Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Viễn cảnh nào cho mạng 5G ở Việt Nam?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Viễn cảnh nào cho mạng 5G ở Việt Nam?

Võ Đình Trí

(TBKTSG) – Với những cải tiến đáng kể về công nghệ, mạng 5G với mục tiêu tăng tốc độ kết nối, giảm độ trễ tín hiệu (latency) và tăng số lượng thiết bị kết nối cùng một lúc, được kỳ vọng sẽ là một cú hích mạnh trong nền kinh tế số. Một số nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cũng tin là như vậy và mong muốn Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai 5G vào năm 2020.

5G sẽ mang về 3,17 tỉ đô la cho ngành viễn thông

Việt Nam sẽ có 5G vào năm 2020

Viễn cảnh nào cho mạng 5G ở Việt Nam?
Việt Nam hoàn toàn có thể thử nghiệm 5G trong vài tháng tới. Ảnh: THÀNH HOA

Không khó khi làm thí điểm

Về mặt công nghệ và kỹ thuật thì Việt Nam hoàn toàn có thể thử nghiệm 5G trong vài tháng tới và triển khai vào năm 2020 vì việc chuyển giao và tiếp nhận không có nhiều trở ngại đối với đội ngũ nhân lực chuyên ngành. Đội ngũ kỹ sư của các tập đoàn viễn thông luôn cập nhật rất nhanh những công nghệ mới thông qua các mạng lưới kết nối của mình, cũng như thông qua các đối tác. Thêm vào đó, các nhà cung cấp giải pháp, thiết bị quốc tế cũng đang rất “khuyến khích” Việt Nam tham gia vào sân chơi 5G với nhiều viễn cảnh tươi đẹp.

Ngoài ra, nhiều nhà hoạch định chính sách đang hào hứng với cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Dù biết rằng những tác động từ CMCN 4.0 là rất lớn đối với đời sống kinh tế – xã hội, nhưng đã có nhiều cảnh báo cho rằng những tác động này phần lớn chỉ xảy ra với những quốc gia chuyển đổi từ 3.0 sang 4.0. Trong khi đó, hạ tầng và mức độ phát triển của Việt Nam đang ở mức thấp hơn. Do đó, những tác động sẽ diễn ra ở phạm vi hẹp hơn, ở một số lĩnh vực nhất định.

Tình hình cũng sẽ  tương tự như vậy với mạng 5G. Phủ sóng 5G đến người tiêu dùng trên cả nước là câu chuyện không đơn giản. Tại tọa đàm “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông” ngày 14-11 vừa qua, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Việt Nam sẽ là một trong những nước đi đầu trong việc khiển khai 5G. Nhưng ông cũng đã rất thận trọng khi cho biết “chưa đi đầu được trên phạm vi toàn quốc thì đi đầu ở Hà Nội và TPHCM”. Điều này cho thấy, kỳ vọng của vị tư lệnh ngành về độ phủ sóng rộng của mạng 5G là không cao.

Quá khó để có đủ thị trường 5G

Khi công nghệ 2G trên thế giới bắt đầu, chỉ sau vài năm Việt Nam đã nằm trong tốp 20 thế giới về mạng di động. Nhưng gần 30 năm sau đó, Việt Nam đứng dưới trung bình của thế giới về mật độ thuê bao băng thông rộng. Điều này cho thấy, nhu cầu của người tiêu dùng dịch vụ viễn thông ở Việt Nam chủ yếu vẫn là cuộc gọi và tin nhắn.

Ước tính hiện nay cả nước có khoảng 13 triệu thuê bao di động có kết nối dữ liệu, chiếm 30% tổng số thuê bao di động. Trong đó, kết nối dữ liệu chủ yếu sử dụng cho giải trí, nhiều nhất là mạng xã hội. Ngoài ra, có thể kế đến một số ứng dụng trên nền tảng điện thoại thông minh như đặt xe, đặt hẹn, mua sắm. Tuy nhiên, những nhu cầu này hoàn toàn có thể đáp ứng được bởi hạ tầng mạng 3G hay 4G. Chưa kể, chất lượng đường truyền 4G hiện nay chưa được đúng chuẩn, chỉ nhanh hơn 3G vài lần chứ không được 10 lần như tiêu chuẩn kỹ thuật đề ra.

Một yếu tố quan trọng khác để 5G phát triển là phải có các ứng dụng đi kèm. 5G được kỳ vọng áp dụng nhiều trong lĩnh vực giao thông như xe tự lái, điều tiết giao thông theo thời gian thực; lĩnh vực sức khỏe như phẫu thuật từ xa hay kết nối vạn vật (IoT). Nhưng thực tế ở Việt Nam cho thấy, nhu cầu của các lĩnh vực này còn khá xa vời.

Ngay cả một số nước có nền kinh tế phát triển, tổng thể hạ tầng tốt hơn Việt Nam rất nhiều, họ vẫn khá dè dặt với sự phát triển của 5G. Báo cáo mới nhất của Hiệp hội GSM toàn cầu cho biết, cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương đến năm 2025 có khoảng 675 triệu thuê bao 5G, chiếm 14% tổng số thuê bao di động và 37% dân số. Trong số đó, những nước có hạ tầng phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc cũng chỉ tập trung ở các vùng đô thị và đến 2025 chỉ có khoảng 50-60% thuê bao di động có kết nối 5G.

Thực tế cho thấy ở các nước phát triển, nếu các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện đúng cam kết băng thông, chất lượng đường truyền đúng chuẩn 4G, thì hầu hết các ứng dụng và nhu cầu của người tiêu dùng đều có thể đáp ứng được với 4G. Các nhà phát triển ứng dụng đại chúng cũng chưa thực sự quan tâm nhiều đến 5G vì họ cũng chạy theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Thí điểm, rồi sao nữa?

Với quyết tâm chính trị, mạng 5G chắc sẽ được thử nghiệm, và sau đó có thể thí điểm ở Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ hiệu quả đầu tư dự án của doanh nghiệp thì việc triển khai mạng 5G cần được cân nhắc kỹ hơn với các câu hỏi sau:

Thứ nhất, hiệu quả đầu tư của mạng 5G là bao nhiêu? Theo một ước tính của các nhà cung cấp viễn thông châu Âu, việc cải thiện mạng 4G và triển khai 5G có thể tăng chi phí vốn lên 60% cho giai đoạn 2020-2025. Riêng đối với mạng 5G, dự kiến chi phí vốn trên doanh thu (capex-to-revenue) tăng từ 13-22%. Hiện nay ba nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất nước ta vẫn là doanh nghiệp nhà nước, mặc dù tính hiệu quả về đầu tư có thể bớt khắt khe hơn một chút nhưng không thể không so sánh với các doanh nghiệp khác cùng ngành.

Thứ hai, cần bao nhiêu thuê bao để có thể bắt đầu hoàn vốn? Các nhu cầu dịch vụ di động của Việt Nam phần lớn vẫn là 2G và một phần 3G, 4G. Triển vọng trong tương lai về các ứng dụng và IoT cho mạng 5G còn khá mờ nhạt ở Việt Nam. Do đó, nền tảng 4G nếu khai thác tốt thì vẫn dư sức đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nếu triển khai 5G mà chỉ dùng cho một số ít ứng dụng và phục vụ cho một nhóm nhỏ khách hàng ở đô thị lớn, thì liệu số đông người dùng dịch vụ viễn thông có phải gánh chịu việc lỗ và phải bù lỗ? Công nghệ mới luôn có sức hút nhưng cần đánh giá hiện trạng và dự báo nhu cầu sát với thực tế.  Nhiều khi, giải pháp tối ưu nhất lại không phải là công nghệ tối tân nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới