Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường cà phê: Biết đâu là bờ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường cà phê: Biết đâu là bờ?

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Giá sàn kỳ hạn robusta trong tuần bất ngờ rớt mạnh sau hơn cả tháng đã liên tục mất giá. Thị trường nội địa cố gắng  lượn lờ quanh mức 38.000 đồng/kg nhưng có người phải bán hàng ký gửi mức 35.000 đồng/kg. Người còn hàng nhốn nháo vì giá lao xuống quá nhanh vẫn chưa biết đâu là điểm dừng.

Giá rớt chưa chịu dừng

Thị trường cà phê: Biết đâu là bờ?

Biểu đồ: Diễn biến giá đóng cửa sàn robusta trong tuần (tác giả tổng hợp)

Thị trường cổ phiếu và hàng hóa thế giới lại phải thêm một phen hụp lặn trong giá thấp đúng sau phát biểu ngày 19-6 của Ben Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Theo Bernanke, Mỹ đang tính đến chuyện giảm bơm tiền kích cầu nếu nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục rõ ràng. Quy mô chương trình nới lỏng định lượng cũng được giảm lại từ cuối năm nay và có thể chấm dứt vào giữa năm 2014. Đây là lần phát biểu thứ hai của vị chủ tịch, dù không có gì mới, thị trường trái phiếu và hàng hóa vẫn rủ nhau tháo chạy. Đàng khác, chỉ số tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại. Thế là, vào ngày 20-6, giá vàng nhanh chân tụt xuống dưới mức 1.280 đô la/oz, là mức thấp nhất tính từ tháng 9-2010 đến nay. Giá cà phê trên 2 sàn cũng sụp đổ theo chân sàn vàng và nhiều loại hàng hóa khác.

Thị trường cà phê lắc lư đến chóng mặt. Giá sàn kỳ hạn robusta London cơ sở tháng 9-2013, nay là tháng giao dịch chính, ngày 20-6, âm 59 đô la/tấn và sàn arabica New York rớt 6 cts/lb (hay 132 đô la/tấn). Tuy qua ngày hôm sau, thứ Sáu 21-6, phiên giao dịch cuối tuần, giá cả 2 sàn có nhích chỉnh lên đôi chút, giá vẫn còn loay hoay trong vùng thấp. Giá đóng cửa robusta London cuối tuần chốt mức 1.743 đô la/tấn, giảm 21 đô la so với cách nay 1 tuần. Trong khi đó, sàn arabica New York cả tuần mất 4,5 cts/lb tức 99 đô la/tấn.

Nhiều nơi trên thị trường nội địa nhốn nháo vì giá bất ngờ rớt đậm sau suốt cả tháng ròng đã có giá âm liên tục từ mức trên 2.030 đô la/tấn. Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên quay lại viếng mức 37.600- 37.800 đồng vào ngày thứ Sáu trước khi sàn kỳ hạn mở cửa. Sáng thứ Bảy, giá nội địa đang chung quanh mức 38.000 đồng/kg, ngang với mức của tuần trước. Tuy nhiên, do sợ giá xuống sâu hơn, nhiều đại lý gửi hàng bán theo giá trừ lùi trước đây phải chốt giá thấp, có khi giá cuối cùng chỉ còn chừng 35.000 đồng/kg. Với mức giá này, người bán chạy lỗ ước mất 7.000- 8.000 đồng/kg. Riệng về giá chênh lệch giữa giá xuất khẩu FOB và giá kỳ hạn, loại 2, 5% nay có giá cộng 100 đô la/tấn do giá nội địa xuống không đều với giá niêm yết tại London.

Một số hãng tin nước ngoài đưa ra ước báo mức giá robusta trên sàn London sẽ quanh mức 1.700- 1.900 đô la/tấn. Tuy nhiên, nếu so với giá vàng, hiện chỉ quanh mức 1.280- 1.300 đô la/oz, thì cửa xuống của sàn robusta vẫn còn khá rộng nếu lấy giá vàng cân đối với giá cà phê: 1 lượng vàng ngang 1 tấn cà phê.

Cà phê ở đâu mà nhiều thế?

Hội đồng Chính sách tiền tệ Brazil đã quyết định xuất cho vay lãi suất thấp 3,16 tỉ real (BRL) tức tương đương với 1,45 tỉ đô la cho nông dân trồng arabica. Số tiền này có mục đích giúp họ  trang trải các chi phí sản xuất, thu hoạch và tạo điều kiện khỏi bị bán gấp khi cà phê ra rộ. Bán rộ khi hàng ra nhiều thường gây nên cảnh ép giá trên thị trường.
Đến nay, hội đồng này vẫn chưa có phản ứng gì đối với giá cà phê arabica đang xuống sâu trên thị trường nội địa và sàn kỳ hạn. Theo nhận định chung, số tiền ấy chỉ đủ để giúp nông dân vượt khó trong giai đoạn thu hoạch hiện nay. Còn muốn hãm đà ngưng của giá arabica trên sàn cũng như tại các thị trường, chính phủ Brazil phải ra tay mạnh hơn như các năm trước như chương trình giữ lại hàng và quyền chọn bán của nông dân.

Theo tính toán của hãng phân tích Safras and Mercado Brazil, ước tính đến hết tháng 3-2013, nông dân và các hợp tác xã cà phê Brazil chỉ bán ra chừng 75% cà phê vụ cũ, chậm so với cùng kỳ năm 2012 là 86%. Nếu như sản lượng vụ đã qua của Brazil là 56 triệu bao, thì đến thời điểm ấy, Brazil vẫn còn tồn kho 14 triệu bao chủ yếu là arabica của vụ cũ còn trong tay nông dân và các hợp tác xã. Ước có thể còn thêm 4 triệu bao nữa trong tay các nhà xuất khẩu và rang xay nội địa. Như vậy, tính đến hết tháng 3, số tồn kho từ vụ cũ tại Brazil còn tròm trèm 18 triệu bao.

Nếu như nhu cầu dành cho xuất khẩu và rang xay nội địa mỗi tháng bình quân 4 triệu bao, thì các tháng giáp hạt là tháng 4 và 5, lượng tồn kho này sẽ giảm 8 triệu bao. Như vậy, từ tháng 6 năm này đến tháng 6 năm sau, lượng cà phê thực có (availability) của Brazil chừng 63 triệu bao, do tồn kho vụ cũ còn 10 triệu bao và vụ mới 52,9 triệu bao.
Đấy chính là mối lo lớn cho giá cà phê trên các thị trường và đặc biệt cho các nước xuất khẩu.

Theo nhận định chung, nếu các nước Mỹ La tinh hụt chừng vài ba triệu bao do nấm hại lá Roya gây nên, hay ngay cả sản lượng Brazil có nhỏ lại vài triệu bao do hạn hán làm kích cỡ hạt lới ít đi như hợp tác xã Cooxupe cảnh báo trong tuần, tồn kho vụ cũ mang sang 10 triệu bao của Brazil thừa sức bù đắp. Điều này khẳng định cà phê đang nhiều hơn thị trường cần, giá vẫn phải lao đao.

Chỉ còn duy nhất một đường có thể giúp giá tăng: thuần túy về cung-cầu mà nói, nếu bán dưới giá thành, nông dân Brazil phải bỏ vườn, không chăm sóc, chặt bớt cây và giảm sản lượng. Điều này xem ra không tưởng.

Thống kê Hải quan cho biết xuất khẩu cà phê tháng 5-2013 của nước ta đạt 116.700 tấn, tăng 5,3% so với tháng 4. Như vậy, tổng lượng xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 704.000 tấn, giảm 22,5% so với cùng kỳ cách đấy 12 tháng. Dù giảm đáng kể, bình quân lượng xuất khẩu hàng tháng trong 5 tháng đầu năm cũng đạt 140.800 tấn/tháng, con số cao không đáng mong đợi. Vì, theo một chuyên gia tại Tp. Hồ Chí Minh, lượng cà phê rang xay thế giới cần hàng tháng từ nước ta ước từ 130.000- 135.000 tấn.

Báo cáo định kỳ của Hiệp hội Cà phê hạt của Mỹ (GCA – Green Coffee Association) nói rằng tính đến hết tháng 5-2013, tồn kho cà phê tại các kho của Mỹ đạt 5.147.916 bao, tăng 280.239 bao. Đấy là đợt tăng ấn tượng vì nó cao gấp 12 lần so với con số bình quân tỉ lệ tăng được tính trong giai đoạn từ 1989 đến 2012 và cao gấp 12,6% so với cách đấy 1 năm, bấy giờ chỉ 4.570.778 bao. Mỹ, châu Âu và Nhật là 3 khối nước có lượng tiêu thụ cà phê lớn nhất. Tồn kho ở những nơi này có ảnh hưởng nhất định đến thị trường.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới