Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Traveloka gọi vốn mới dựa trên mức định giá 4,5 tỉ đô la

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Traveloka gọi vốn mới dựa trên mức định giá 4,5 tỉ đô la

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Nền tảng đặt phòng và bán vé máy bay trực tuyến Traveloka (Indonesia) đang đàm phán để huy động vốn dựa trên mức định giá lên đến 4,5 tỉ đô la Mỹ với tham vọng trở thành một siêu ứng dụng, cho phép người dùng đặt trực tuyến từ các dịch vụ lưu trú, vé máy bay, xem phim, sự kiện thể thao, âm nhạc cho đến các dịch vụ mát-xa, làm đẹp, ẩm thực.

Traveloka gọi vốn mới dựa trên mức định giá 4,5 tỉ đô la
Traveloka đang hướng đến mục tiêu trở thành một siêu ứng dụng. Ảnh: Zuma Press

Tờ Wall Street Journal hôm 29-7 dẫn các nguồn tin cho biết, Traveloka đang chuẩn bị tiến hành vòng gọi vốn mới với mục tiêu huy động 500 triệu đô la dựa trên mức định giá công ty này khoảng 4,5 tỉ đô la. Vòng gọi vốn này có thể kết thúc trong vòng hai tháng tới.

Được thành lập vào năm 2012 tại Jakarta (Indonesia), Traveloka cung cấp dịch vụ tìm kiếm và đặt vé máy bay, tàu lửa, xe buýt, phòng khách sạn và các hình thức lưu trú khác. Nền tảng này dự định sẽ dùng nguồn vốn mới để mở rộng các dịch vụ ở khu vực Đông Nam Á.

Traveloka cho biết ứng dụng của công ty đã được 40 triệu lượt tải về. Công ty đã thiết lập quan hệ đối tác với hơn 100 hãng hàng không trong nước và quốc tế.

Traveloka được hãng lữ hành toàn cầu Expedia, công ty thương mại điện tử JD.com và công ty đầu tư vốn mạo hiểm Sequoia Capital hậu thuẫn tài chính.

Traveloka đã tổ chức nhiều vòng gọi vốn bao gồm đợt huy động vốn gần nhất hồi tháng 4, giúp thu về 420 triệu đô la. Quỹ đầu tư chính phủ Singapore GIC dẫn đầu trong vòng gọi vốn này. Năm 2017, Expedia đã đầu tư 350 triệu đô la vào Traveloka, nâng tổng số vốn huy động của công ty này trong năm đó lên 500 triệu đô la.

Traveloka đang hoạt động ở Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Philippines. Hồi đầu năm nay, nền tảng ra mắt các dịch vụ ở Úc và đây là bước mở rộng thị trường đầu tiên bên ngoài khu vực Đông Nam Á của công ty này. Ngoài ra, Traveloka còn có một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Ấn Độ.

Trong nỗ lực củng cố sự hiện diện ở khu vực, công ty đã tiến hành hàng loạt vụ thâu tóm các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực lữ hành bao gồm TravelBook (Philippines), PegiPegi (Indonesia) và MyTour (Việt Nam) cũng như các công ty khác chẳng hạn như công ty giải pháp sự kiện PouchNATION, công ty công nghệ bảo hiểm PasarPolis.

Traveloka đang phát triển nhanh các dịch vụ bên ngoài mảng kinh doanh cốt lõi đặt vé máy bay và phòng khách sạn. Hồi tháng 6, công ty ra mắt ứng dụng Traveloka Xperience cho phép người dùng tìm kiếm và đặt các dịch vụ du lịch đa dạng và những trải nghiệm độc đáo.

Các hạng mục sản phẩm mà Traveloka Xperience cung cấp bao gồm điểm tham quan, tour du lịch, giải trí, sự kiện, làm đẹp, spa, thể thao, khóa học và hội thảo. Ngoài ra, Traveloka Xperience sẽ sớm bổ dụng các dịch vụ ẩm thực, phương tiện di chuyển, vé xem phim. Hiện công ty đang cung cấp cho người dùng hơn 15.000 sản phẩm và dịch vụ tại 60 nước trên thế giới.

Các công ty khởi nghiệp hoạt động dựa trên ứng dụng ở châu Á đang thu hút các nhà đầu tư lớn trên toàn cầu trong những năm gần đây. Ngoài Traveloka, hai công ty gọi xe hàng đầu Đông Nam Á là Grab (Singapore), Go-Jek (Indonesia) cũng đang chạy đua phát triển các siêu ứng dụng của riêng họ.

Ứng dụng Go-Jek cho phép người dùng đặt hàng loạt dịch vụ yêu theo yêu cầu bao gồm Go-Mart (đi chợ), Go-Clean (dọn nhà), Go-Glam (trang điểm và làm tóc) và Go-Message (dịch vụ message), Go-Send (giao hàng)… Trong khi đó, Grab cũng đã mở rộng sang các dịch vụ giao đồ ăn, giao hàng, đặt phòng khách sạn, đặt vé xem phim và các sự kiện giải trí khác, xem video theo yêu cầu.

Xu hướng sử dụng ứng dụng để gọi xe, đặt mua và giao đồ ăn đang phát triển mạnh mẽ trong khu vực nhờ tiến trình đô thị hóa nhanh chóng, các sở thích đang thay đổi của người tiêu dùng hướng đến công nghệ và sáng tạo.

Một báo cáo gần đây của hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Co. cho biết châu Á chiếm 50% tổng số người dùng Internet toàn cầu, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ. Tính đến tháng 4-2019, châu Á đóng góp hơn 1/3 trong tổng số 330 kỳ lân khởi nghiệp (công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỉ đô la trở lên).

Theo Wall Street Journal, Kr-Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới