Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bao giờ quên được bài ca ấy?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bao giờ quên được bài ca ấy?

Quỳnh Yên

Lũ ở Hội An, Quảng Nam – Ảnh: TL.

(TBKTSG) – Mấy năm trở lại đây, khúc ruột miền Trung liên tiếp phải hứng chịu thiên tai, bão lụt với tần suất và cường độ ngày một tăng, mức độ thiệt hại về người và của ngày càng lớn. Cứ mỗi mùa mưa bão, hình ảnh, tin tức về những cái chết đau lòng, những cảnh tượng tang thương, những gia đình trắng tay sau bão lũ ở các tỉnh miền Trung lại tràn ngập các trang báo.

Đó phải chăng là định mệnh gắn liền với dải đất này? Có thể nào để tình trạng này cứ tiếp diễn năm này qua năm khác, năm sau khốc liệt hơn năm trước, đau thương hơn năm trước? Có cách nào để giảm bớt thiệt hại cho người dân ở vùng đất mà cuộc sống vốn sẵn khốn khó?

Thực tế là hiện nay, so với mấy chục năm trước, rừng đầu nguồn đã bị mất quá nhiều do bị đốn lậu, do xây dựng, mở mang công trình; bên cạnh đó các hồ thủy điện trên thượng nguồn các con sông, được cấp phép tràn lan và dường như không tính hết tác động về hệ sinh thái, một mặt thu hẹp diện tích rừng, mặt khác cứ đến khi mưa lớn lại buộc phải xả lũ để cứu đập, càng làm cho vùng hạ lưu bị chìm ngập sâu hơn, nặng hơn; rồi những công trình giao thông chạy dọc chiều Bắc-Nam càng khiến dòng chảy thoát lũ từ thượng nguồn bị ngăn lại, lũ rút chậm hơn, ngập lâu hơn (không biết dự án đường sắt cao tốc Bắc -Nam, nghe nói đã được cho phép nghiên cứu, có tính đến điều này?). Công tác cứu hộ cứu nạn khi bão lũ xảy ra cũng bộc lộ không ít bất cập, với lực lượng và phương tiện quá mỏng, thiếu chuyên nghiệp. Phương châm “bốn tại chỗ” là cần thiết để mỗi địa phương, đơn vị phát huy tính chủ động, không ỷ lại, với ý thức “tự cứu mình trước khi Trời cứu”, nhưng không thể thay thế hoàn toàn sự ứng cứu, chi viện kịp thời, có hiệu quả của những lực lượng cứu hộ cứu nạn được đào tạo chuyên nghiệp, được trang bị đầy đủ phương tiện chuyên dụng cần thiết, hoạt động bài bản.

Phải chăng cần có một chiến lược phòng chống thiên tai vừa toàn diện hơn, vừa cụ thể và phù hợp hơn với thực tế hiện nay ở miền Trung? Chiến lược phòng chống và giảm nhẹ thiên tai (trên toàn quốc) được Thủ tướng phê duyệt tháng 11-2007 liệt kê nhiều đầu việc nhưng dường như chưa tính hết những thực tế mới, chẳng hạn tác động ngược, gây thêm khó khăn, tai họa cho dân của các hồ thủy điện mỗi khi có lũ, đi ngược lại chính một trong những giải pháp mà chiến lược đề ra là “Bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”. Trong nhiệm vụ và giải pháp cho từng vùng, khi nói đến vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, chiến lược cũng chỉ nhấn mạnh đến việc nâng cấp đê điều ven biển, xây dựng các hồ chứa nước lớn, khơi thông các lòng sông… trong khi thực tế hai đợt lũ lụt vừa qua ở Bắc Trung bộ cho thấy lũ xảy ra ở ngay các huyện vùng cao của Hà Tĩnh (Vũ Quang, Hương Khê), Quảng Bình (Tuyên Hóa, Minh Hóa) chứ không chỉ ở các huyện ven biển, và trở nên trầm trọng hơn do đập thủy điện Hố Hô bị tràn. Còn ngập lụt trầm trọng ở các tỉnh ven biển miền Trung (Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận) cũng có phần đóng góp của các hồ thủy điện sông Ba Hạ, Đa Nhim…

Thôi thì, để khúc ruột miền Trung bớt quặn đau mỗi năm, để kéo số người chết và mất tích mỗi trận bão lũ từ con số trăm xuống, kéo số thiệt hại từ hàng ngàn tỉ đồng xuống chỉ còn trăm tỉ, chục tỉ… chỉ mong các cơ quan nhà nước có trách nhiệm, xót xa trước những mất mát và cuộc sống khốn khó của người dân, nhanh chóng ngồi lại với nhau, duyệt xét lại, cập nhật, bổ sung những chiến lược, chương trình, dự án phòng chống bão lũ cho vùng đất này một cách thật cụ thể, khả thi và bắt tay thực hiện chóng vánh. Rừng mất thì cũng đã mất rồi, thủy điện xây chi chít trên thượng nguồn các sông thì cũng đã xây rồi, nhưng còn bao nhiêu rừng thì phải cố gắng giữ lấy và trồng mới thêm; cần xem xét lại quy hoạch các nhà máy thủy điện, công trình giao thông sao cho không làm gay gắt thêm tác động của lũ; nghiên cứu tổ chức cứu hộ cứu nạn sao cho hiệu quả hơn. Và nữa, liệu có thể thay những gói mì tôm cứu trợ cho người dân lóp ngóp giữa trùng vây nước lũ bằng thứ lương khô nào đó bổ dưỡng hơn?

Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn. Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương thấm tràn, ngập Thuận An để lan biển khơi…” (Hội Trùng Dương – Phạm Đình Chương). Lời bài ca thê thiết ra đời mấy chục năm trước, trong thế kỷ trước, đến hôm nay vẫn đúng, vẫn thê thiết, nhất là với các vùng thôn quê miền Trung, dù đất nước đã có những bước phát triển. Đến bao giờ ta quên được/được quên bài ca ấy?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới