Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Siết chặt pháp lý, các nhà đầu tư bitcoin ứng phó ra sao?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Siết chặt pháp lý, các nhà đầu tư bitcoin ứng phó ra sao?

Thùy Dung

Siết chặt pháp lý, các nhà đầu tư bitcoin ứng phó ra sao?
Thanh toán hàng hoá bằng bitcoin là phạm pháp. Ảnh có tính chất minh họa. Ảnh: TBKTSG

(TBKTSG Online) – Không chỉ phạt hành chính, từ ngày 1-1-2018, các hành vi phát hành, cung ứng và thanh toán bằng bitcoin sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, các nhà đầu tư bitcoin cho rằng đây không phải là quy định mới và họ cũng không phạm pháp vì họ chủ yếu đầu tư chứ không nhằm mục đích thanh toán.

Xử lý hình sự nếu vi phạm

Khoảng cuối tháng 10-2017, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi cơ quan báo chí khảng định bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.

Nếu thanh toán mà không dùng tiền mặt, theo khoản 6 điều 4 Nghị định 101 năm 2012 quy định các phương tiện thanh toán gồm séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, các phương tiện thanh toán không hợp pháp là các thanh toán không thuộc những loại hình đã liệt kê ở trên.

Tiếp đến là chế tài xử phạt hành chính, khoản 6 Điều 27 Nghị định 96 năm 2014 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng quy định các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Đặc biệt, quy định mới nhất không chỉ phạt hành chính mà còn xử lý hình sự các hành vi trên. Cụ thể, từ ngày 1-1-2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Dân chơi bitcoin tìm cách lách luật

Trên các diễn đàn về bitcoin, dân đầu tư bitcoin đã chia sẻ những thông tin để làm sao không bị phạt khi sử dụng đồng tiền bitcoin. Nhiều ý kiến cho rằng, kể từ đầu năm 2018, nhà đầu tư không được phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin thay đồng Việt Nam để thanh toán hàng hoá. Nhưng những quy định này không cấm hoạt động mua, tích trữ, đầu tư.

Theo ông Nguyễn Việt Bách, đồng sáng lập sàn giao dịch bitcoin.vn, quy định mới cũng không ảnh hưởng gì tới hoạt động của sàn này cũng như tâm lý các nhà đầu tư đang giao dịch trên bitcoin.vn, những máy ATM bitcoin của bitcoin.vn vẫn hoạt động bình thường. “Để giao dịch trên sàn bitcoin.vn, các nhà đầu tư phải sử dụng tiền Việt Nam đồng để mua bitcoin và chúng tôi bán bitcoin như một loại hàng hóa để đầu tư và giá bitcoin đều niêm yết bằng Việt Nam đồng”, ông Bách nói.

Theo ông Bách, đây là quy định đúng vì mỗi quốc gia chỉ có một đồng tiền pháp định mà thôi. Tuy nhiên, giới kinh doanh tiền ảo mong muốn nhà nước có kế hoạch sớm xây dựng khung pháp lý để coi bitcoin như là một loại hàng hóa điện tử, hoặc một loại phái sinh của tài sản điện tử.

Anh Nguyễn Văn Hải (37 tuổi), một nhà đầu tư bitcoin số lượng lớn, sống tại Hoàng Mai, Hà Nội cho hay, trước đây một số trường học hay một số quán cà phê chấp nhận thanh toán bằng bitcoin nhưng đây chỉ là hình thức giao dịch chui, các giao dịch này rất "hên xui" và có thể bị phạt hành chính bất cứ lúc nào. Do đó, từ ngày 1-1-2018, dân “ôm" bitcoin cho rằng họ sẽ tuyệt đối không thanh toán bất cứ hàng hóa, dịch vụ gì bằng bitcoin; không nhận tiền mặt từ nhà đầu tư khi giao dịch bitcoin, tất cả chỉ nhận chuyển khoản.

Một số diễn đàn còn cho hay, sau ngày 1-1-2018, họ sẽ không tổ chức các sự kiện về bitcoin mà chuyển sang các hình thức khác như đào tạo blockchain hay giao lưu câu lạc bộ blockchain… Đồng thời không sử dụng các từ nhạy cảm như bán, huy động, góp vốn… bằng bitcoin.

Tại một hội thảo gần đây về bitcoin, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Basico cho hay, hiện tại vẫn chưa có luật cụ thể nào quy định về bitcoin. Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán, không phải giấy tờ có giá, tài sản hợp pháp để thanh toán.

“Tôi cũng muốn nói thêm, nếu chúng ta dùng bitcoin để thanh toán thì ta cũng không phải là tội phạm mà tổ chức tín dụng chấp nhận thanh toán bitcoin và người tạo ra bitcoin mới có tội”, ông Đức nói.

Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, ranh giới giữa trao đổi và mua bán là rất mong manh và khó phân định. Nếu ta dùng đồng bitcoin để thanh toán thay đồng Việt Nam là bất hợp pháp nhưng chúng ta có thể dùng đồng bitcoin đó để trao đổi. “Tôi có thể dùng bitcoin để đổi lấy một chiếc ô tô. Nếu nói mua là bất hợp pháp nhưng đổi ô tô lại là hợp pháp”.

Mời đọc thêm:

Thực tế phũ phàng của Bitcoin

Nhà đầu tư châu Á đứng sau đà tăng vọt của Bitcoin

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới