Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự thảo thông tư của Bộ Y tế có vi phạm cam kết với WTO?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự thảo thông tư của Bộ Y tế có vi phạm cam kết với WTO?

Thùy Dung

Dự thảo thông tư của Bộ Y tế có vi phạm cam kết với WTO?
Hội thảo do Amcham và VAFIE tổ chức 

(TBKTSG Online) – Nghị định 54 và dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều của nghị định trên do Bộ Y tế soạn thảo đang gây nhiều tranh cãi đối với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong ngành dược. Các doanh nghiệp cho rằng quy định này vi phạm cam kết WTO trong khi cơ quan quản lý nói không.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi toạ đàm: “Chính sách mới đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dược phẩm” do Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức ngày 1-3 tại Hà Nội.

Doanh nghiệp nói vi phạm

Theo ý kiến của các doanh nghiệp, luật sư và các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại quốc tế tham gia buổi toạ đàm, một số những quy định mới trong lĩnh vực dược phẩm như Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Dược và dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 54 còn có nhiều bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và các luật có liên quan, đồng thời có nhiều quy định can thiệp sâu vào hoạt động tự chủ của doanh nghiệp.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Amcham cho hay, các công ty dược phẩm đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam không chỉ để kiếm lời mà còn giúp người dân trong nước được tiếp cận với thuốc chất lượng tốt nhất. Có những công ty đã có mặt ở thị trường Việt Nam đến 20 năm và đầu tư hàng triệu đô la vào thị trường dược phẩm này. Giờ thì họ có nguy cơ phải đối mặt với nhiều quy định mới có thể ngăn cản hoạt động của họ tại đây.

Theo ông Chung Yee Seck, luật sư Công ty luật Baker & McKenzie và đại diện cho tiểu ban pháp lý của Amcham, Nghị định 54 và dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 54 không cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cung cấp dịch vụ bảo quản và vận chuyển thuốc, là những dịch vụ không bị cấm hay hạn chế bởi Luật Dược.

Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam không cho phép các văn bản pháp luật được áp dụng hồi tố trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định trong Luật ban hành các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, dự thảo thông tư quy định các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài phải tuân thủ Nghị định 54, tức ngừng các hoạt động bảo quản và vận chuyển thuốc ngay khi dự thảo này có hiệu lực.

Theo luật sư Chung, quy định này không chỉ trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, trái với tinh thần cởi mở của Luật Dược, mà còn không phù hợp với nguyên tắc bảo hộ đầu tư theo Luật Đầu tư và nguyên tắc không hồi tố của Luật ban hành các văn bản pháp luật và cam kết của Việt Nam gia nhập WTO.

Cũng tại tọa đàm, luật sư Lê Nết, đến từ Công ty luật Lê Nết cho biết, dự thảo thông tư còn nhiều bất cập và hạn chế các quyền kinh doanh của doanh nghiệp được quy định trong các văn bản pháp luật khác. Ví dụ, dự thảo thông tư không cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cho thuê hay cho mượn kho bãi. Quy định này trái với Luật Đất đai và Luật kinh doanh bất động sản cho phép doanh nghiệp được cho thuê hoặc mượn bất động sản gắn liền với đất.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng có những quy định làm tăng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc phân phối thuốc. Ví dụ, quy định việc xuất hàng và giao hàng cho các cơ sở bán buôn thuốc phải được thực hiện tại chính kho bảo quản thuốc của đơn vị nhập khẩu. Quy định này trái với Luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại cho phép các bên có thể thoả thuận về địa điểm giao hàng. Quy định này cũng sẽ buộc các cơ sở y tế, cơ sở bán buôn phải đầu tư thêm kho bảo quản và tự vận chuyển thuốc từ kho của cơ sở nhập khẩu về kho của mình, gây thêm những chi phí không cần thiết cho hoạt động phân phối thuốc và gián tiếp làm tăng giá thuốc, trong khi các kho bãi đã được đầu tư xây dựng không được tận dụng. Việc phải vận chuyển lòng vòng cũng làm tăng chi phí, tăng ô nhiễm môi trường và áp lực lên hệ thống giao thông của Việt Nam.

“Chúng tôi ủng hộ việc Chính phủ hỗ trợ nền sản xuất trong nước, nhưng chúng tôi không muốn làm theo cách ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài”, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Amcham nói.

Cơ quan chức năng nói không

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho hay, theo tìm hiểu thì dự thảo thông tư hiện đang hướng dẫn vấn đề quyền của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép nhập khẩu nhưng không được phép phân phối dược phẩm ở Việt Nam.

Theo cam kết trong WTO, Việt Nam đã mở cửa với dịch vụ vận chuyển và dịch vụ bảo quản nhưng chưa mở cửa với dịch vụ phân phối. Nếu chúng ta chưa mở cửa dịch vụ phân phối đối với dược phẩm cũng đồng nghĩa, về nguyên tắc, Việt Nam chưa cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện các hoạt động phân phối.

Xét trong phạm vi định nghĩa dịch vụ phân phối trong WTO có bao gồm cả dịch vụ vận chuyển và dịch vụ bảo quản nằm trong dịch vụ phân phối này. Do đó, Việt Nam chưa mở cửa dịch vụ phân phối thì Việt Nam cũng có quyền chưa mở cửa dịch vụ vận chuyển và bảo quản nằm trong dịch vụ phân phối đó.

Do đó, theo bà Trang, thông tư mới không vi phạm quy định của WTO.

Nói về ảnh hưởng của dự thảo thông tư tới các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bà Trang cho hay, các doanh nghiệp nhập khẩu và bán hàng hoá nhập khẩu cho các cơ sở bán buôn thì không vấn đề gì. Còn nếu thực hiện việc vận chuyển và các hoạt động có liên quan để bán đến đơn vị tiêu dùng cuối cùng hoặc các nhà bán lẻ thì sẽ không được làm.

Còn theo ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cơ quan này thẩm định dựa vào 5 nguyên tắc: đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; đảm bảo công khai minh bạch, giảm phiền hà cho doanh nghiệp nước ngoài; Bảo đảm sự công bằng bình đẳng giữa thành phần kinh tế; dung hòa lợi ích của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam; đảm bảo tính hợp hiến hợp pháp, thống nhất đồng bộ, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo ông Quang, trong cam kết WTO, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quyền nhập khẩu nhưng chưa được phân phối dược phẩm. Hơn nữa, căn cứ quy định Điều 44 của Luật Dược, Bộ Y tế đủ thẩm quyền để ban hành thông tư này.

Bên cạnh dự thảo thông tư, Bộ Y tế cũng đang làm việc với các cơ quan liên quan bàn giải pháp đối phó với việc các doanh nghiệp nước ngoài núp bóng dưới doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện quyền phân phối.

Mời đọc thêm:

Bán dược phẩm như bán điện thoại?

Digiworld mở rộng ngành hàng phân phối

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới