Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao Malaysia nhất quyết hủy hai dự án 22 tỉ đô với Trung Quốc?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao Malaysia nhất quyết hủy hai dự án 22 tỉ đô với Trung Quốc?

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad vừa thông báo hủy hai dự án với tổng vốn đầu tư hơn 22 tỉ đô la Mỹ chủ yếu dựa vào vốn vay từ Trung Quốc vì lo ngại Malaysia sẽ vỡ nợ, nhưng sâu xa hơn, ông không muốn các tài sản chiến lược của đất nước bị bàn giao cho Trung Quốc để cấn trừ nợ.

Vì sao Malaysia nhất quyết hủy hai dự án 22 tỉ đô với Trung Quốc?
Thủ tướng Mahathir Mohamad nói Malaysia sẽ hủy hai dự án của Trung Quốc ở Malaysia bao gồm dự Tuyến đường sắt Bờ Đông (ECRL) dài 688km. Ảnh: Malaysiakini

Lo vỡ nợ vì vay từ Trung Quốc quá nhiều

Hôm 21-8, phát biểu với các phóng viên tại Bắc Kinh trước khi lên đường trở về nước sau chuyến thăm 5 ngày ở Trung Quốc, Thủ tướng Mahathir Mohamad nói Malaysia sẽ hủy dự án Tuyến đường sắt Bờ Đông (ECRL) và dự án đường ống dẫn khí đốt xuyên Sabah (TSGP) do Trung Quốc tài trợ vốn vay.

Ông cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đều hiểu lý do dẫn đến Malaysia hủy hai dự án này.

 “Tôi đã giải thích với họ, còn họ hiểu tình hình của chúng tôi và chấp nhận. Ban đầu, có một số hiểu lầm nhưng giờ đây họ đã hiểu tại sao chúng tôi làm như vậy. Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc muốn chúng ta vỡ nợ”, ông nói.

Ông Mahathir Mohamad cho biết hai dự án này ngốn một lượng tiền đầu tư khổng lồ chủ yếu dựa vào vốn vay từ Trung Quốc nhưng Malaysia chưa thực sự cần chúng vào thời điểm này, đặc biệt là giữa lúc tình hình tài chính của đất nước đang nguy ngập với mức tổng nợ nước ngoài đã lên đến 250 tỉ đô la Mỹ.

Dự án ECRL với vốn đầu tư gần 20 tỉ đô la nhằm xây dựng tuyến đường sắt dài 688 km dọc theo bờ biển phía đông Malaysia, được động thổ vào năm ngoái và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024. Dự án này sẽ giúp kết nối Biển Đông với các tuyến đường biển chiến lược phía tây Malaysia. Hồi tháng 6, chính phủ mới của Malaysia cho biết số tiền mà chính phủ tiền nhiệm đã giải ngân cho dự án này là 4,8 tỉ đô la và đến nay, dự án đã hoàn thành 13% khối lượng công việc.

Trong khi đó, dự án TSGP liên quan đến xây dựng một đường ống dẫn khí đốt dài 662km. Thủ tướng Mahathir Mohamad nói Malaysia đã giải ngân 2 tỉ đô la trong tổng mức đầu tư 2,5 tỉ đô la ở dự án này nhưng đơn vị thi công dự án là công ty con của Tập đoàn Xăng dầu quốc gia Trung Quốc vẫn chưa xây dựng gì cả. Cả hai dự án này đều bị tạm ngưng hồi tháng 7 sau khi ông Mahathir Mohamad lên làm Thủ tướng.

Ông Mahathir Mohamad cho biết các chi tiết khác bao gồm các khoản bồi thường vì hủy hợp đồng cho phía Trung Quốc sẽ cần thảo luận thêm.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The New York Times gần đây, ông Mahathir Mohamad bày tỏ lo ngại cách mà các dự án này được phê duyệt và thực hiện, bao gồm quy trình đấu thầu bí mật và việc các công ty Trung Quốc thường đưa lao động Trung Quốc sang xây dựng dự án chứ không thuê lao động địa phương.

Ông cũng nói ông có bằng chứng cho thấy một công ty Malaysia có thể thực hiện dự án ECRL với số vốn đầu tư chỉ bằng phân nửa mức vốn đầu tư ban đầu 13,4 tỉ đô la mà chính phủ tiền nhiệm chấp nhận trả cho Công ty xây dựng viễn thông Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng cho biết dự án ECRL giờ đây đã bị đội vốn đầu tư lên mức 20 tỉ đô la.

Mahathir Mohamad cho rằng số tiền đầu tư đội lên trong dự án có thể đã rơi vào túi tham nhũng. Ông chia sẻ thẳng thắn những gì ông suy nghĩ về ý đồ của Trung Quốc trong việc tài trợ vốn vay cho các dự án tại Malaysia:
“Họ (Trung Quốc) biết rằng khi họ cho một nước nghèo vay những khoản tiền lớn thì cuối cùng, họ có thể tiếp quản các dự án này”.

Marina Rudyak, học giả nghiên cứu tài trợ nước ngoài của Trung Quốc ở Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc  Đại học Heidelberg tại bang Ohio (Mỹ), nhận định quyết định hủy hai dự án trên, một phần của Sáng kiến Một vành đai, một con đường, là một đòn giáng nặng nề đối với Trung Quốc.

Bà nói: “Ông Tập Cận Bình xem Sáng kiến Một vành đai, một con đường như là sự đóng góp của Trung Quốc trong một kỷ nguyên mới khi Trung Quốc trở thành thành viên có trách nhiệm toàn cầu. Điều này có nghĩa là các dự án bị hủy báo hiệu một thất bại về chính sách ngoại giao kinh tế của Trung Quốc”.

Dự án Melaka Gateway bao gồm ba đảo nhân tạo và một đảo tự nhiên được mở rộng. Ảnh: NY Times

Dự án cảng nước sâu gây lo ngại

Ngoài hai dự án trên, Trung Quốc còn có nhiều dự án đầu tư khác ở Malaysia, gây bất an cho người dân nước này. Malaysia từng là một đối tác nhiệt thành của Trung Quốc. Thủ tướng tiền nhiệm Najib Razak nhận nhiều khoản vay của Trung Quốc và trao cho Bắc Kinh các cơ hội để mở rộng sự hiện diện ở đất nước nhỏ bé này.

Trong các năm vừa qua, công ty điện lực quốc tế Trung Quốc (PowerChina International) cùng hai công ty phát triển cảng biển của Trung Quốc đã chung tay tài trợ vốn vay để xây dựng cho một cảng nước sâu khổng lồ ở eo biển Malacca của Malaysia có đủ khả năng tiếp nhận một tàu sân bay. Dự án này, có tên gọi Melaka Gateway có mức vốn đầu tư lên đến 10 tỉ đô la, được Trung Quốc xem như một phần của tuyến giao thương đường biển được thiết kế để kết nối Thượng Hải với Rotterdam (Hàn Lan). Các đối tác Trung Quốc vận hành cảng nước sâu của dự án sẽ được thuê cảng này trong 99 năm, thay vì 30 năm như lệ thường.

Dự án này còn bao gồm ba đảo nhân tạo và một đảo tự nhiên được mở rộng, nơi sẽ đặt một khu công nghiệp, một trung tâm tài chính, một khách sạn 7 sao, một bến du thuyền và một công viên chủ đề.

Đối tác liên doanh của Malaysia trong dự án Melaka Gateway là công ty không mấy tên tuổi KAJ Development.
Người dân địa phương nghi ngờ mối quan hệ gần gũi giữa lãnh đạo của KAJ Development với bộ máy lãnh đạo đảng chính trị của ông Najib đã giúp KAJ có mặt trong dự án này.

“Chúng tôi có nhiều câu hỏi cho dự án này nhưng không nhận được câu trả lời. Làm sao KAJ có được hợp đồng? Điều gì sẽ xảy ra nếu phía Malaysia không thể trả nổi nợ? Người Trung Quốc quá bí mật về dự án này. Điều này khiến chúng tôi có cảm giác rất bất an”, Sim Tong Him, cựu nghị sĩ Malaysia đến từ bang Malacca, nói.

Adly Zahari, tân thủ hiến bang Malacca, cam kết sẽ mở cuộc điều tra về tính khả thi của toàn dự án bao gồm khả năng một mảnh đất trên một hòn đảo của dự án có thể được bán cho một công ty nhà nước Trung Quốc sở hữu vô thời hạn.

Tính cần thiết của dự án Melaka Gateway chưa bao giờ rõ ràng ít nhất là đối với người dân địa phương.

“Chúng tôi lo ngại vì ngay từ đầu, chúng tôi không cần thêm bất cứ cảng nào cả. Chúng tôi không cần phải phụ thuộc vào những người nước ngoài đến đây. Khi họ xây cảng, họ sử dụng lao động và vật liệu nước ngoài. Chúng tôi được cái gì chứ? Chẳng được gì cả”, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói trong cuộc trò chuyện với tờ The New York Times.

Song Bắc Kinh đã tài trợ vốn vay cho nhiều dự án cảng khắp Ấn Độ Dương như là chiến lược “chuỗi trân châu”. Các chuyên gia quân sự nghi ngờ một ngày nào đó, các cảnh này sẽ tiếp nhận các chiến hạm và tàu ngầm Trung Quốc.

“Bạn hãy nhìn vào bản đồ và có thể thấy những nơi mà Trung Quốc đang kế hoạch xây dựng cảng và các khoản đầu tư khác từ Myanmar đến Pakistan đến Sri Lanka và hướng về Djibouti. Điều gì quan trọng đối với tất cả kế hoạch đó? Chính là đất nước Malaysia bé nhỏ và eo biển Malacca của chúng tôi”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong nói.

Dự án đại đô thị thành khu định cư của người Trung Quốc

Một dự án đại đô thị lấn biển có tên gọi Forest City do tập đoàn phát triển bất động sản Country Gardens (Trung Quốc) thực hiện ở bang Johor khiến công luận Malaysia bắt đầu chống lại dòng tiền đầu tư của Trung Quốc. Dự án này bao gồm bốn đảo nhân tạo, được xây dựng qua nhiều giai đoạn, có tổng vốn đầu tư lên đến 100 tỉ đô la, dự kiến sẽ là nơi sinh sống cho 700.000 người.

Cho đến nay, 70% người mua các căn hộ ở dự án này là người Trung Quốc. Mỗi căn hộ ở đây có giá lên đến 250.000 đô la, nằm ngoài tầm với của hầu hết người dân địa phương.

Khi còn là một lãnh đạo của phe đối lập tại quốc hội Malaysia, ông Mahathir Mohamad thẳng thừng chỉ trích: “Chính phủ ông Najib Razak giao đất đai cho người nước ngoài để họ xây dựng những căn hộ cao cấp mà người dân địa phương không đủ sức mua”.

Trong cuộc vận động tranh cử, ông kịch liệt phản đối dự án Forest City khi nói rằng: “Đây là không phải là dự án đầu tư của Trung Quốc mà là một khu định cư của người Trung Quốc”.

Người dân Malaysia lo ngại người Trung Quốc có thể sống thoải mái như họ muốn ở Forest City và điều này làm phai nhạt bản sắc dân tộc Malaysia. Hiện nay, trong cơ cấu dân số Malaysia, người Hồi giáo Mã lai chiếm đông nhất, tiếp theo là người Hoa và người Ấn Độ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới