Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bác sĩ có quyền từ chối khám chữa bệnh hay không?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bác sĩ có quyền từ chối khám chữa bệnh hay không?

Đinh Thị Thanh Nga(*)

(TBKTSG Online) – Trong thời gian gần đây đã xảy ra những vụ việc xâm phạm đến sức khoẻ, thân thể của các nhân viên y tế xảy ra ngày một dồn dập hơn. Có bác sĩ vì quá bức xúc khi thấy các đồng nghiệp bị xúc phạm, nhục mạ, thậm chí bị thương tích đã than thở: “Khi tiếp viên hàng không bị tát thì cả xã hội bênh vực, trong khi những nhân viên y tế hàng ngày phải phục vụ các khách hàng đang trong trạng thái bất thường do bệnh tật, vất vả hơn nhiều nhưng khi bị xúc phạm thì chỉ nhận được sự thờ ơ? Sao họ đối xử tàn tệ với mình như vậy mà mình vẫn phải cắn răng chữa trị khi họ đau ốm?”.

Bác sĩ có quyền từ chối khám chữa bệnh hay không?
Một ca bệnh điều trị tại bệnh viện quận Thủ Đức. Ảnh chỉ có tính chất minh họa: Bình An.

Thực tế này nảy sinh một câu hỏi: các hãng hàng không có quyền từ chối phục vụ những khách hàng có hành vi xấu, vậy các bác sĩ có quyền từ chối phục vụ bệnh nhân hay không?

Hiện nay, theo Điều 32 Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) người hành nghề chỉ được từ chối KBCB trong 2 trường hợp. Thứ nhất, khi trong quá trình KBCB mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình. Thứ hai, được từ chối nếu việc KBCB đó trái với quy định của pháp luật hoặc trái đạo đức nghề nghiệp.

Khi luật chỉ giới hạn quyền từ chối như vậy, trong bối cảnh dày dặc hơn các hành vi tấn công từ phía người bệnh, hình ảnh bác sĩ vừa bị đánh ở bệnh viện Xanh Pôn nhưng vẫn nói sẽ hết lòng vì người bệnh trong nước mắt, đau xót thay sẽ trở thành phổ biến hơn nữa trong tương lai.

Trong khi đó, bản chất khám chữa bệnh là một hợp đồng dịch vụ được thiết lập trên nền tảng quan trọng nhất là sự bình đẳng, tự nguyện. Nếu người bệnh có quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh, được chuyển viện theo yêu cầu và tự nguyện cam kết chấm dứt điều trị (đơn phương chấm dứt dịch vụ) thì rất không hợp lý nếu pháp luật không “sòng phẳng”, không cho người hành nghề được từ chối cung cấp dịch vụ hoặc đình chỉ việc cung ứng, trừ trường hợp phải cấp cứu, sơ cứu hoặc những trường hợp phải KBCB bắt buộc do luật định. Sẽ là quá khiên cưỡng và bất công khi bắt các lương y vẫn phải như từ mẫu, buộc họ phải tiếp tục chữa trị trong khi chính họ bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ mà không được phép có phản ứng nào.

Ngoài ra còn có nhiều lý do chính đáng để chấp nhận quyền từ chối của người hành nghề như từ chối để ưu tiên khám chữa bệnh cho trường hợp khẩn cấp hơn, xuất hiện cảm xúc có thể ảnh hưởng đến phẫu thuật khi người bệnh là người ruột thịt, hoặc từ chối phá thai do niềm tin tôn giáo…

Nếu nhà trường là bên cung ứng dịch vụ giáo dục có thể đuổi học một người học vô lễ, nếu hãng hàng không có quyền từ chối bay cho những hành khách đánh nhân viên hàng không thì việc tiếp tục hạn chế quyền từ chối điều trị của người hành nghề y như luật hiện hành vừa không phù hợp với bản chất của quan hệ dịch vụ, vừa làm cho những mâu thuẫn trong KBCB nặng nề hơn mà hậu quả sau cùng sẽ thuộc về phần đông những người bệnh vô tội khi tâm lý của y bác sĩ bị tổn thương khi họ không được đối xử công bằng.

Về phương diện lập pháp, rất cần sửa đổi quy định về quyền từ chối KBCB tại Điều 32 Luật KBCB theo hướng cho phép “Người hành nghề có quyền từ chối KBCB, trừ trường hợp lý do từ chối vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội”. Khi đó, người hành nghề phải báo cáo ngay với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh cơ sở KBCB khác để giải quyết.

Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở KBCB khác.  Có như vậy mới góp thêm một biện pháp bảo vệ cho người hành nghề, đem lại sự công bằng và tôn trọng lẫn nhau tốt hơn giữa các bên trong loại dịch vụ đang có nhiều vấn đề gây bức xúc này.

(*) Thạc sĩ, giảng viên luật

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới