt Thái Lan, dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Chất lượng gạo ở nước này ở mức trung bình, với các loại gạo đồ, gạo Basmati.

Myanmar được hưởng chế độ tối huệ quốc nên không gặp rào cản nào trong xuất khẩu. Nước này chỉ cần đầu tư kỹ thuật và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đẩy mạnh nghiên cứu thì sẽ lấy lại vị trí xuất khẩu trước chiến tranh, mở rộng thị trường đến các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, EU… Tuy nhiên, khó khăn trước mắt là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển lúa. Ngành nông nghiệp đang được đầu tư mạnh với sự trợ giúp của Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ, Anh, Đức… Tuy nhiên, tiến bộ xem ra còn rất chậm vì hệ thống khuyến nông còn yếu, hệ thống thủy lợi chưa được ưu tiên chú trọng.

Pakistan năm nay chỉ xuất khẩu được khoảng 3,6 triệu tấn gạo, ít hơn 0,4 triệu tấn so với năm 2016 vì thời tiết bất lợi. Năm 2018 nước này có thể phải đối mặt với những bất lợi như được mùa hơn nhưng giá gạo sẽ sụt giảm mạnh hơn, Trung Quốc có thể giảm nhập khẩu, và các nhà nhập khẩu lớn cũng sẽ giảm lượng nhập. Nhưng bù lại, nước này có thêm khách hàng Sri Lanka và Bangladesh. Một số công ty xuất khẩu đang để neo lúa chờ giá lên, một số khác đi xa hơn để tìm thêm khách hàng mới.

Nhu cầu nhập khẩu gạo tiếp tục tăng

Trung Quốc năm 2017 nhập 5,35 triệu tấn gạo các loại và xuất 1 triệu tấn gạo đặc sản. Chính phủ nước này đang đẩy mạnh chương trình giảm nghèo cho 1,4 triệu người/năm bằng cách đẩy mạnh nông nghiệp nông thôn, tài trợ cho nông dân nghèo. Tuy nhiên, lượng lương thực sản xuất nội địa vẫn không đủ nên Trung Quốc vẫn phải nhập gạo ngon, hạt dài từ Việt Nam và Thái Lan qua tiểu ngạch.

Hiện gạo trắng 5% tấm của Việt Nam rẻ hơn gạo nội địa của Trung Quốc. Quốc gia này đang tiến tới chính sách mới là giao thương theo đường chính ngạch thay vì tiểu ngạch.

Philippines luôn bị thách thức bởi bão lụt với trung bình 20 cơn bão mỗi năm, nên khó có thể tự túc lương thực. Năm 2017, chính phủ nước này đã cho phép các công ty tư nhân kinh doanh gạo tự do nhập khẩu, không còn phụ thuộc vào Cơ quan lương thực quốc gia. Hiện nay số cửa hàng bán gạo trên toàn quốc đã tăng lên 71.000. Họ sẽ đi săn lùng gạo rẻ để nhập khẩu.

Iraq hiện không thể sản xuất đủ lương thực để nuôi 21 triệu dân do chính trị và an ninh bất ổn. Tuy nhiên, chính phủ Iraq đã ký biên bản ghi nhớ với các công ty lương thực của Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan nhằm cung cấp khoảng 1,050 triệu tấn gạo hạt dài cho nước này mỗi năm. Hiện nước này đang muốn ký thêm nhiều biên bản ghi nhớ với các nước khác.

Indonesia: để thỏa mãn nhu cầu 114 kg gạo/người/năm, chính phủ đã có lộ trình phát triển nông nghiệp 2015-2045, có chính sách mua lúa theo giá khuyến khích cho nông dân. Tuy nhiên, mỗi người dân chỉ có bình quân 0,5 hecta đất canh tác được, lại luôn bị thiên tai như hạn hán, ngập lụt, rầy nâu.

Trong năm tới, nếu gặp thời tiết thuận lợi thì Indonesia có thể sản xuất đủ lượng lúa như năm 2017, đạt khoảng 80 triệu tấn thì có thể giảm nhập khẩu.

Châu Phi đang có khuynh hướng chuyển sang ăn cơm thay cho bắp khi giá bắp thế giới tăng vọt từ 84 đô la Mỹ/tấn lên trên 200 đô la/tấn trong một thập kỷ qua. Trong đó, vùng Tây Phi hàng năm cần nhập khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo. Mỗi năm, vùng Hạ Sahara đòi hỏi có lượng lớn lúa gạo để thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng 7%.

Nhóm 12 nước khác của vùng hạ Sahara cần nhập 4,2 triệu tấn gạo/năm. Như thế gần như tất cả các quốc gia châu Phi đều không thể tự túc lương thực, cần nhập khẩu gạo hàng năm.

Gần đây, các nước Tây Phi đã ban hành chính sách lương thực mới tập trung vào thuế nhập khẩu và chất lượng gạo; khuyến khích doanh nghiệp lớn vào đầu tư kinh doanh gạo nội địa bằng cách hợp đồng nông dân sản xuất lúa; quan tâm ưu tiên những dự án cho tuyển dụng thanh niên nông thôn tham gia (có thể tranh thủ kinh phí Chương trình 350 triệu việc làm của Liên Hiệp Quốc đến năm 2030).

 Châu Âu có những tiêu chuẩn chọn lựa về chất lượng gạo theo tập quán ăn cơm và không ăn cơm. Khuynh hướng thích chọn các loại gạo đặc biệt ngày càng tăng nhanh, đặc biệt là gạo hữu cơ.

Từ đó, khối EU sẽ thay đổi chính sách nông nghiệp chung, áp dụng nhiều mức thuế đối với sản phẩm lúa gạo, miễn thuế đối với gạo Basmati, kiểm soát chặt chẽ đối với những tiêu chuẩn liên quan sức khỏe.

Gạo Việt Nam được điểm danh gạo ngon thế giới

Tổ chức TRT hàng năm kêu gọi các quốc gia xuất khẩu gạo giới thiệu gạo ngon nhất của mình cho hội nghị chọn vinh danh. Năm nay có 21 mẫu gạo đăng ký bởi 7 quốc gia  là Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Hoa Kỳ, Pakistan, Sri Lanka và Myanmar.

Ban Giám khảo gồm các đầu bếp danh tiếng của khách sạn lớn ở Ma Cao đã ra chọn ba giống gạo từ Thái Lan, Việt Nam và Campuchia để vinh danh. Giống Hom Mali truyền thống Thái Lan được phục hồi danh tiếng “Gạo Ngon Nhất Thế giới” sau 3 năm vắng bóng. Giống ST24 của Việt Nam và giống CRF-P-04 của Campuchia được xếp ở vị trí “Á hậu”.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới