Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần 1.300 tỉ đồng để đưa lao động chuyên môn “xuất ngoại”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần 1.300 tỉ đồng để đưa lao động chuyên môn “xuất ngoại”

Thuỳ Dung

Cần 1.300 tỉ đồng để đưa lao động chuyên môn
Nhiều cơ hội "xuất ngoại" cho lao động có chuyên môn – Ảnh minh hoạ: TD

(TBKTSG Online) – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) dự kiến tổng kinh phí cho đề án đưa lao động có trình độ đi làm việc ở nước ngoài đến năm 2025 lên tới 1.300 tỉ đồng.

Bộ LĐTB&XH đang xây dựng dự thảo “Đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”.

Nhu cầu cao

Theo Bộ LĐTB&XH, những năm gần đây, thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng mở rộng. Hàng năm, khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài gửi về từ 1,7 đến 2 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện là lao động phổ thông, có tay nghề thấp, số còn lại là lao động có tay nghề nhưng chủ yếu là đào tạo sơ cấp 3 tháng.

Trong những năm tới, xu hướng già hoá dân số ở các quốc gia tiếp nhận lao động Việt Nam tiếp tục tăng cao. Ví dụ tại Nhật Bản, 1/4 dân số Nhật Bản có độ tuổi trên 65 và 1/3 sẽ bước vào tuổi nghỉ hưu năm 2030. Hay ở Đức, có 17 triệu dân ở độ tuổi từ 65 trở lên, con số này sẽ tăng lên 21 triệu người vào năm 2030, tương đương 28% dân số. Do đó, nhu cầu tiếp nhận lao động từ những quốc gia này rất cao, đặc biệt là lao động có trình độ.

Trong khi đó tại Việt Nam, theo báo cáo thị trường lao động quí 2-2016, có khoảng 1,09 triệu người lao động thất nghiệp, trong đó hơn 418.000 lao động có chuyên môn kỹ thuật. Do vậy, cần phải có những hoạt động để đưa những lao động dôi dư ra nước ngoài làm việc.

Tuy nhiên, việc đưa lao động có trình độ của Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng không đơn giản. Theo Bộ LĐTB&XH, nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo trong nước không phù hợp với yêu cầu của phía nước ngoài; vẫn chưa có quy định về việc công nhận bằng cấp lẫn nhau do chương trình đào tạo của Việt Nam không phù hợp với chương trình đào tạo của nước tiếp nhận.

Hơn nữa, dù tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật của Việt Nam tương đối lớn nhưng chủ yếu là lao động được đào tạo trong các lĩnh vực xã hội, nhân văn, lĩnh vực mà các quốc gia khác không có nhu cầu tiếp nhận, chứ không phải là các đối tượng được đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật. Hơn nữa, khả năng ngoại ngữ của lao động trong nước còn thấp, chưa đủ trình độ để nộp hồ xơ xin visa.

Một số ngành mà Việt Nam có lợi thế, nguồn nhân lực có sẵn như điều dưỡng viên, y tá, công nhân cơ khí…thì số lượng các kênh tiếp nhận chính thức còn thấp, các kênh khác còn khó khăn do chính sách của nước tiếp nhận. 

Tại buổi họp sơ kết 6 tháng ngành lao động vừa diễn ra, ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, đối tượng lao động có trình độ đưa đi làm việc ở nước ngoài thuộc đề án này không phải là thạc sĩ, cử nhân kinh tế thất nghiệp. Dự án nhằm đưa lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có thể là lao động được đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề, đại học hoặc trình độ cao hơn, nhưng phải là lao động được đào tạo ở những lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật, không phải chuyên ngành xã hội.

Song thực tế, lao động có chuyên môn kỹ thuật, lao động có trình độ ngoại ngữ tốt thì ngay cả trong nước cũng có nhiều cơ hội nghề nghiệp với họ.

Các nước tiếp nhận lao động Việt Nam

Đề án được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2018 đến 2020, dự kiến đưa 11.200 lao động đi làm việc tại Đức trong các ngành điều dưỡng, hộ lý, kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ vật lý, sinh học.

Cùng với đó, đề án cũng dự kiến đưa 4.500 lao động là điều dưỡng chăm sóc người già, người bệnh; kỹ sư công nghệ thông tin và cơ khí sang Nhật Bản. Tại Hàn Quốc, dự kiến đưa 1.800 lao động là kỹ sư ngành cơ khí, CNTT, đầu bếp và nhân viên phục vụ khách sạn, nhà hàng.

Sang giai đoạn 2, từ năm 2021 – 2025, tổng số lao động được đưa đi hơn 39.000 người, gồm thị trường lao động Đức, dự kiến đưa 8.300 lao động đi làm điều dưỡng viên và 16.500 kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử viễn thông đi làm việc.

Tại thị trường lao động Nhật Bản, dự kiến đưa 3.300 điều dưỡng viên, 6.600 kỹ sư điện tử viễn thông, vật lý và tin học. Đồng thời, thị trường Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 3.900 lao động ngành công nghệ thông tin và 400 đầu bếp, phục vụ nhà hàng. Ngoài ra, mở rộng thêm các thị trường như ASEAN, UAE ở các ngành dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, phục vụ khách sạn – nhà hàng, cơ khí, xây dựng. Như vậy, trong cả 2 giai đoạn, tổng số lao động có chuyên môn kỹ thuật "xuất ngoại" khoảng gần 57.000 người.

Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 1.300 tỉ đồng và phân bổ cho giai đoạn đầu gần 432 tỉ đồng, giai đoạn hai là 874 tỉ đồng.

Bộ LĐTB&XH cũng chủ trì đề án để lựa chọn các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề phù hợp để tham gia; đồng thời đàm phán với 3 nước (Hàn Quốc, Nhật Bản và CHLB Đức) về khả năng tiếp nhận lao động.

Bộ cũng đưa ra một loạt các giải pháp như vận động chính sách của nước tiếp nhận lao động; hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp khi khai thác được hợp đồng đưa lao động có trình độ đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề với các nghề tham gia đề án…

Mời đọc thêm:

Quí 4-2016: có 218.000 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thất nghiệp

Nhiều cơ hội “xuất ngoại” lao động có chuyên môn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới