Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có phải nông dân khờ tới mức chặt tiêu, đào rễ bán cho thương lái?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có phải nông dân khờ tới mức chặt tiêu, đào rễ bán cho thương lái?

Hòa Tân

(TBKTSG Online) – Một tờ báo mạng đưa tin và sau đó hàng loạt cư dân mạng trên Facebook dẫn nguồn, bình luận câu chuyện thương lái tìm mua rễ tiêu để bán qua Trung Quốc, dẫn tới nhiều nhà vườn ở Đồng Nai quyết định chặt bỏ tiêu đang sống ngon lành, đào rễ đem bán. Nghe qua có vẻ rất có lý nhưng thực tế chưa hẳn là như vậy mà cộng đồng mạng đã đẩy đi quá xa.

Có phải nông dân khờ tới mức chặt tiêu, đào rễ bán cho thương lái?
Chỉ gõ cụm từ "Đào rễ tiêu bán cho Trung Quốc", ta sẽ có hơn 400.000 kết quả trên mạng tìm kiếm Google.

Theo tờ báo này thì từ cuối tháng 3, nhiều nhà vườn ở xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đã chặt bỏ cây tiêu, đào rễ để bán cho các thương lái với giá 15.000 đồng/kg rễ tươi, 90.000 đồng/kg rễ khô. Nông dân trồng tiêu thì không biết Trung Quốc mua rễ tiêu vì mục đích gì, đoán già đoán non là  họ mua rễ tiêu để  làm nguyên liệu thuốc.

Người mua không kén chọn rễ to hay nhỏ nhưng yêu cầu rửa sạch sẽ trước khi bán.

Chính quyền địa phương đã xác định có 10 hộ nông dân chặt bỏ vườn tiêu để bán rễ. Có người chặt đào 1 ha tiêu già cỗi đã trồng 17 năm được bán hơn 4 triệu đồng mà nếu không bán, cũng phải vứt bỏ. Hội nông dân xã này xác định cây tiêu già kém hiệu quả nên nông dân bỏ để trồng mới hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác. Rễ tiêu đem bán là phế phẩm, nông dân tận dụng.

Nhưng cư dân mạng thì đa phần nghĩ khác. “Đây là mánh khóe của thương lái Trung Quốc. Rễ tiêu sẽ không được chuyển qua biên giới, sẽ được tập trung vào một nơi nào đó trên đất Việt Nam. Sau đó rễ tiêu lại được bí mật bán lại cho thương lái người Việt. Thương lái người Việt thu mua rồi bán cho thương lái Trung Quốc. Quá trình cứ đảo qua lại như vậy cho đến khi sản phẩm này được đẩy giá lên cao thì thương lái Trung Quốc ngừng thu mua và các mặt hàng nông sản hay là đỉa, ruồi, phân trâu… cũng vậy”, một facebooker phân tích.

Có người thì than thở rằng bài cũ bao năm qua nhưng nông dân “dính lại hoàn dính”. Bao nhiêu lần rồi mà người dân vẫn không rút ra bài học cho mình vậy? Có người lo lắng cho nông nghiệp, nông dân nước nhà khi nói: “Hồ tiêu, một trong những nông sản xuất khẩu mạnh của Việt Nam và còn rất nhiều thứ khác, rất nhiều lần rồi, nông dân ơi là nông dân, đến bao giờ mới thức tỉnh đây!”.

Hay như có bạn phán xanh rờn là “Mua rễ còn gì tiêu, tiêu chết hết họ quay sang bán tiêu cho Việt Nam, một quốc gia xuất khẩu tiêu”.

Nghe qua rất chua xót cho nông dân trồng tiêu, chỉ vì hám lợi trước mắt mà chặt phá vườn tiêu bán cho thương lái nhưng có bạn ở vùng này bình luận: “Chỉ là chặt 10 ha tiêu già cỗi, trồng hơn chục năm, năng suất thấp để chuyển đổi cây trồng hoặc cải tạo cây mới, có gì đâu phải lo lắng”. Có bạn am hiểu thì khẳng định tiêu già không còn năng suất, nông dân họ mới đào bỏ trồng cây khác, có người chịu mua rễ vài triệu đồng 1 ha tiêu già thì cũng đỡ phần nào công chặt bỏ, sao lại nói như thánh phán”.

Dường như lâu nay, mỗi khi báo mạng hay các facebooker đăng các vụ tiêu cực trong xã hội thì cư dân mạng hay bình luận, đăng bài đẩy sự việc đi quá xa, suy diễn, suy đoán theo nhiều hướng mang hơi hướng xấu nhiều hơn tốt. Điển hình là vụ ở Dak Nông, công an kiểm tra phát hiện bước đầu một cơ sở kinh doanh nông sản có vỏ cà phê và có pin nhưng chưa rõ để làm gì là cư dân mạng đã đẩy lên thành “cà phê bột trộn pin”.

Vụ đào rễ tiêu lần này cũng tương tự, do vậy mà có cư dân mạng bức xúc viết: “Đọc cho kỹ đi, dân họ cũng khôn chứ họ không có dại đâu. Đọc mỗi tiêu đề bài báo mà vào bình luận như đúng rồi, đọc cho kỹ rồi hãy bình luận nhá các thánh”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới