Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bài toán xử lý chất thải rắn ở Việt Nam: Có đang giải đúng quy trình?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bài toán xử lý chất thải rắn ở Việt Nam: Có đang giải đúng quy trình?

Lê Trung Hiếu

Bài toán xử lý chất thải rắn ở Việt Nam: Có đang giải đúng quy trình?
Rác tại hầm chui Tân Tạo, quốc lộ 1A, quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: Thành Hoa

(TBKTSG) – Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng chất thải rắn của Việt Nam vào khoảng 12,8 triệu tấn/năm – trong đó khu vực đô thị là 6,9 triệu tấn/năm – được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp (Hà Nội 95%, TPHCM 76%).

Nhiều địa phương đang nỗ lực tìm kiếm một công nghệ hiện đại nhằm tháo gỡ tình trạng khó khăn trong xử lý rác hiện nay. Việc tìm kiếm giải pháp như thế có vẻ như đang giải quyết vấn đề từ ngọn.

Khi chôn lấp là phổ biến

Năm 2016, nhiều cư dân khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TPHCM đã không chịu nổi với mùi hôi thối thổi vào các căn hộ của mình. Có cư dân đã phải lắp thêm tấm than hoạt tính vào các cửa sổ, máy lạnh hòng lọc mùi thối chui vào nhà. Hàng loạt cư dân đòi điều tra, xử lý nguồn hôi thối. Cuối cùng, “thủ phạm” được cho là từ một công ty xử lý rác gần đó.

Mới tháng 7 rồi, nhiều cư dân xã Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) đã phong tỏa, chặn xe chở rác vào khu liên hiệp xử lý chất thải do cho rằng nhà máy làm ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 700 hộ dân khu vực này.

Tại Hội An, năm 2011, Nhà máy xử lý rác Hội An đã được khánh thành và đưa vào hoạt động theo phương pháp xử lý vi sinh làm phân bón (compost). Tuy nhiên, đến năm 2013, Phó giám đốc nhà máy Lê Thị Bích Thủy đã buồn bã cho biết lượng phân sản xuất ra không tiêu thụ được do còn lẫn nhiều tạp chất, không đáp ứng được thị trường và ảnh hưởng môi trường.

Đây chỉ là một vài thực trạng tiêu biểu trong khoảng 35 nhà máy xử lý chất thải rắn trên cả nước, chưa kể khoảng 50 lò đốt cỡ nhỏ với công suất khoảng 500 kí lô gam/giờ. Việt Nam vẫn chưa tìm ra và xác định được một công nghệ xử lý rác tối ưu, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.

Công nghệ xử lý không cần phân loại có là tối ưu?

Tháng 2-2017, TPHCM đã chấp nhận chủ trương xây dựng nhà máy khí hóa chất thải bằng công nghệ plasma của Trisun Green Energy Corporation (Úc). Đây là dự án lớn nhất về xử lý rác tại Việt Nam bằng công nghệ plasma với tổng vốn đầu tư hơn 520 triệu đô la Mỹ và đơn giá xử lý rác sinh hoạt là 20,628 đô la Mỹ/tấn. Theo nhiều nhà khoa học, chuyên gia thì đây là công nghệ hiện đại, có thể đảm bảo được các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường của một dự án xử lý rác.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ thì đến thời điểm hiện nay, chưa có quốc gia nào áp dụng công nghệ plasma cho xử lý rác sinh hoạt bởi giá thành cao. Đồng thời, công nghệ này chỉ áp dụng cho xử lý các chất thải độc và cực độc (các chất từ vũ khí hóa học, các đầu đạn bẩn, chất thải phóng xạ…). Chia sẻ về vấn đề này, kỹ sư Nguyễn Thị Mỹ (Việt kiều Úc), người vẫn luôn giữ quan điểm quy trình xử lý rác của Việt Nam phải bắt đầu từ việc phân loại đầu nguồn cho biết tại hội nghị về xử lý rác ở Hàn Quốc, nhiều người tham dự đã chỉ ra sự bất cập về giá thành xử lý rác của công nghệ plasma, ngoài một lượng điện năng nhất định, các loại rác sau khi được đốt bằng công nghệ này chẳng để lại một thứ gì có thể sử dụng được.

Với dự án nhắc đến ở trên, ngoài chuyện đơn giá khá cao, thì nguy cơ “đói rác” là thấy được khi công suất nhà máy 5.000 tấn/ngày (rác sinh hoạt, chất thải công nghiệp, nguy hại và bùn thải) trong khi tổng lượng rác hiện nay của TPHCM khoảng 8.300 tấn/ngày và tổng công suất các nhà máy xử lý rác đang và sẽ vận hành tại thành phố đã vào khoảng 11.000 tấn/ngày (VW 5.500 tấn, Vietstar Lemna 1.500 tấn, Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Tây Bắc 2.200 tấn, Tâm Sinh Nghĩa 1.300 tấn, Môi trường đô thị 500 tấn).

Điều nghịch lý tại Việt Nam hiện nay, trong khi xã hội càng phát triển, căn nhà của người dân ngày càng sạch, tiện nghi và đẳng cấp thì đường phố lại càng nhếch nhác, rác rưởi nhiều hơn. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm chưa phải là xây dựng những nhà máy xử lý rác thải khổng lồ mà chính là giáo dục, đưa văn minh về bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề rác thải vào trong tư duy của mọi người dân.

Giải pháp phải từ nguồn

Điều nghịch lý tại Việt Nam hiện nay, trong khi xã hội càng phát triển, căn nhà của người dân ngày càng sạch, tiện nghi và đẳng cấp thì đường phố lại càng nhếch nhác, rác rưởi nhiều hơn. Tìm kiếm công nghệ hiện đại để xử lý chất thải rắn là một nhu cầu cần thiết trong bối cảnh rác thải sinh hoạt đang xâm chiếm, phá hoại môi trường sống của người dân từ vùng quê xa xôi đến các đô thị. Tuy nhiên các giải pháp công nghệ tiên tiến chỉ góp phần vào khâu cuối cùng của quy trình quản lý, thu gom và xử lý chất thải chứ không thể thay đổi nhận thức, tư duy và trách nhiệm của người dân với rác thải. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm chưa phải là xây dựng những nhà máy xử lý rác thải khổng lồ mà chính là giáo dục, đưa văn minh về bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề rác thải vào trong tư duy của mọi người dân.

Tiếp đó, một vấn đề cũng rất quan trọng nữa mà thành phố cần gấp rút triển khai, đó là việc phân loại rác từ đầu nguồn. Vào những năm 1990 đề án phân loại rác từ đầu nguồn đã được người đứng đầu thành phố nhiệt tình ủng hộ và được triển khai thí điểm tại một số quận. Tuy nhiên, chương trình này không hiệu quả, trong đó có lý do người dân phân loại rác nhưng cuối cùng xe thu gom lại không có hệ thống phân loại. Mới đây, thành phố đã đánh giá lại và quyết tâm mở rộng triển khai chương trình này. Theo một số chuyên gia, việc phân loại rác từ đầu nguồn là bắt buộc tại các nước tiên tiến. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân loại, thu gom, tái chế, xử lý rác mà còn rèn luyện ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Ở một số nước người ta quy định rất chặt về phân loại rác, trường hợp bị phát hiện có sự lẫn lộn rác vô cơ, hữu cơ trong các thùng rác gia đình, chủ hộ bị phạt rất nặng và số tiền này sẽ dùng để thưởng cho người phát hiện.

Đến thời điểm hiện nay, 63 tỉnh thành Việt Nam vẫn đang trên hành trình tìm kiếm công nghệ xử lý rác cho địa phương mình. Theo Bộ Xây dựng, có ba công nghệ xử lý rác được bộ này xác định suất đầu tư: công nghệ chế biến rác thành phân vi sinh, viên nhiên liệu và đốt. Do chưa được định hướng về công nghệ, tiêu chí đánh giá, lựa chọn nên mỗi địa phương tự tìm một công nghệ mà họ cho là phù hợp. Vì vậy, rủi ro sẽ rất lớn cho môi trường khi dự án đã triển khai nhưng lại không đảm bảo các tiêu chí. Vấn đề rác thải không còn là của riêng một địa phương nào, đó là vấn đề chung của cả 92 triệu dân nên rất cần một chiến lược tổng thể và được điều hành bởi một “tư lệnh” cho mặt trận này. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới