Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cứ sốt là đổ cho tư thương?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cứ sốt là đổ cho tư thương?

Nhiều người chen nhau mua gạo ở một siêu thị của Saigon Co-op. Ảnh: HỮU THẮNG.

(TBKTSG Online) – Từ bài “Gạo sốt giá do lỗ hổng phân phối“, độc giả Đoàn Tiểu Long đã đưa ra một số lý giải xoay quanh vai trò của tư thương trong nền kinh tế thị trường nói chung và ngành kinh doanh gạo nói riêng. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xin giới thiệu.

Lướt qua đầu đề “Gạo sốt giá do lỗ hổng phân phối”, và sau khi đọc nội dung bài báo để biết lỗ hổng đó từ đâu ra, người đọc không khỏi muốn hỏi lại: nếu quả thực cơn sốt gạo vừa rồi là hệ lụy của việc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ tập trung lo xuất khẩu, còn tư thương thì mặc sức “thao túng” thị trường nội địa, thì tại sao mười mấy năm nay không có cơn sốt gạo nào cả, mà chỉ mới có một cơn sốt duy nhất vừa rồi?

Cái lỗ hổng đó, nếu thực sự đó là lỗ hổng, đâu phải mới xuất hiện mấy hôm nay? Và, ngoài gạo ra thì mọi thứ hàng hóa khác cũng do tư nhân phân phối, vậy tại sao không sốt? Phải chăng vì không sốt nên không thấy ai đả động đến?

Những câu hỏi đó được đặt ra cũng chỉ nhằm mong muốn có cách nhìn nhận, đánh giá rõ ràng và công tâm hơn về vai trò của tư nhân trong việc tham gia kênh lưu thông, phân phối.

Chí ít, trên thế giới này, hàng trăm năm nay, ở bất kỳ đâu có nền kinh tế thị trường thì việc sản xuất, phân phối hàng hóa hầu hết đều do tư nhân đảm trách, Nhà nước chỉ tham gia trong một số lĩnh vực hạn hẹp, nơi tư nhân hoặc không đủ sức kham nổi, hoặc không muốn làm vì lợi nhuận thấp, hoặc vì lý do đặc biệt nào đó như an ninh chẳng hạn.

Cả lý luận lẫn thực tiễn đều cho thấy trong nền kinh tế thị trường thì đó là phương thức tối ưu. Thế nhưng, chỉ cần có một cơn sốt thôi, là người ta lập tức quên ngay tất cả những cái đó, và một mực đổ lỗi cho tư thương.

Bài báo có đoạn viết: Giá gạo nội địa đắt hơn giá gạo xuất khẩu là do kênh phân phối nhiều tầng nấc đã đẩy giá gạo nội địa lên cao hơn gạo xuất khẩu! Thế nhưng, ngay sau đó, bài báo không những không chỉ ra kênh phân phối nội địa đã đẩy giá gạo lên cao thế nào so với gạo xuất khẩu, mà trái lại, cho thấy gạo xuất khẩu cũng phải trải qua nhiều tầng nấc không kém.

Và rồi, đoạn trong bài liền sau đó có kết luận rằng các tầng nấc trung gian đó đã đẩy giá gạo lên “quá cao” so với giá mua của người nông dân khốn khổ! Như thể là tư thương không làm gì hết, chỉ bóc lột cả người nông dân lẫn người tiêu dùng. Lẽ ra nên hiểu rằng các tầng nấc đó là các công đoạn cần thiết để một hạt lúa nằm ngoài ruộng biến thành hạt gạo trắng nõn, bóng bẩy nằm trong bao PP ngoài cảng chờ xuất khẩu, hay nằm ngoài chợ chờ các mẹ, các chị ghé mua.

Qua mỗi công đoạn, người ta phải hao phí công sức chế biến, hạt gạo lại biến đổi một chút, và có giá trị tăng thêm một chút. Như thế, giá gạo bán cho người tiêu dùng cuối cùng là tổng hợp của tất cả các chi phí cho các công đoạn cần thiết trước đó. Điều này khác hoàn toàn với tình trạng thời bao cấp, do thiếu thốn mà một mặt hàng nào đó, hạt gạo thành phẩm chẳng hạn, phải chạy lòng vòng qua hết tay người này, người khác mới tới được người tiêu dùng cuối cùng, và giá của mặt hàng đó bị đẩy lên, trong khi giá trị của nó không hề tăng lên chút nào.

Có thực vì các DNNN chỉ mải xuất khẩu nên tư thương mặc sức thao túng thị trường nội địa không? Cách nói này gây cảm tưởng dường như “tư thương” chỉ là một ông, một bà duy nhất nào đó, chứ không phải là hàng triệu con người đang dốc sức làm ăn, kinh doanh, cạnh tranh nhau khốc liệt.

Thực ra, vì sao các DNNN lại không tham gia phân phối gạo nội địa? Hãy nghe một vị giám đốc DNNN trả lời phỏng vấn trên ti vi mới đây: Chúng tôi không làm, vì không đủ sức đi thu gom lúa từng hộ gia đình, rồi sau đó phân phối đến từng cửa hàng gạo tại các chợ. Cái đó chỉ tư thương mới làm nổi. Nếu chúng tôi làm thì giá thành có khi còn cao hơn tư thương làm. Làm gạo xuất khẩu, mỗi chuyến hàng ngàn tấn đơn giản hơn nhiều.

Vị giám đốc đó, từ thực tế kinh doanh, tỏ ra hiểu rất rõ quy luật phân công lao động của thị trường. Và cuối cùng, lý do thực sự của việc gạo xuất khẩu giá thấp hơn gạo chúng ta ăn hàng ngày là gì? Dĩ nhiên không phải vì “các tầng nấc trung gian đã đẩy giá gạo nội địa lên cao hơn gạo xuất khẩu”.

Người viết bài này đã trực tiếp xuất khẩu gạo khá nhiều nên có thể cho câu trả lời: Vì gạo xuất khẩu là loại gạo năng suất cao, chi phí gieo trồng thấp, nhưng chất lượng dở tệ, trong khi gạo chúng ta ăn chất lượng cao hơn nhiều, nhưng năng suất cũng thấp hơn, chi phí cao hơn.

Gạo xuất khẩu không có tên, chỉ gọi chung là “gạo trắng hạt dài”, và phân biệt bởi phần trăm tấm: 5%, 10%, 25% (trong cơn sốt gạo vừa rồi, một số siêu thị bán gạo loại không tên, chỉ đề mập mờ “gạo 5%”, người dân mua về ăn và thất vọng. Lúc đó lãnh đạo siêu thị mới thú nhận là bán gạo xuất khẩu!). Gạo bán ở chợ có tên tuổi đàng hoàng: nàng thơm chợ Đào, thơm Nhật, thơm Đài Loan xuất khẩu… nấu cơm ngon hơn hẳn so với gạo xuất khẩu.

Ngoài ra, chi phí cho gạo xuất khẩu cũng thấp hơn gạo nội địa, vì sau khi xay xát, đánh bóng, đóng bao, chỉ cần vận tải từ kho tới cảng là xong, trong khi gạo nội địa phải qua nhiều khâu trung gian mới tới tay hàng chục triệu người tiêu dùng (xin nhắc lại lần nữa, đó là các khâu trung gian cần thiết, không thể bỏ qua nếu ta ngồi ở thành phố mà muốn mua được gạo ở ngay tiệm gạo đầu hẻm).

So sánh giá FOB của lô gạo hàng ngàn tấn với giá gạo bán lẻ ở chợ thì đúng là… gạo xuất khẩu không chịu thuế giá trị gia tăng (thuế VAT), đó cũng là một lý do nho nhỏ nữa.

ĐOÀN TIỂU LONG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới