Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao TPHCM còn ngập nặng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao TPHCM còn ngập nặng?

Văn Nam

Vì sao TPHCM còn ngập nặng?
Mưa gây ngập nặng ở TPHCM vào ngày 6-9. Ảnh: Mạnh Tùng.

(TBKTSG Online) – TPHCM những ngày này liên tục có những trận mưa lớn. Sau mỗi cơn mưa, đơn vị quản lý về thoát nước của thành phố lại đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau lý giải cho tình trạng ngập úng vốn dĩ kéo dài từ nhiều năm qua. Cho đến nay, trong khi chờ các giải pháp căn cơ thì người dân vẫn phải chịu cảnh sống chung với ngập.

Cơn mưa kéo dài 3 giờ liền vào chiều ngày 6-9 vừa qua đã làm ngập 29 tuyến đường, có đường bị ngập nặng kéo dài.

Kênh rạch, cống, hầm ga, cửa xả bị lấn chiếm

Ngay sau cơn mưa biến nhiều tuyến đường thành sông cuối tuần qua, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập thành phố đã có văn bản kiến nghị UBND thành phố có giải pháp xử lý nghiêm 44 trường hợp lấn chiếm kênh rạch. Ngoài ra, hiện có đến 88 tuyến cống, 82 hầm ga ven đường, 62 cửa xả bị lấn chiếm vẫn chưa bị xử lý.

Trung tâm chống ngập cũng kiến nghị chính quyền thành phố kiên quyết đình chỉ thi công có thời hạn hoặc không thời hạn đối với các đơn vị thi công gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước.

Trung tâm chống ngập dẫn ra trường hợp ngập nặng 4 tuyến đường tại quận 6 gồm Tân Hóa, An Dương Vương, Đường 26 và đường Phan Anh vào chiều ngày 6-9 là do đơn vị thi công dự án thành phần 4 – Cải tạo kênh Tân Hóa Lò Gốm chặn dòng thi công mà biện pháp dẫn dòng thoát nước không đảm bảo.

Sau cơn mưa, thời gian rút nước của nhiều tuyến đường vẫn còn khá chậm, kéo dài từ 20 – 45 phút. Riêng tuyến đường Tân Hóa (quận 6) mãi hơn 3 giờ sau nước mới rút hết. Ngoài ra, có 15 tuyến đường bị ngập từ trung bình đến nặng rải rác trên địa bàn 6 quận gồm quận 2, 6, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp và 14 tuyến đường bị ngập nhẹ.

Thống kê cho thấy trên địa bàn thành phố trong năm 2009 có 99 điểm ngập, năm 2010 giảm còn 53 điểm, năm 2011 còn 49 điểm, năm 2012 còn 31 điểm và năm 2013 còn 21 điểm ngập.

Cống thoát nước quá tải!

Tính đến nay, thành phố mới chỉ có khoảng 3.200 km cống thoát nước. Để giải quyết tình trạng ngập úng do mưa, triều cường ở những khu vực tập trung đông dân cư thì cần phải hoàn thiện gần 6.000 km cống thoát nước.

Trên phạm vi rộng hơn, quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây cho các tuyến cống cấp nước chịu được tần suất mưa mưa trong 3 giờ với vũ lượng 75,88 mm đối với tuyến cống cấp 3, 85,36 mm đối với cống cấp 2 và kênh rạch chính cấp 1 chịu được mưa vũ lượng 95,91 mm.

Trở lại với cơn mưa kéo dài 3 giờ chiều ngày 6-9 vừa qua, số liệu mà trung tâm chống ngập thành phố đo được tại trạm Quang Trung (Gò Vấp) có vũ lượng 103,6 mm và 122,3 mm tại trạm Cầu Bông (Bình Thạnh).

Từ các số liệu trên cho thấy, không những thiếu hệ thống cống thoát nước mà thiết kế khả năng thoát nước hệ thống cống tại thành phố trước đây đã lạc hậu so với hiện trạng mưa gần đây.

Chờ tiền xây cống, đê bao

Theo ông Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Đại học quốc gia TPHCM), để hoàn thành các hệ thống thoát nước, cống ngăn triều chống ngập thì TPHCM cần tổng vốn đến 9 tỉ đô la Mỹ. Hiện con số mà thành phố đầu tư cho các dự án chống ngập lớn nhỏ ước được gần 2 tỉ đô la Mỹ. Do kinh phí hạn chế nên trước mắt thành phố chỉ tập trung xây đê bao tại các điểm xung yếu.

UBND thành phố mới đây cũng đã yêu cầu các sở ngành liên quan lập báo cáo nhận định về tình hình ngập trên địa bàn thành phố trong 3 năm 2011 – 2013. Theo đó, báo cáo nêu rõ đã giải quyết bao nhiêu điểm ngập, số điểm ngập phát sinh để so sánh chiều hướng tăng hay giảm mức độ ngập sau 3 năm, khu vực nào tăng và khu vực nào giảm.

Theo đó, thành phố sẽ thống kê những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất và thực tế đã xảy ra ngập nặng, phân tích những khu vực tiếp tục ngập và khu vực ngập mới phát sinh.

Theo UBND thành phố, giải pháp căn cơ cho việc chống ngập úng thành phố là phải đầu tư hệ thống cống ngăn triều và hệ thống đê bao. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên trước mắt thành phố chỉ tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đê bao tại các khu vực xung yếu.

Trong khi chờ đủ kinh phí để triển khai tất cả các dự án chống ngập để giải quyết tình trạng ngâp nước một cách căn cơ (có lẽ sẽ còn kéo dài khá lâu – PV), người dân thành phố chỉ còn biết kỳ vọng các cơ quan chức năng thực hiện những giải pháp trước mắt như kiên quyết xử lý các đơn vị thi công chặn dòng gây ngập, khơi thông dòng chảy kênh rạch, cửa xả, hầm ga bị tắc nghẽn … để người dân bớt nỗi lo ngập nước sau những trận mưa lớn.

Đọc thêm:

TPHCM: ÁP thấp nhiệt đới gây mưa lớn gây ngập đường, kẹt xe

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới