Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bỏ trợ giá khí, nhà máy đạm có gặp khó?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bỏ trợ giá khí, nhà máy đạm có gặp khó?

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Việc Chính phủ không còn tiếp tục trợ giá khí rẻ cho các nhà máy đạm trong thời gian tới khiến các nơi này lo lắng không yên nhưng chưa hẳn đã khó khăn.

Bỏ trợ giá khí, nhà máy đạm có gặp khó?
Dự án nhà máy Đạm Cà Mau. Ảnh:PVN

Theo cam kết của Chính phủ khi Đạm Cà Mau tiến hành cổ phần hóa năm 2014 là nơi này sẽ được mua khí ưu đãi từ Tập đoàn Dầu khí (hiện sở hữu 75% cổ phần tại Đạm Cà Mau) với mức giá cỡ khoảng 3 đô la Mỹ/triệu BTU, thời gian có giá thấp kéo dài trong vòng 4 năm (2014-2018). Cam kết của Chính phủ theo phương án bán cổ phần lần đầu của Đạm Cà Mau năm 2014 đảm bảo Đạm Cà Mau có được lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 12%/năm.

Trong khi đó, từ năm 2014 thì một doanh nghiệp khác là Đạm Phú Mỹ đã không còn được hưởng giá mua khí ưu đãi nữa mà mức giá tính ra bằng 46% giá dầu FO bình quân hàng tháng tại thị trường Singapore và chi phí vận chuyển khí. Mức điều chỉnh giá khí của Đạm Phú Mỹ cũng tác động nhiều đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp do chi phí tăng mà giá bán phân đạm không phải lúc nào cũng tăng theo. Nhiều thời điểm giá bán phân đạm còn giảm, doanh nghiệp lỗ.

Kể từ đầu năm 2019, Đạm Cà Mau cũng sẽ bị chấm dứt giá bán khí ưu đãi từ Chính phủ. Theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí, mức giá khí có thể điều chỉnh lên đến 7-8 đô la/triệu BTU, cao gấp 2,5 lần mức giá khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cho cả vòng đời dự án. Cũng mức giá này cao hơn gấp 2 lần so với giá khí bình quân của các nhà máy sản xuất phân bón hạt đục trong khu vực và trên thế giới.

Việc tăng giá khí (chiếm 75% nguyên liệu đầu vào) chắc chắn đẩy giá bán đầu ra của Đạm Cà Mau lên cao, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ nước ngoài của dự án rẩt nhiều.

Các Báo cáo tài chính được công bố của Đạm Phú Mỹ cho thấy, từ năm 2014, Đạm Phú Mỹ cũng đã phải đối diện với vấn đề điều chỉnh giá khí tương tự như Đạm Cà Mau. Nhờ trợ giá khí trước thời điểm đó, lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ luôn ở mức cao. Song việc điều chỉnh giá khí từ 2014, với mức giá bán bình quân từ 4-6 đô la/triệu BTU đã không hoàn toàn làm ảnh hưởng tiêu cực đến giá thành đầu ra của Đạm Phú Mỹ. Cụ thể, theo công bố hồi tháng 6-2018 của Đạm Phú Mỹ, chi phí khí mà nơi này phải trả là 3.001 tỉ đồng (2014); 1.848 tỉ đồng (2015), 1.657 tỉ đồng (2016) và 2.082 tỉ đồng (2017).

Tại cuộc gặp với các nhà đầu tư mới đây của lãnh đạo Đạm Phú Mỹ (6-2018), sản lượng sản xuất của Đạm Phú Mỹ ước đạt 53% kế hoạch năm, công suất vận hành tối đa kể cả xác dự án chạy thử nên mặc dù giá khí năm nay tăng 25% so với kế hoạch nhưng lợi nhuận 6 tháng đầu năm đã vượt kế hoạch đề ra do giá bán các loại phân bón và hóa chất tăng. Như giá bán ure tăng 8%, giá bán các loại phân bón khác tăng 23%. Như vậy 6 tháng đầu năm, Đạm Phú Mỹ đã ước đạt 4.915 tỉ đồng doanh thu và 430 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 97% kế hoạch năm.

Điều đó cho thấy, chi phí giá khí dù rất lớn trong giá nhiên liệu đầu vào của doanh nghiệp sản xuất phân bón nhưng nếu có chính sách quản lý sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp tốt thì doanh nghiệp vẫn đảm bảo doanh thu và lợi nhuận dù mức này không phải lúc nào cũng theo chiều hướng đi lên dần.

Vấn đề là việc trợ giá khí cho các nhà máy sản xuất phân đạm đến lúc phải kết thúc vì ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như không phản ánh đúng giá thị trường. Hiện giá bán khí cho các nhà máy điện và nhà máy phân đạm đều đã được điều chỉnh theo giá thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới