Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tắc nghẽn vốn, không thể để kéo dài

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Không chỉ những kênh được xem là rủi ro như bất động sản hay chứng khoán mới đối mặt với việc dòng vốn bị kiểm soát chặt chẽ, mà hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng phản ánh không thể vay ngân hàng.

Thị trường bất động sản bị thắt chặt dòng vốn đã diễn ra từ đầu năm đến nay. Ảnh: N.K

Trong khi đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh thì đang dần phục hồi theo lộ trình phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu vốn tăng.

Khó vay ngân hàng

Thời gian gần đây, dù đã ký hợp đồng mua bán nhà với chủ dự án, nhiều người không thể tiếp cận vốn ngân hàng, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư và có thể phát sinh những thiệt hại do chậm trễ tiến độ thanh toán. Xu hướng này nếu kéo dài có thể dẫn đến rủi ro cho thị trường bất động sản.

Việc thị trường bất động sản bị thắt chặt dòng vốn đã diễn ra từ đầu năm đến nay. Nhưng nếu như trước đây chỉ các doanh nghiệp/chủ đầu tư dự án vừa bị hạn chế tiếp cận vốn ngân hàng, lại không thể mạnh tay phát hành trái phiếu như trước đây, thì nay đến những cá nhân vay mua nhà cũng chật vật tìm kiếm dòng vốn vay từ phía ngân hàng.

Nhiều ngân hàng đã sớm hết dư địa tăng trưởng tín dụng từ quí 2 và cho đến nay vẫn chưa được nới thêm room, đã trở thành một trong số các lý do mà các ngân hàng đưa ra giải thích cho người vay về việc không thể cấp tín dụng tại thời điểm này. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng đến cuối tháng 7 đã tăng 9,4% so với đầu năm, trong khi mục tiêu năm nay nhà điều hành vẫn giữ nguyên ở mức 14%. Theo giới phân tích, việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ bắt đầu diễn ra trong nửa cuối quí 3 với mức độ chọn lọc giữa các ngân hàng.

Cần thận trọng với kịch bản tắc nghẽn vốn của các doanh nghiệp sản xuất, vì có thể gây nên thiết hụt hàng hóa và càng gây áp lực lên lạm phát.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng có trường hợp các ngân hàng vì chính sách thận trọng nên đã chủ động kiểm soát hoạt động cho vay chặt chẽ hơn, nhất là khi những rủi ro trong nền kinh tế vẫn còn đó, đặc biệt là ở những kênh đầu tư như bất động sản đã có dấu hiệu tiềm ẩn bong bóng. Theo các chuyên gia phân tích, ngoài những thách thức nội tại, rủi ro từ các yếu tố bên ngoài chưa có nhiều sự cải thiện, như kịch bản kinh tế suy thoái ở Mỹ, chính sách zero Covid ở Trung Quốc, hay thậm chí là căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc.

Ngoài ra, hiện áp lực chi phí vốn đầu vào ngày càng gia tăng, khi xu hướng lãi suất tiền gửi trên thị trường dân cư đã bật tăng trở lại từ đầu năm đến nay, cùng với lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng cũng bật tăng trong hai tháng qua khi thanh khoản hệ thống bị hút ròng. Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn được kiểm soát theo định hướng của nhà điều hành. Điều này khiến biên độ lãi của hoạt động tín dụng đang bị co lại. Các ngân hàng dường như đang rà soát lại chiến lược phát triển cho giai đoạn tới.

Đáng chú ý là trong hội nghị với doanh nghiệp về “chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững” diễn ra ngày 11-8-2022, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính về những khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn để sản xuất kinh doanh vì ngân hàng không cấp khoản vay mới. Đây đang là bài toán thách thức với các doanh nghiệp sau hai năm chống chọi với dịch Covid-19.

Nếu tình hình kéo dài…

Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, nền kinh tế có thể đối mặt với nhiều rủi ro.

Đầu tiên ở thị trường bất động sản. Thử nhìn vào kịch bản đã diễn ra ở Trung Quốc trong thời gian gần đây. Ban đầu các ngân hàng tại nền kinh tế số 2 thế giới cũng đột ngột thắt chặt dòng vốn vào lĩnh vực này nhằm ngăn chặn đà tăng trưởng quá nóng. Nhiều nhà đầu tư cá nhân sau đó cũng bất ngờ ngừng hoặc hoãn lại các đợt thanh toán vì mất niềm tin, nhất là khi nhiều năm qua nhiều dự án trì trệ và không đáp ứng tiến độ bàn giao. Đối với các doanh nghiệp bất động sản, dòng tiền đặt cọc, tạm ứng ban đầu và các đợt thanh toán tiền mua tiếp theo của khách hàng luôn là một cấu phần vốn quan trọng, nay đột ngột bị đứt gãy, cộng thêm dòng vốn tín dụng từ ngân hàng cũng bị tắc nghẽn, hệ quả là các doanh nghiệp này rơi vào rủi ro phá sản.

Các cơ quan quản lý tại Trung Quốc sau đó dường như đã nhận ra vấn đề, nên đã yêu cầu hệ thống ngân hàng cung ứng vốn lại cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, cho đến nay, những rối ren của thị trường bất động sản mà có thể lây lan sang thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng dường như vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Đối với Việt Nam, việc các nhà đầu tư cá nhân đã ký kết các hợp đồng mua nhà với chủ dự án nhưng không được ngân hàng mặn mà giải ngân trong thời gian gần đây là một tín hiệu đáng lo ngại. Không ít dự án bất động sản thời gian qua cũng rơi vào tình trạng trì trệ, chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ giấy tờ pháp lý do chủ đầu tư đã thế chấp dự án/quyền sử dụng đất cho ngân hàng, ảnh hưởng đáng kể đến niềm tin của khách hàng. Nếu dòng vốn dành cho thị trường này cũng bị tắc nghẽn từ cả hai phía thì rủi ro tương tự cần thật sự lưu ý.

Một điểm tích cực là dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua liên tục bị cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa hoàn toàn bị cắt đứt khỏi kênh tài trợ vốn này. Số liệu thống kê cho thấy trong bảy tháng đầu năm nay, nhóm bất động sản vẫn đứng ở vị trí thứ hai với giá trị phát hành 44.881 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 22,4%. Dù vậy, có khoảng cách khá xa so với nhóm đứng đầu là ngân hàng – chiếm tỷ lệ 52,3%.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, khi không thể tiếp cận vốn tín dụng, càng mang đến nguy cơ nhiều hơn. Đó không chỉ là hoạt động kinh doanh hồi phục chậm hoặc thậm chí đứt gãy trở lại, thiếu vốn nhập nguyên vật liệu đầu vào, các sản phẩm nhập khẩu khác, ảnh hưởng lên nguồn cung kéo theo thiếu hụt hàng hóa trong nền kinh tế.

Trong bối cảnh lạm phát đang dâng cao tại nhiều quốc gia khi giá các hàng hóa thiết yếu leo thang, Việt Nam vẫn đang kìm chân lạm phát khá tốt nhờ đặc thù vẫn giữ được một tỷ trọng nông nghiệp nhất định trong cơ cấu nền kinh tế, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, lại không quá phụ thuộc vào nguồn cung nhiều loại nhiên liệu, khí đốt mà đã tăng mạnh do ảnh hưởng xung đột quân sự Nga – Ukraine gần đây.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn miễn nhiễm với các yếu tố bên ngoài. Chính phủ gần đây đã phải hy sinh không ít nguồn lực để kìm cương giá cả, trong đó giá xăng dầu là thể hiện rõ nét nhất. Vì vậy, cần thận trọng với kịch bản tắc nghẽn vốn của các doanh nghiệp sản xuất, vì có thể gây nên thiết hụt hàng hóa và càng gây áp lực lên lạm phát. Ngoài ra, với gói hỗ trợ lãi suất 2% đang bắt đầu được triển khai, nếu không sớm được nới room, các ngân hàng cũng không thể thực thi hiệu quả.

Thủ tướng đã yêu cầu NHNN không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường. Về phía NHNN, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ – đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, vẫn là ưu tiên hàng đầu. Thực tế cơ quan này cũng đang rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng còn lại trong năm nay cho những ngân hàng được xếp hạng cao.

1 BÌNH LUẬN

  1. Trong bối cảnh lạm phát tiềm ẩn cao, giữa NHNN và NH thương mại phải có sự phối hợp nhịp nhàng. Quan điểm cũng cần phải làm rõ, đó là kiểm soát chặt tín dụng đối với các lĩnh vực cần hạn chế, nhưng đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực hỗ trợ lãi suất phải được khai thông nhanh chóng. Không nên ném đá vỡ bình hàng loạt, hoặc sợ trách nhiệm quá là vô cùng nguy hiểm cho lợi ích chung của cả nền kinh tế. Nguy nhất là doanh nghiệp mới vừa hồi tỉnh sau Covid, nay vốn bị bế tắc, kinh doanh tắc tị trên diện rộng, tất yếu kinh tế sẽ suy thoái.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới