Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhà bán lẻ nội có ngại cạnh tranh với nước ngoài?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà bán lẻ nội có ngại cạnh tranh với nước ngoài?

Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Dù doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài tham gia thị trường ngày càng nhiều và càng lấn át, nhưng theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam và Trung tâm WTO, các nhà bán lẻ nội địa vẫn lạc quan và tự tin về khả năng cạnh tranh của mình.

Nhà bán lẻ nội có ngại cạnh tranh với nước ngoài?
Bà Đinh Thị Mỹ Loan (phải) và bà Nguyễn Thị Thu Trang – đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ về kết quả khảo sát – Ảnh: Quốc Hùng

Đó là nhận định của nhóm nghiên cứu thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam và Trung tâm WTO được công bố hôm nay 28-6 tại buổi tọa đàm tham vấn nhận diện các rủi ro về chính sách đối với ngành bán lẻ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA. Tuy nhiên, kết quả khảo sát này ngay lập tức gặp một số phản ứng từ phía doanh nghiệp.

Báo cáo lạc quan

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết kết quả trên dựa vào trả lời khảo sát của 100 doanh nghiệp bán lẻ quy mô nhỏ, vừa và lớn có tính đại diện khá cao.

Theo hai đơn vị này, sự gia tăng đột biến về số lượng các nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam thông qua mở mới hay sáp nhập – hợp nhất – mua lại cổ phần (M&A) trong khoảng 3 năm gần đây khiến ngành bán lẻ trở thành một hiện tượng điển hình cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Cũng từ đây, xuất hiện những lo lắng về nguy cơ ngành bán lẻ Việt Nam có thể bị “thôn tính” bởi các nhà bán lẻ nước ngoài, kéo theo những hệ lụy không nhỏ đối với các ngành sản xuất nội địa, cũng như những rủi ro nhất định với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo đơn vị khảo sát, khả năng nhà đầu tư nước ngoài “thôn tính” toàn bộ thị trường bán lẻ Việt Nam, là không thể mà nhìn một cách khách quan, sự tham gia và mở rộng thị phần của các nhà bán lẻ nước ngoài như một xu hướng tất yếu của quá trình hội nhập.

Theo bà Loan, kết quả điều tra các doanh nghiệp bán lẻ cũng khẳng định cách nhìn nhận tích cực và rất mở của doanh nghiệp bán lẻ nội địa về vấn đề này.

Cụ thể, khi được hỏi về ảnh hưởng chung của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ, số cho rằng FDI sẽ có ảnh hưởng tích cực hoặc rất tích cực là cao nhất, chiếm trên 31%, cao gấp 4 lần so với số cho rằng FDI sẽ có ảnh hưởng tiêu cực/rất tiêu cực (8%). Số còn lại đánh giá FDI sẽ có ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực tới hoạt động của mình. Theo đơn vị khảo sát, kết quả này cho thấy các doanh nghiệp “trong cuộc” có cái nhìn tỉnh táo về vấn đề này.

Theo bà Loan, đánh giá này của doanh nghiệp bán lẻ nội địa dường như bình tĩnh và công bằng hơn so với những lo ngại mà một số báo chí và chuyên gia đề cập thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng trước "hiện tượng bành trướng" của các nhà bán lẻ nước ngoài ở thị trường Việt Nam.

ông Phạm Trung Kiên chia sẻ ý kiến tại buổi tham luận – Ảnh: Quốc Hùng

Theo bà Loan, kết quả điều tra về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa so với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài còn cho thấy ở nhiều khía cạnh, doanh nghiệp bán lẻ nội địa cạnh tranh ngang ngửa và có ưu thế hơn doanh nghiệp FDI. Cụ thể, về khả năng mở thêm điểm bán, tìm nguồn cung hàng hóa tốt, thuê mặt bằng kinh doanh, hệ thống logistics phục vụ, giá bán, thiết kế của hàng và trưng bày, hiểu tâm lý người tiêu dùng, các hoạt động marketing bán lẻ, nguồn nhân lực quản lý cửa hàng, chất lượng phục vụ tại điểm bán và các dịch vụ hậu mãi, qua khảo sát cho thấy doanh nghiệp nội địa có ưu thế hơn.

Đánh giá của doanh nghiệp về triển vọng phát triển của các mô hình bán lẻ trong 3-5 năm tới, kết quả điều tra cũng cho thấy đa số (50-70%) các doanh nghiệp được hỏi khẳng định sự tự tin nhất định trong cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài về phần lớn các mô hình bán lẻ, đặc biệt là các mô hình truyền thống.

Và ở tất cả các trường hợp, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (3-10%) các doanh nghiệp đánh giá rằng nhà bán lẻ Việt Nam hoàn toàn bất lợi trong cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài.

Doanh nghiệp: bức tranh không thực tế

Tuy nhiên, tại tọa đàm, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM – người từng quản lý hệ thống bán lẻ lớn tại TPHCM là Satra – cho rằng kết khảo sát này cho thấy một bức tranh không thực tế của doanh nghiệp bán lẻ nội hiện nay. Cụ thể là các thương hiệu bán lẻ của Việt Nam ngày càng bị teo tóp và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Do đó, ông Minh đề nghị nhóm nghiên cứu cần phải kiểm chứng lại việc khảo sát của mình trước khi trình lên Chính phủ nhằm "bốc thuốc" chữa trị.

Liên quan về vấn đề này, ông Phạm Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho rằng Saigon Co.op cũng tự tin có khả năng cạnh tranh, nhưng cần phải thực tế. Thực tế theo ông Kiên, hiện nay doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang trong một cuộc cạnh tranh sống còn với khối ngoại, nếu yếu thì chắc chắn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Ông Kiên cho rằng khối ngoại đang không ngừng nghỉ "tấn công".

Dù kênh bán lẻ hiện đại theo thống kê còn chiếm tỷ lệ thấp nhưng theo ông Kiên, kênh bán hàng này đang cho thấy có tốc độ phát triển rất nhanh mà hiện nay khối ngoại đang chiếm hơn 58% tổng thị trường. Dự kiến đến năm 2020, khối ngoại sẽ chiếm khoảng 73% kênh bán hàng này.

Mời đọc thêm:

>>> Chuyện Apple mở cửa hiệu ở Ấn Độ và quy định ENT ở VN

>>> Nhà sản xuất trong nước lo ngại nhà bán lẻ ngoại

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới